Biến tướng ma túy dưới vỏ bọc thực phẩm, thuốc lá điện tử
Biến tướng ma túy dưới vỏ bọc thực phẩm, thuốc lá điện tử
Thủy Lê
Thứ sáu, ngày 12/08/2022 16:43 PM (GMT+7)
Thời gian qua, trên thế giới và Việt Nam đã xuất hiện nhiều hình thức "biến tướng" mới của thị trường ma túy. Ngoài các hình thức đóng gói hoặc pha trộn vào thực phẩm chức năng, đồ ăn thức uống… thì gần đây nhất, ma túy còn được trộn vào hoặc núp bóng dưới vỏ bọc thuốc lá điện tử.
Các tội phạm ma túy đã hòa tan chất cấm vào các vỏ chai, lọ đựng dung dịch thuốc lá điện tử (TLĐT) mà vẫn giữ nguyên màu sắc, mùi vị. Đây là một thủ đoạn tinh vi mà đến lực lượng chức năng ở các địa phương cũng khó phát hiện.
Kẹo, trà sữa, thuốc lá điện tử đều là "nạn nhân" của tội phạm ma túy
Chỉ cần gõ trên Google là lập tức nhận được hơn 2,3 triệu kết quả đưa tin về tình trạng trộn ma túy vào trong trà sữa để làm tăng lợi nhuận.
Tương tự như từ khóa "ma túy trà sữa", 2,9 triệu kết quả "ma túy TLĐT" trên Google cho thấy hình thức này cũng đang là "nạn nhân" được các tội phạm ma túy mạnh tay "khai thác". Do chưa có cơ chế kiểm soát các loại thuốc lá thế hệ mới, nên TLĐT trở thành mặt hàng quá thuận lợi để bọn gian thương thừa cơ trục lợi. Các nguồn hàng TLĐT và tinh dầu đi kèm chủ yếu đến từ thị trường đen của Trung Quốc bằng các con đường mòn lối mở khu vực biên giới. Hầu hết các ca ngộ độc ma túy ẩn nấp trong vỏ bọc TLĐT đều chỉ xảy ra đối với hình thức TLĐT hệ thống mở (open system e-cigarettes) vì người dùng có thể tùy ý phối trộn các chất khác nhau vào trong bình chứa tinh dầu trước khi sử dụng.
Đại diện Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, ngày càng có quá nhiều loại ma túy mới xuất hiện, núp bóng dưới nhiều loại thuốc, trò chơi mà không dễ nhận biết. Đại diện cơ quan Công an phường Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm) cũng cho biết, gần đây cơ quan chức năng đã cảnh báo ma túy bị trộn lẫn cùng kẹo, nước giải khát nên thuốc lá điện tử cũng không ngoại lệ.
Như vậy, gọi đúng tên "thủ phạm" của các trường hợp ngộ độc dẫn đến nguy kịch, nhập viện chính là cần sa hay ma túy tổng hợp, hay bản chất của vấn đề là ma túy núp bóng dưới vỏ bọc TLĐT. Trên một số diễn đàn, group Facebook cũng xuất hiện nhiều ý kiến dưới thông tin "cô gái 20 tuổi rơi vào hôn mê sâu sau khi hút TLĐT" thông qua các bình luận như: "Từ bao giờ bú cần (hút cần sa) lại thành hút TLĐT thế này", "bú cỏ (cỏ Mỹ) thì nói hẳn ra, còn khai là TLĐT" …
Ngăn chặn tội phạm ma túy nên là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu
Trước tình trạng tội phạm ma túy tấn công vào nhiều mặt hàng từ thực phẩm cho tới TLĐT hệ thống mở, hiện các cơ quan chức năng ngoài việc tuyên truyền cảnh báo sức khỏe còn đang đề nghị cấm TLĐT để góp phần ngăn chặn tình trạng này. Tuy nhiên, thực tế có thể thấy bản thân TLĐT cũng chỉ là "nạn nhân" của những tội phạm buôn lậu như trà sữa hay bất kỳ mặt hàng nào đang phổ biến trên thị trường.
Dù đều có thể trở thành vỏ bọc cho ma túy ẩn nấp, nhưng so với trà sữa hay những mặt hàng thực phẩm đang bị lợi dụng, thì TLĐT lại đang bị dán nhãn là "thủ phạm chính" gây ra tình trạng ngộ độc ma túy. Như vậy, dù có cấm TLĐT thì cũng không thể cấm tất cả các loại thực phẩm hay bất kỳ mặt hàng nào khác có thể trở thành ma túy trá hình trong tương lại. Do đó, câu hỏi đặt ra nên là vì sao các tội phạm ma túy có thể thuận lợi trồng và mua bán cần sa, sản xuất ma túy tổng hợp ngang nhiên trước sự kiểm soát của luật pháp, cũng như biến tấu tinh vi trong các loại thực phẩm, thức uống như trong suốt những năm qua.
Mặt khác, dù không phải là những sản phẩm an toàn, nhưng những loại TLĐT hay thuốc lá thế hệ mới đã được khoa học kiểm nghiệm đều có thể là những giải pháp thay thế thuốc lá điếu, vì có hàm lượng các chất gây hại thấp hơn. Điều này đã được các cơ quan y tế trên toàn cầu như Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), Cơ quan y tế Công cộng Anh (PHE) và tổ chức khoa học ở các quốc gia khác nghiên cứu.
Theo đó, trong năm 2021, FDA đã cho phép một số sản phẩm TLĐT hệ thống đóng - Closed END system (người sử dụng không thể tự pha chế, mà bắt buộc phải sử dụng dung dịch đã được kiểm nghiệm trước khi cung cấp ra ngoài với liều dùng cho phép), Thuốc lá làm nóng - Heated tobacco product và Thuốc lá sử dụng qua đường uống - Oral tobacco được kinh doanh tại Mỹ.
Tệ nạn do tội phạm ma túy gây ra hiện nay đã vô hình trung khiến cộng đồng và các cơ quan quản lý hiểu sai về vai trò của TLĐT, từ đó có những đề xuất đối với chính sách cấm đoán cực đoan. Điều này không chỉ tạo cơ hội cho tội phạm ma túy tiếp tục lộng hành, mà còn tước cơ hội chuyển đổi sang những sản phẩm phù hợp hơn thay vì tiếp tục hút thuốc lá đốt cháy của những người hút thuốc.
Thiết nghĩ, để ứng phó với nạn ma túy tấn công vào cộng đồng, cần giải quyết vấn đề từ gốc, đó là xác định các nguồn trồng cần sa, cung cấp ma túy vào thị trường, thay vì cấm chung những sản phẩm cũng là "nạn nhân" như TLĐT. Đồng thời, việc sớm đưa TLĐT cũng như các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới khác như thuốc lá làm nóng vào vòng kiểm soát sẽ góp phần ngăn ngừa việc trục lợi từ nguồn hàng lậu, tạo điều kiện dễ dàng, thuận lợi để các cơ quan ban ngành chức năng đưa ra những biện pháp chế tài cứng rắn hơn đối với các tội phạm buôn lậu và tội phạm ma túy.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.