Dữ liệu và các kết luận của nghiên cứu tiếp tục cho thấy những đóng góp nổi bật của cây trồng BĐG và ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) trong nông nghiệp đối với phát triển nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực.
Nghiên cứu đã chỉ ra những lợi ích kinh tế nổi bật ở cấp độ nông hộ dành cho nông dân trong giai đoạn 1996 – 2020, cụ thể tổng thu nhập tích luỹ gia tăng khi trồng cây BĐG là 261,3 triệu đô la Mỹ - tương đương với mức tăng khoảng 112 đô la Mỹ trên mỗi ha gieo trồng.
Riêng trong năm 2020, mức thu nhập gia tăng mà nông dân trồng cây BĐG thu về là 18,8 triệu đô la Mỹ (tương đương với mức tăng 103 đô la Mỹ/ha).
Đáng chú ý, nghiên cứu cũng tiếp tục cho thấy cây trồng BĐG đang mang lại lợi ích kinh tế cho nông dân canh tác quy mô nhỏ lớn hơn so với nông dân tại các nước có quy mô nông trại lớn; cụ thể là mức tăng thu nhập được chia 52% cho nông dân các nước đang phát triển và 48% cho nông dân các nước phát triển.
Khi đi sâu vào đánh giá đâu là các yếu tố giúp gia tăng thu nhập, nghiên cứu kết luận 72% đến từ việc tăng năng suất và sản lượng, 28% đến từ chi phí cắt giảm tiết kiệm được khi công lao động giảm.
Ở cấp độ toàn cầu, những lợi ích về năng suất và sản lượng có được từ cây trồng BĐG đã đóng góp quan trọng vào việc duy trì tính bền vững và thúc đẩy tăng trưởng sản lượng nông nghiệp của những cây trồng quan trọng khi thế giới đã có thêm 300 triệu tấn ngô và 595 triệu tấn đậu tương được bổ sung vào sản lượng ngô và đậu tương từ giữa những năm 90 cho tới nay.
Chỉ tính riêng năm 2020, trên 4 loại cây trồng chính, công nghệ BĐG đã tạo ra thêm 85 triệu tấn đậu tương, ngô, bông, cải dầu. Nếu không có công nghệ này, ước tính nông dân sẽ phải cần thêm 23,4 triệu ha đất nông nghiệp để có thể đạt được mức sản lượng gia tăng tương đương.
Khi nghiên cứu cụ thể hơn về hiệu suất đầu tư, dữ liệu cho thấy với mỗi 1 đô la nông dân đầu tư thêm vào công nghệ hạt giống BĐG (so với giống cây thông thường), họ sẽ thu về thu nhập gia tăng 3,76 đô la Mỹ. Ở các nước đang phát triển, nông dân thậm chí còn thu lại được nhiều hơn với mức tăng thêm 5,22 đô la Mỹ cho mỗi 1 đô la Mỹ đầu tư thêm; trong khi con số này ở các nước đang phát triển là 3 đô la Mỹ.
Cây trồng BĐG mang tính trạng kháng thuốc trừ cỏ được canh tác lần đầu vào năm 1996, cho tới năm năm 2020, diện tích cây trồng BĐG kháng thuốc trừ cỏ chiếm 60% diện tích cây trồng BĐG trên toàn cầu.
Năm 2020, thu nhập nông hộ gia tăng trên toàn cầu đến từ việc ứng dụng cây trồng kháng thuốc trừ cỏ là 1.55 tỷ đô la Mỹ với tổng giá trị tích luỹ từ năm 1997 tới năm 2020 là 20,2 tỷ đô la Mỹ - trong đó 42% giá trị tăng thêm, tương đương với 7,8 tỷ đô la Mỹ, đến từ việc tăng năng suất; phần còn lại là do giảm chi phí sản xuất.
Đối với cây trồng BĐG mang công nghệ kháng sâu, tác động nổi bật tới thu nhập nông hộ lại đến từ việc tăng năng suất do giảm thiểu thiệt hại từ sâu bệnh. Thêm vào đó, nông dân cũng tiết kiệm được chi phí sản xuất do có thể tiết kiệm được công lao động để phun thuốc trừ sâu và theo dõi mùa màng.
Ngô BĐG được canh tác hiện nay có thể kháng lại hầu hết các loài sâu hại phổ biến, bao gồm cả sâu keo mùa thu, từ đó giúp bảo toàn năng suất tối ưu. Nghiên cứu cho thấy mức tăng trưởng năng suất trung bình khi ứng dụng ngô BĐG trên toàn cầu là 17,7%, với dao động từ 5% tới 23,9% tại các nước.
Cùng với tăng trưởng về năng suất, trong giai đoạn 1996 – 2020, người trồng ngô BĐG kháng sâu cũng có thu nhập gia tăng trung bình khoảng 72 đô la Mỹ/ha - con số này giao động từ 22 đô/ha tới 263 đô/ha tuỳ vào mỗi nước. Tương ứng, tổng thu nhập nông hộ gia tăng khi sử dụng ngô BĐG kháng sâu trên toàn cầu từ 1996 tới năm 2020 là 67,8 tỷ đô la Mỹ, trong đó riêng trong năm 2020 là 3,7 tỷ đô la Mỹ.
Cây trồng BĐG đã được canh tác và sử dụng rộng rãi trong suốt 25 năm qua. Tính đến năm 2020, diện tích cây trồng BĐG trên toàn thế giới là khoảng 186 triệu ha. Những cây trồng chính ứng dụng công nghệ này là đậu tương, ngô, bông và cải dầu với tổng diện tích cây trồng mang các đặc tính BĐG chiếm tới hơn 47% tổng diện tích của bốn loại cây trồng này trên toàn thế giới năm 2020.