Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, nhiều người dân ưu tiên sử dụng các sản phẩm thảo dược như sả, gừng, chanh... để điều trị bệnh. Nhưng cũng có không ít người do thiếu hiểu biết nên sử dụng các loại thảo dược quá nhiều, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Từ lý do đó, chị Trần Ngọc Diễm cùng với Th.S Phạm Thành Lộc đã nghiên cứu cho ra sản phẩm bột nano Sagucha. Đây là sản phẩm được điều chế từ tinh gừng, chanh và sả bằng công nghệ nhũ nano tinh dầu, dầu béo để làm sản phẩm thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm và nông dược.
Sản phẩm được bào chế dưới dạng bột hòa tan, người dùng có thể hòa tan trực tiếp với nước đun sôi để nguội và sử dụng. Sản phẩm được sử dụng để hỗ trợ điều trị Covid-19, tăng sức đề kháng, phục hồi thể trạng sau bệnh.
Chị Trần Ngọc Diễm - chủ nhiệm dự án nghiên cứu sản phẩm cho biết, sản phẩm ra đời là một lựa chọn giải pháp phòng chống dịch khẩn cấp. Đơn vị đã sử dụng những công nghệ hiện đại nhất, nâng cao tối đa hiệu quả của các phương pháp truyền thống y học cổ truyền.
“Chúng tôi tham khảo rất nhiều ý kiến của giới chuyên gia về tiềm năng của thảo dược trong điều trị Covid-19. Chúng tôi chọn con đường áp dụng công nghệ chiết xuất CO2 lỏng siêu giới hạn, để tinh chế nhiều nhất các hợp chất sinh học ra khỏi thảo dược nguyên liệu. Sau khi tinh chế sẽ dùng công nghệ nano emulsion encapsulation, hỗ trợ cho các hợp chất này có điều kiện tốt nhất để tiếp cận mục tiêu và phát huy tối đa hoạt lực”, chị Diễm cho biết.
Hiện sản phẩm bột nano Sagucha đã có mặt trên nhiều nhà thuốc và các sàn thương mại điện tử. Sản phẩm đã được đơn vị gửi hồ sơ xin công nhận đạt chuẩn OCOP.
Do đặc thù là nhóm sản phẩm thảo dược liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng, do đó chị Diễm cùng các cộng sự đã ý thức được tầm quan trọng của việc đưa sản phẩm đạt các chứng chỉ cần thiết. Trong đó, OCOP là một trong những tiêu chí được chị ưu tiên.
Bởi theo chị Diễm, đây là sản phẩm có nguồn gốc từ nông nghiệp, vận dụng những kiến thức y học cổ truyền. Đồng thời công ty Cổ phần nông nghiệp CNC Thanh Bình là doanh nghiệp duy nhất ở Củ Chi và trên địa bàn thành phố sản xuất sản phẩm này.
“Việc phấn đấu đưa sản phẩm bột nano Sagucha đạt OCOP trước hết là để tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng. Đồng thời tô đậm tính địa phương cho sản phẩm, đảm bảo tính bản quyền về chất xám của đội ngũ nghiên cứu”, chị Diễm cho hay.
Không chỉ dừng lại ở sản phẩm bột nano Sagucha, công ty Cổ phần nông nghiệp CNC Thanh Bình có sản xuất các sản phẩm khác như: nước xịt thơm miệng, nước xịt khẩu trang, dung dịch xoa bóp. Tất cả đều được chiết xuất từ các loại thảo dược thiên nhiên, lành tính theo y học cổ truyền.
“Chúng tôi nỗ lực cho ra các sản phẩm tiện dụng, thiết thực nhất đến người tiêu dùng. Chất lượng sản phẩm phải được quan tâm đặt lên hàng đầu, bởi đây là những sản phẩm bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng”, chị Diễm nhấn mạnh.
Hiện sản phẩm bột nano Sagocha đang chờ xét duyệt OCOP cấp thành phố. Trong tương lai, phía doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng chuẩn OCOP cho nhiều sản phẩm khác.
“Trong tương lai chúng tôi sẽ phấn đấu đưa nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP hơn nữa. Đây là mục tiêu nhằm khẳng định chất lượng sản phẩm mà chúng tôi đang làm. Đồng thời quảng bá hình ảnh sản phẩm đến đông đảo người tiêu dùng hơn nữa”, chị Trần Ngọc Diễm nói.
Ngày 1/8/2022, Thủ tướng đã ra quyết định phê duyệt chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2015. Trong đó, các sản phẩm dược liệu, y học cổ truyền được nằm trong 6 nhóm sản phẩm được phê duyệt. Cụ thể về đối tượng thực hiện, quyết định nêu rõ:
- Chủ thể thực hiện: Các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp nhỏ và vừa, trang trại và hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh. Đối với nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch, chủ thể, bao gồm các đối tượng trên và các hội, hiệp hội, trung tâm điều hành hoặc tổ chức tương đương.
- Sản phẩm: Gồm các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ du lịch có nguồn gốc địa phương, có đặc trưng về giá trị văn hóa, lợi thế của địa phương; đặc biệt là các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm làng nghề, dịch vụ du lịch dựa trên các thế mạnh, lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn nguyên liệu, tri thức và văn hóa bản địa.
Sản phẩm được phân theo 6 nhóm, gồm:
+ Nhóm thực phẩm, gồm: Nông, thủy sản tươi sống; nông, thủy sản sản sơ chế, chế biến và các thực phẩm khác.
+ Nhóm đồ uống, gồm: Đồ uống có cồn; đồ uống không cồn.
+ Nhóm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu, gồm: Sản phẩm chức năng, thuốc dược liệu, thuốc y học cổ truyền, mỹ phẩm có thành phần từ thảo dược, tinh dầu và dược liệu khác.
+ Nhóm hàng thủ công mỹ nghệ, gồm: Các sản phẩm từ gỗ, sợi tự nhiên, kim loại, gốm sứ, dệt may, thêu ren... làm đồ lưu niệm, đồ trang trí, đồ gia dụng.
+ Nhóm sinh vật cảnh, gồm: Hoa, cây cảnh, động vật cảnh.
+ Nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch.