Sự việc khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi và ngờ vực. Bản thân chuyên gia, các đại lý, nhà phân phối xăng dầu cũng cho biết, sự trúc trắc trong các quyết định liên quan đến vận mệnh của doanh nghiệp và ảnh hưởng đến thị trường xăng dầu?
Trên các diễn đàn dành cho doanh nghiệp, đại lý kinh doanh xăng dầu, câu hỏi đặt ra là: Phải chăng Bộ Công Thương "ngại" các doanh nghiệp xăng dầu bị tước giấy phép sẽ ảnh hưởng đến thị trường xăng dầu? Phải chăng trong điều hành xăng dầu có nhiều tồn tại cần sửa đổi? Vừa qua Saigon Petro, đơn vị bị tước giấy phép xăng dầu có gửi đơn kêu cứu lên Thủ tướng, Bộ trưởng Công Thương khiến Bộ này có "động thái lạ"… rút giấy phép rồi lại tạm dừng.
Theo quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu quy định: Tổng đại lý, địa lý và cửa hàng bán lẻ xăng dầu chỉ được nhập hàng ở một đầu mối.
Về nguyên tắc, Bộ Công Thương và giới chuyên gia cho rằng sẽ đảm bảo được chất lượng, giám sát xuất xứ nguồn gốc xăng dầu, chống việc đầu mối, thương nhân, tổng đại lý, đại lý mua bán xăng dầu từ các nguồn khác nhau (kém chất lượng) hoặc xăng dầu lậu để pha chế chung, gây mất an toàn phương tiện và khó quản lý thị trường.
Tuy nhiên, cũng chính vì quy định này khiến thị trường xăng dầu phụ thuộc chặt chẽ vào các đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn. Khi họ có vấn đề (tự bản thân) hoặc do khách quan, hệ thống xăng dầu thứ cấp: Tổng đại lý, đại lý bán lẻ sẽ náo loạn, khan hiếm.
Thời gian qua, khi thị trường xăng dầu trong nước bất ổn, chiết khấu bán lẻ xăng dầu xuống 0 đồng, thậm chí âm, nhiều đại lý bán lẻ đổ lỗi cho tổng đại lý, đầu mối nhập khẩu độc quyền phân phối, gây khó dễ để giảm nguồn cung.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng: Việc hoãn thi hành tước giấy phép doanh nghiệp xăng dầu sai phạm do Thanh tra Bộ Công Thương căn cứ vào quy định tại Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu. Trong khi đó, tại Nghị định số 95, Bộ Công Thương trên cơ sở cân nhắc đã tạm dừng thời hạn thi hành.
"Không phải Nhà nước, Bộ Công Thương sợ doanh nghiệp, sợ thiếu xăng dầu. Tôi đảm bảo nguồn cung hiện nay đủ", ông Bảo nói.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc "tiền hậu, bất nhất" của Bộ Công Thương trong việc tước giấy phép kinh doanh xăng dầu cho thấy quản lý xăng dầu còn nhiều vấn đề: Trong đó có quy định đại lý chỉ được mua một đầu mối, thương nhân.
Theo một chuyên gia am hiểu về thị trường xăng dầu, 05 doanh nghiệp xăng dầu bị Thanh Tra Bộ Công Thương tước giấy phép, nhưng Bộ Công Thương lại treo lại, câu hỏi của các doanh nghiệp bị tước giấy phép kinh doanh xăng dầu trước đó thế nào? Có thật sự công bằng không? Dư luận đặt ra câu hỏi có hay không việc sợ thị trường xăng dầu rối loạn, khan hiếm cục bộ trong hệ thống dẫn đến quyết định của Bộ Công Thương?
Phân tích về điều này, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường và giá cả, Bộ Tài chính cho rằng: "Cơ chế bắt các đại lý bán lẻ chỉ được mua xăng dầu từ một đầu mối đã lạc hậu và cần thay đổi".
"Cơ chế này khiến thị trường khi có vấn đề như một vài doanh nghiệp đầu mối dừng cung cấp xăng dầu, lập tức đại lý bán lẻ thiếu xăng, hoảng loạn", ông Anh nói.
Theo ông Ánh: Dù nguyên nhân gì, dư luận cũng có quyền đặt ra câu hỏi và phán xét việc tạm dừng thời gian tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu của 05 doanh nghiệp này là… "thất bại của điều hành".
"Điều hành xăng dầu là trách nhiệm của Bộ Công Thương, tại sao lại để cho doanh nghiệp "dọa" và chịu thất bại trong quản lý bằng cách tạm hoãn rút giấy phép trước đó?". Ông Ánh nói thêm: "Thanh tra đã kết luận sai phạm, rõ ràng không thể để thị trường xăng dầu vận hành như thế được, phải thiết lập lại ngay".
"Tôi xin nhấn mạnh lại một lần nữa rằng quyền quản lý, hệ thống cung cấp do một vài doanh nghiệp đầu mối lớn chiếm thị phần chi phối quyết định, thống lĩnh thị trường nên không có sự cạnh tranh lẫn nhau, TS. Vũ Đình Ánh phân tích.
Về vấn đề liên quan đến áp giá trần trong đề xuất của một số doanh nghiệp và Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, ông Bùi Ngọc Bảo cho rằng: Cần xây dựng giá trần để doanh nghiệp tự điều chỉnh. Giá thế giới tăng - giảm thì doanh nghiệp tự điều chỉnh, đó là quyền của họ. Làm được điều này, doanh nghiệp cũng chủ động hơn, còn Nhà nước vẫn quản lý được giá.
Tuy nhiên, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, cách đây khoảng 5-6 năm, thị trường xăng dầu cũng áp dụng giá trần nhưng sau đó DN vẫn đưa giá bán áp sát giá trần, không chênh khỏi giá trần là bao nhiêu.
Việc áp dụng giá trần với xăng dầu ở thời điểm hiện nay rất khó vì hệ thống kinh doanh xăng dầu đang bị chi phối bởi một số đầu mối lớn như Petrolimex, cùng một số "ông lớn" khác. Việc thị phần Petrolimex và một số DN lớn giữ vị trí thống lĩnh thị trường sẽ không có tính cạnh tranh lẫn nhau.
"Giá trần hay sàn chưa bàn mà phải tạo ra thị trường xăng dầu cạnh tranh thực sự", ông Ánh lưu ý.