Văn phòng Chính phủ vừa truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về điều hành giá xăng dầu, theo đó, hai Bộ Công Thương và Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới.
Hiện, xăng dầu đang phải chịu 3 khoản thuế phí gồm: Thuế tiêu thụ đặc biệt từ 8 - 10% (tuỳ loại xăng, trong đó xăng sinh học E5 là 8%, xăng khoáng Ron 95 là 10%), thuế giá trị gia tăng VAT 10%, thuế nhập khẩu 10%, chi phí định mức, kinh doanh khoảng 8%; ngoài ra còn có thuế bảo vệ môi trường dao động từ 300 đồng/ lít (dầu) và 1.000 đồng/lít đối với xăng.
Trước đó, cuối tháng 7/2022, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng, xin chủ trương về phương án thuế giá trị gia tăng và tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu. Thời điểm đó, Bộ Tài chính cho biết Văn phòng Chính phủ đang lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan triển khai xây dựng văn bản theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tại văn bản chỉ đạo mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Công Thương - Tài chính quản lý sử dụng hợp lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu với liều lượng thích hợp theo quy định, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân; chủ động thực hiện các biện pháp để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống.
Đặc biệt, lãnh đạo Chính phủ một lần nữa yêu cầu Bộ Tài chính chủ động nghiên cứu hoàn thiện trình các cấp có thẩm quyền xem xét các phương án giảm thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhóm mặt hàng xăng dầu trong trường hợp giá thế giới tiếp tục tăng cao.
Trước đó, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ Tài chính - Công Thương về việc giảm thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt, các phương án cần được báo cáo đánh giá tác động, đặc biệt là tác động đến thu ngân sách.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Công Thương không được để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý đối với một số mặt hàng thiết yếu.
Văn bản của Văn phòng Chính phủ yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về kê khai giá, niêm yết giá… xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng để tăng giá bất hợp lý, kê khai giá cước không phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá; công khai thông tin về tình hình giá cước vận tải tại địa phương và cả nước...
Đối với hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục chủ động trong việc đề xuất, xây dựng các phương án điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý, các dịch vụ công triển khai lộ trình thị trường, đánh giá kỹ tác động đối với kinh tế xã hội…