Trong tuyên bố ngay sau thông báo chính thức về sự ra đi của cố Nữ hoàng Elizabeth II, Vua Charles III mô tả việc người mẹ "yêu dấu" qua đời là "khoảnh khắc đau buồn nhất đối với tôi và tất cả các thành viên trong gia đình".
Trong những ngày sắp tới, ông sẽ vừa đảm nhận nhiệm vụ mới, vừa thương tiếc cho mất mát to lớn.
Hôm 9/9, website của Điện Buckingham đã dùng danh hiệu “nhà vua” khi thông báo về sự qua đời của nữ hoàng, đồng thời nhắc tới phu nhân Camila bằng danh hiệu “hoàng hậu”.
Với khoảng thời gian dài hiện diện trước công chúng, Vua Charles III là một nhân vật quen thuộc với nhiều người dân Anh và trên thế giới. Song chưa nhiều phân tích việc ông sẽ trở thành một quốc vương như thế nào.
Max Foster, phóng viên của CNN, chia sẻ ông và một nhóm nhà báo từng được Thái tử Charles mời đến Dumfries House - dinh thự trang nghiêm gần Glasgow ở Scotland - vào năm 2018, trước sinh nhật lần thứ 70 của thái tử.
“Tôi đã ở đó hai ngày, được gặp Thái tử Charles và nhiều thân tín của ông. Đây là nơi tập trung tất cả đam mê và mục tiêu lớn nhất của thái tử, từ âm nhạc đến bảo vệ giống nòi quý hiếm, học nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn và nông nghiệp hữu cơ”, ông Foster chia sẻ trên CNN.
Mỗi tối thứ sáu, dù ở đâu trên thế giới, Thái tử Charles đều được gửi một bản báo cáo khổng lồ cập nhật về công việc của khu điền trang.
Sau đó, ông sẽ gửi lại cho họ vào sáng thứ bảy với các ghi chú. Phu nhân Camilla cũng chia sẻ ông thường thức khuya để đọc, viết và trả lời các yêu cầu hỗ trợ.
Nhiều người tiền nhiệm của ông coi vai thân phận hoàng gia như một tấm vé cho cuộc sống phú quý thanh nhàn. Nhưng quan điểm của Thái tử Charles hoàn toàn ngược lại.
“Ông ấy muốn có một di sản, nhưng không muốn đợi cho đến khi lên làm vua. Theo quan sát của tôi, ông ấy rất cương quyết và sẽ thất vọng nếu một trong những dự án không hoạt động hoặc không mang lại kết quả”, ông Foster cho biết.
Trong khi đó, ông Kenneth Dunsmuir - người điều hành The Prince's Foundation, tổ chức từ thiện do Thái tử Charles thành lập nhằm hỗ trợ giảng dạy các kỹ năng và nghệ thuật truyền thống, nói với ông Foster: “Đã có những dấu hiệu từ khi thái tử còn trẻ”.
"Mối quan tâm của ông ấy về các vấn đề xã hội trong cộng đồng và hệ sinh thái xuất hiện từ sớm. Ông ấy ngày càng tham gia nhiều hơn và cũng có nhiều thời gian để (theo đuổi các dự án của mình)", ông Dunsmuir kể lại.
Nhận xét của ông Dunsmuir chỉ ra một phần lý do khiến Thái tử Charles đạt được rất nhiều thành tựu trong suốt nhiệm kỳ của mình: Ông là người kế nhiệm giữ vị trí này lâu nhất từ trước đến nay, do thời gian trị vì của nữ hoàng kéo dài.
Dinh thự Dumfries House như một "di sản luôn hiện hữu, đại diện cho những gì thái tử đã làm", ông Dunsmuir nói.
Theo ông Foster, Thái tử Charles thường khó kiềm chế niềm đam mê công việc của mình. Ông bày tỏ hy vọng và nỗi lo trong các bài phát biểu suốt nhiều năm, như một nhà vận động. Một trong những vấn đề mà ông quan tâm đặc biệt là biến đổi khí hậu, điều ông đã lên tiếng từ năm 1968.
Thái tử Charles là người ủng hộ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu 2015, và đã thảo luận về chủ đề này với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trong tiệc trà vào tháng 12/2019, khi cựu tổng thống chuẩn bị rút Mỹ khỏi thỏa thuận.
Đến tháng 1/2020, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ), thái tử đã có một bài phát biểu đầy sức mạnh với câu hỏi: "Chúng ta có muốn đi vào lịch sử với tư cách là những người không làm gì để giúp thế giới kịp thoát khỏi bờ vực và khôi phục sự cân bằng, khi đáng lẽ chúng ta có thể làm được? Tôi thì không".
Trong cuộc phỏng vấn với phóng viên CNN cùng ngày, Thái tử Charles khẳng định hiệp định này vẫn có thể đạt được: "Chúng ta không thể tiếp tục như thế này, cứ sau mỗi tháng lại có một kỷ lục nhiệt độ khác bị phá vỡ. Nếu chần chừ quá lâu như những gì chúng ta đã làm, việc trồng trọt sẽ trở nên khó khăn".
Bất chấp những lời chỉ trích, Thái tử Charles vẫn tiếp tục là người tiên phong trong các vấn đề xanh trong những năm gần đây.
Ông đã tham gia Hội nghị thượng đỉnh COP26 ở Glasgow vào tháng 11/2021, kêu gọi các quốc gia hợp tác với các ngành công nghiệp để tạo ra giải pháp cho biến đổi khí hậu.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng ca ngợi về những nỗ lực hàng thập kỷ của Thái tử Charles.
Trong suốt quãng thời gian hoạt động, Thái tử Charles luôn nhận được sự ủng hộ từ phu nhân Camila.
“Tôi thấy ông ấy có thể trở nên khó chịu và thất vọng như thế nào khi gặp trở ngại trong công việc, và phu nhân có biệt tài làm tan biến mọi căng thẳng đó, bằng khiếu hài hước và sự lôi cuốn không thể bắt gặp trên máy quay”, ông Foster cho biết.
Vào năm 2015, phóng viên CNN đã gặp Thái tử Charles tại dinh thự Birkhall, nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày cưới của thái tử và phu nhân.
"Thật tuyệt vời khi có một ai đó thấu hiểu và động viên. Mặc dù bà ấy chắc chắn sẽ chọc phá nếu tôi quá nghiêm trọng về mọi thứ. Tất cả điều đó đều có ích", Thái tử Charles nói.
Với sự ủng hộ vững vàng của phu nhân Camilla, Thái tử Charles giờ đây sẽ ghi dấu vào chế độ quân chủ.
Sau nhiều thập kỷ, ông không chỉ trở thành nhà vua của Vương quốc Anh mà còn 14 quốc gia khác. Mọi ánh mắt đang đổ dồn vào khoảng khắc ông chính thức nhận chiếc áo choàng của nhà vua sắp tới.