Nhiều sản phẩm tiềm năng OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm - One Commune One Product) đã được các huyện gửi về TP.HCM tham gia đánh giá, xếp hạng năm 2022. Dù chưa đầy đủ nhưng đến nay có khoảng 40 sản phẩm tiềm năng đang chờ xét duyệt, gắn sao OCOP.
Đáng chú ý, ghi nhận của Dân Việt cho thấy, một số doanh nghiệp, chủ thể sản xuất tham gia vào đợt xét sản phẩm OCOP năm nay khá nổi trội trong cộng đồng doanh nghiệp, sản xuất nông sản chế biến tại TP.HCM vài năm trở lại đây. Trong đó, Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn cầu tại huyện Hóc Môn là một trong những đơn vị, thời gian qua gây chú ý trên thị trường.
Ông Nguyễn Ngọc Luận - Giám đốc Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn cầu, xác nhận một số sản phẩm cà phê của công ty như cà phê hòa tan vị khoai môn, cà phê hòa tan vị dừa, cà phê hòa tan vị bạc hà, cà phê hòa tan vị nhàu và cà phê hòa tan vị đậu xanh đang trong quá trình xét duyệt sản phẩm OCOP của TP.HCM năm 2022.
Điểm đặc biệt của cà phê nông sản mang thương hiệu Meet More của công ty này là sự kết hợp của cà phê và các loại nông sản của Việt Nam. Sản phẩm xuất phát từ ý tưởng giải quyết bài toán "được mùa mất giá" của nông sản. Đối tượng khách hàng nhắm đến là những người "bị say cà phê" nhưng vẫn muốn thưởng thức cà phê.
Ông Luận cho biết các sản phẩm cà phê nông sản của công ty hiện nay đã xuất khẩu sang khoảng 10 nước trên thế giới như Hoa Kỳ, Úc, Nga, Pháp, Đức, Hàn Quốc… Trong đó, 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của công ty hiện nay là Úc, Hoa Kỳ và Nga.
"Khi đi xúc tiến thương mại, tôi thấy một số nước như Nhật Bản, Thái Lan làm OCOP rất tốt. Các sản phẩm OCOP khi xúc tiến ra nước ngoài được đánh giá rất cao. Kể câu chuyện của nông sản Việt, tôi cũng kỳ vọng cà phê nông sản được công nhận OCOP, người tiêu dùng trong, ngoài nước biết đến nhiều hơn", ông Luận nói.
Nhiều sản phẩm tiềm năng khác cũng đang chờ được đánh giá, xếp hàng OCOP trong năm nay.
Tại huyện Hóc Môn, ngoài cà phê nông sản, một số sản phẩm tiềm năng khác trên địa bàn còn có bánh đúc Bà Điểm (hộ kinh doanh bánh đúc Bà Điểm); rau mồng tơi, rau muống hạt, rau cải xanh, rau mầm HB (Công ty TNHH Sản xuất công nghệ HB); cà pháo ngâm, dưa món, cà pháo mắm tôm chua, cà pháo mắm nêm, cóc chua ngọt thương hiệu Ngọc Liên (Công ty TNHH SXTM XNK Ngọc Liên)…
Một số HTX, hộ sản xuất, doanh nghiệp tại huyện Cần Giờ, huyện Bình Chánh đang có sản phẩm được công nhận OCOP của TP.HCM, tiếp tục tham gia đánh giá, phân hạng OCOP trong năm nay nhằm mở rộng sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP.
Tính đến nay, TP.HCM đang có 27 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP (6 sản phẩm 3 sao, 21 sản phẩm đạt 4 sao) và 1 sản phẩm đang đề xuất xếp hạng 5 sao cấp quốc gia. Theo kế hoạch, dự kiến trong năm 2022, TP.HCM sẽ tổ chức đánh giá, công nhận cho 41 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 sao trở lên (22 sản phẩm 3 sao và 19 sản phẩm 4 sao).
Chương trình OCOP bắt nguồn ở Nhật Bản từ thập niên 70, với mục tiêu phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh, liên kết sản xuất và gia tăng giá trị. Sau khi chương trình được thực hiện thành công tại Nhật Bản, đến nay có hơn 40 quốc gia trên thế giới đã áp dụng. Nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á cũng đã học hỏi kinh nghiệm, vận dụng vào tình hình thực tiễn để phát triển kinh tế khu vực nông thôn.
Mục tiêu của Chương trình OCOP tại TP.HCM được xác định theo Quyết định 1943 của UBND TP.HCM là phát triển sản phẩm OCOP góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ nông thôn nhằm phát triển kinh tế nông thôn trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, phát triển bền vững, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Chương trình nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, bảo tồn các giá trị văn hóa, góp phần xây dựng nông thôn bền vững tại các địa phương.