LTS. Ngày 12/9 tới tại 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ NNPTNT chủ trì, giao báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp với Công ty CP Phân bón Bình Điền, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) tổ chức Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII với chủ đề: Người nông dân chuyên nghiệp. Nhân dịp này, TS. Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) đã gửi đến Ban tổ chức Diễn đàn bài viết về vấn đề: Tri thức hóa nông dân. Dân Việt xin giới thiệu những nét chính của bài viết này.
Ban tổ chức Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII chủ đề: "Người nông dân chuyên nghiệp" đề nghị tôi tham luận về chủ đề "tri thức hóa nông dân, thực tiễn và giải pháp". Theo tôi đây là chủ đề khá lý thú nhưng cũng đầy "gai góc".
Nói đến vai trò, tầm quan trọng của "nền kinh tế tri thức", thì không có gì cần bàn luận, nhưng nói đến "nông dân có tri thức" hay tạm gọi là "tri thức hóa" người nông dân thì lại nổi lên nhiều ý kiến xôn xao".
Lịch sử mới đây của nông nghiệp, nông thôn đã từng ghi nhận thành tựu vô cùng to lớn của "đổi mới" kể từ "khoán 10" cuối những năm 1980 đến nay, đưa Việt Nam từ quốc gia nghèo đói trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình, an ninh lương thực được bảo đảm và xuất khẩu nông sản đứng hàng thứ 16 thế giới với kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt trên 48,tỷ USD. Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu nhưng ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức như: tỷ suất lợi nhuận thấp; giá trị gia tăng của sản phẩm thấp, chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm chưa ổn định; trình độ đổi mới sáng tạo công nghệ thấp. Đặc biệt, các hình thức liên kết, hợp tác trong sản xuất còn tương đối yếu kém.
Trong khi đó, tình hình thế giới và khu vực được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Chính vì thế, nhiều người đã đặt câu hỏi: Vậy đâu sẽ là cuộc cách mạng "đổi mới" trong giai đoạn hiện nay? Theo chúng tôi, "tổ chức lại nông dân, phát triển kinh tế hợp tác và "phát triển đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, có tri thức" sẽ là cuộc "cách mạng mới" trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Trở lại với câu hỏi tại sao phải tri thức hóa nông dân trong lúc này? Câu trả lời đầu tiên là do chất lượng lao động nông nghiệp của chúng ta đang suy giảm? Hiện nay lao động nông nghiệp còn 17,7 triệu người (chiếm khoảng 32,8% tổng lao động cả nước). Tỷ lệ này tiếp tục giảm trong giai đoạn tới, nhưng quan trọng là cùng với sự "khan hiếm" lao động thì chất lượng lao động cũng suy giảm do hiện tượng già hóa dân số và tình trạng đô thị hóa đã "hút" nguồn nhân lực trẻ, khỏe từ nông thôn ra thành thị, dẫn đến tình trạng lao động ở lại nông thôn chủ yếu là những người trên hoặc dưới độ tuổi lao động.
Năng suất lao động (thu nhập) người dân nông thôn thấp, bình quân đạt 42 triệu/người/năm bằng chưa đầy 70% trung bình cả nước (khoảng 58 triệu/người/năm). Tỷ lệ lao động qua đào tạo mới đạt 24%, trong đó có 4,6% có bằng cấp chứng chỉ.
Nông nghiệp đang trở thành ngành kinh doanh hiện đại, thay vì chỉ dựa trên kinh nghiệm. Đây là lý do thứ hai khiến chúng ta phải hỗ trợ để trang bị thêm kiến thức cho người nông dân. Nghề nông bao đời nay chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền từ đời này sang đời khác. Nhưng giàu kinh nghiệm như vậy nhưng vì sao năng suất lao động trong khu vực nông nghiệp lại thấp hơn nhiều so với các đất nước khác?
Đó là vì, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tốc độ thay đổi nhanh hơn, liên tục hơn, cái mới ra đời chưa kịp định hình, đã có cái mới hơn xuất hiện. Những phát kiến có thể biến điều không thể thành điều có thể. Nền kinh tế tri thức dẫn đến dòng chảy những thiết bị "thông minh" tích hợp đa tính năng, len lỏi vào mọi ngõ ngách đời sống kinh tế – xã hội. Sự kết nối giao lưu, giao thương trong thế giới phẳng mở ra cơ hội tiếp cận bình đẳng cho mỗi người, nhưng đi kèm với đó là sự cạnh tranh khốc liệt về thị trường.
Những thay đổi trên yêu cầu mỗi người không thể mãi bằng lòng với kinh nghiệm, sự cần cù, với cách nghĩ, cách làm quen thuộc. Người sản xuất nông nghiệp bắt buộc phải nắm vững quy luật thị trường, hạ giá thành, tăng chất lượng sản phẩm.
Cuối cùng, không phải chỉ có Việt nam bây giờ mới quan tâm đến tri thức hóa nông dân mà nhiều nước trong khu vực và thế giới thông quan các chương trình, dự án với các tên gọi, cách làm khác nhau đều đang đào tạo, xây dựng một đội ngũ nông dân mới, người sản xuất có đủ năng lực, tri thức sản xuất kinh doanh nông nghiệp.
Điển hình như Nhật Bản họ đã có Chương trình đào tạo nông nghiệp tự chọn ngay từ cấp 2, toàn thời gian ở cấp 3 và chuyên sâu hơn ở bậc cao đẳng, đại học.
Hàn Quốc có Chương trình 100 nông dân xuất sắc, khuyến khích làn sóng thanh niên di cư ngược từ thành thị về nông thôn làm nông dân khởi nghiệp, khuyến khích nông dân tham gia phát triển trang trại thông minh.
Trung Quốc triển khai Chương trình Đào tạo HTX nông dân chuyên nghiệp, dự án đưa giáo viên và học viên thạc sĩ nông nghiệp sống cùng nông dân trong thời gian học.
"Tri thức hóa nông dân" là một tiến trình đòi hỏi thời gian và sự phối hợp của nhiều bên, trong đó có cả nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã và chính người nông dân. Căn cứ vào định hướng phát triển nông nghiệp và khái niệm "trí thức hóa nông dân" có thể chia các nhóm kiến thức cần trang bị cho nông dân như sau:
Về kỹ thuật, công nghệ canh tác, nuôi trồng: Nông nghiệp an toàn, sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hiệu quả. Kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi, phòng trừ sâu bệnh nâng cao năng suất hiệu quả. Kiến thức về Quy trình canh tác nông nghiệp bền vững, các mô hình nông nghiệp tiên tiến phù hợp với điều kiện địa phương. Kiến thức và mô hình canh tác nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các tiêu chuẩn yêu cầu nông nghiệp mới: Sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, nông nghiệp chính xác, thông minh, thuận thiên, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp giảm phát thải.
Thứ hai là nhóm kiến thức về thị trường và và hạch toán kinh tế, kiến thức về tổ chức sản xuất và kinh doanh để nông dân tham gia vào chuỗi giá trị và quản trị chuỗi giá trị; tổ chức sản xuất hàng hóa lớn, xây dựng mã số vùng trồng, kinh doanh, thị trường, tiếp thị, thương hiệu nâng cao giá trị sản phẩm.
Liên kết hợp tác phát triển các tổ chức nông dân và chuỗi giá trị nông sản; phát triển nông nghiệp đa giá trị kết hợp nông nghiệp, du lịch nông nghiệp, nông thôn, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học…
Giải pháp thứ nhất là hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, với mục tiêu đến năm 2030 tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt trên 70% thì số lượng lao động nông nghiệp cần đào tạo gần 10 triệu người; bổ sung đào tạo các nghề mới, nghề đặc thù thu hút nhiều lao động nông thôn và đáp ứng với các yêu cầu trong thời gian tới: Dịch vụ kinh tế nông nghiệp nông thôn, sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản, thủy sản; kinh doanh nông nghiệp; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp số; maketing, cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp và giám đốc HTX nông nghiệp.
Giải pháp thứ hai là tri thức hóa nông dân gắn với quá trình tổ chức lại sản xuất, phát triển các tổ chức nông dân (THT, HTX và các hội nghề nghiệp). Đến nay, cả nước có 18.960 HTX nông nghiệp và 77 Liên hiệp HTX nông nghiệp; có khoảng 60% HTX nông nghiệp được đánh giá xếp loại khá, tốt.
Phân loại các hộ nông dân để có các giải pháp hỗ trợ đào tạo, tư vấn, cung cấp các dịch vụ thông tin, phát triển nông nghiệp khác nhau.
Đa dạng hóa các hình thức tổ chức đào tạo bằng các hình thức đào tạo trực tuyến, trực tiếp, qua tivi… Xây dựng chương trình, tài liệu phù hợp với 3 nhóm đối tượng nông dân trên đây.
Giải pháp thứ ba là xây dựng một số mô hình "sáng tạo đổi mới" trong nông nghiệp phù hợp với các nhóm hộ nông dân.
Cuối cùng là nâng cao năng lực của các tổ chức dịch vụ công nhà nước và đa dạng hình thức cung cấp thông tin cho người nông dân: Xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin. Đa dạng các kênh cung cấp thông tin cho người nông dân. Xây dựng các diễn đàn online/offline cho người nông dân chia sẻ, trao đổi. Tổ chức các hội nghị, giải thưởng tôn vinh người nông dân.