Dân Việt

Làm sao để ngăn chặn tình trạng ngộ độc ma túy trong thuốc lá điện tử lậu?

Thủy Lê 09/09/2022 15:39 GMT+7
Thời gian gần đây, dù các cơ quan truyền thông liên tục đưa tin cảnh báo về các ca ngộ độc ma túy bắt nguồn từ thuốc lá điện tử (TLĐT) nhập lậu, tuy nhiên, việc tuyên truyền có vẻ chưa đủ sức răn đe những người hiếu kỳ, có xu hướng bắt chước và không tìm hiểu rõ thông tin nên rước họa vào thân.

Vì sao các ca ngộ độc do sử dụng TLĐT lậu vẫn tăng?

Theo thông tin Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), hằng tuần, Trung tâm Chống độc đơn vị này đều tiếp nhận nhiều ca ngộ độc liên quan tới việc sử dụng TLĐT. Nhiều bệnh viện trên địa bàn thủ đô cũng như ở các tỉnh thành khác cũng có báo cáo tương tự. Cuối tháng 7 vừa qua, Khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an tiếp nhận một cô gái 20 tuổi nhập viện trong tình trạng sức khoẻ nguy kịch. Nguyên nhân được xác định bệnh nhân bị ngộ độc một chất ma túy chứa bên trong lớp vỏ của một loại TLĐT không rõ nguồn gốc. Trường hợp gần nhất, một nam thanh niên 18 tuổi nhập viện 199 Đà Nẵng, được chẩn đoán ngộ độc khi hút TLĐT bơm tinh dầu nhưng không rõ tinh dầu và chất được bơm bên trong là gì.

Tất cả các trường hợp ngộ độc nêu trên đều liên quan đến loại TLĐT dùng một lần (Disposable e-cigarette) hoặc TLĐT hệ mở (open system). Với TLĐT hệ mở, người dùng có thể tuỳ ý pha thêm tinh dầu, thậm chí chất cấm vào để sử dụng, vốn không thể thực hiện được đối với thuốc lá làm nóng (TLLN) hoặc TLĐT hệ đóng (closed system). Còn loại TLĐT dùng một lần thì chứa sẵn tinh dầu, trong đó tội phạm ma túy có thể bơm vào các loại chất cấm trá hình để tránh bị phát giác. Tên gọi "dùng một lần" hàm ý rằng các thiết bị này khá thuận tiện để mua, xài rồi vứt.

Làm sao để ngăn chặn tình trạng ngộ độc ma túy trong thuốc lá điện tử lậu? - Ảnh 1.

Loại TLĐT "dùng một lần" (Disposable e-cigarette) chứa ma túy trá hình gây ngộ độc cho cô gái 20 tuổi ở Hà Nội. Ảnh - Bộ Y tế

Trả lời câu hỏi vì sao truyền thông và các cơ quan quản lý đã tăng cường cảnh báo về nguy cơ ma túy trá hình gây ngộ độc khi dùng TLĐT, nhưng tình trạng mua bán và sử dụng vẫn phổ biến, các chuyên gia nhận định, có hai lý do cơ bản: Trước tiên, đó là do nhu cầu hợp pháp của người hút thuốc trưởng thành (trên 18 tuổi) chưa thể cai thuốc. Họ mong muốn tìm kiếm cho bản thân và cộng đồng những sản phẩm thay thế có khả năng giảm tác hại so với hút thuốc lá điếu. Tuy nhiên tại Việt Nam, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (TLTHM) này, bao gồm TLĐT, TLLN đều chưa được hợp pháp hóa. Có thể thấy, người dùng hiện đang phải liều lĩnh với sức khỏe của mình trước mong muốn chính đáng là giảm tác hại, nhưng buộc phải phải sử dụng hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đơn vị nào kiểm chứng và chịu trách nhiệm về thành phần, chất lượng.

Lý do thứ hai là có những người dùng chỉ vì sự hiếu kỳ hay nhất thời thích thể hiện, mà lại dễ dàng bị kẻ xấu gạ gẫm dẫn dụ sử dụng TLĐT trá hình, sai mục đích. Chính vì thiếu cơ chế quản lý, các tay buôn hàng lậu ngày càng lộng hành trên thị trường chợ đen, ngang nhiên tiếp cận sai đối tượng và biến các loại TLĐT nêu trên trở thành vỏ bọc cho việc mua bán chất cấm nguy hại.

Làm sao để ngăn chặn tình trạng ngộ độc ma túy trong thuốc lá điện tử lậu? - Ảnh 2.

Toàn bộ các sản phẩm TLTHM tại Việt Nam đều là hàng xách tay, nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng, không được kiểm soát dưới luật

FDA Hoa Kỳ ứng xử thế nào với TLĐT, TLLN và các sản phẩm TLTHM khác?

Các chuyên gia khẳng định, thuốc lá điếu và TLTHM đều là những sản phẩm gây nghiện và có hại cho sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, thuốc lá điếu là sản phẩm được đặt ở vị trí cao nhất về khả năng gây hại trên chuỗi nguy cơ, theo WHO.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cũng đánh giá thuốc lá điếu là độc hại nhất, và thừa nhận khả năng giảm tác hại của một số sản phẩm TLTHM, do đó khuyến khích người hút thuốc lá điếu chuyển đổi.

FDA phân biệt rất rõ sự khác nhau về mặt cấu tạo và bản chất giữa TLĐT và TLLN, và có chính sách quản lý riêng đối với từng loại. Đồng thời, FDA định nghĩa rõ, TLLN là thiết bị làm nóng nguyên liệu thuốc lá tự nhiên ở mức nhiệt độ dưới 350 độ C, thấp hơn nhiệt độ khi đốt thuốc lá điếu (khoảng 800-900 độ C). Vì vậy TLLN không tạo ra khói từ phản ứng đốt cháy, mà chỉ tạo ra khí hơi (aerosol) có chứa nicotine cho người dùng hít vào và người dùng không thể tự ý pha trộn bất kỳ chất lạ nào vào thiết bị từ nhà sản xuất cung cấp.

Nhằm ngăn chặn việc người dùng tự ý pha trộn thêm các chất khác khi sử dụng TLĐT, tránh các rủi ro liên quan đến việc sử dụng sản phẩm sai mục đích, sai đối tượng, năm 2021 FDA chỉ cấp phép cho một loại TLĐT hệ thống đóng, dùng kèm với tinh dầu hương thuốc lá. Trước đó, cơ quan này cũng thông qua một vài sản phẩm thuốc lá sử dụng qua đường uống và một sản phẩm TLLN.

Trở lại Việt Nam, để ngăn chặn các vấn nạn liên quan đến TLĐT chứa ma túy trá hình, không thể chỉ dựa vào công tác tuyên truyền qua gia đình, nhà trường và báo chí. Đã đến lúc cần có khung pháp lý cho các sản phẩm TLTHM, quy định rõ ràng đối tượng, hành vi hợp pháp trong kinh doanh cũng như tiêu thụ TLĐT, TLLN, xác định những sản phẩm nào đạt tiêu chuẩn và được phép lưu hành… Như vậy người dùng hợp pháp sẽ được tiếp cận đúng sản phẩm chính danh và Nhà nước cũng đạt được mục tiêu kiểm soát, phòng chống và giảm tác hại thuốc lá.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, tại tọa đàm "Xu hướng tiếp cận giải pháp giảm tác hại thuốc lá tại Việt Nam" do VietnamPlus phối hợp với Tổng hội y học Việt Nam tổ chức đầu tháng 8 vừa qua, PGS. TS. BS Trần Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, Chủ tịch Liên chi hội Hô hấp TP.HCM cho rằng: "Chúng ta phải quản lý TLTHM và tham khảo những chính sách quản lý tốt trên thế giới. Vấn đề quản lý chặt chẽ chừng nào là do trình độ của chúng ta".