Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ VII với chủ đề: "Người nông dân chuyên nghiệp", đồng chí Lương Quốc Đoàn – Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết: Vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương đã tổ chức tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW BCH Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị Trung ương 5, khoá XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Có thể nói, sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, nông nghiệp nước ta đã phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất; cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch tích cực, tăng tỉ trọng kinh tế công nghiệp và dịch vụ.
Cụ thể, cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, phát huy lợi thế so sánh, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng tăng trưởng. Nông nghiệp chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, năng suất và chất lượng ngày càng cao; bảo đảm lương thực, thực phẩm cho gần 100 triệu dân và tăng mạnh xuất khẩu.
Giai đoạn từ 2008 đến 2020, tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt 3,01%/năm, quy mô GDP (theo quy mô điều chỉnh, tính giá so sánh) toàn ngành tăng gấp 1,4 lần. Năng suất lao động nông nghiệp đạt 55,9 triệu đồng/người, gấp hơn 4 lần so với năm 2008. Quy mô xuất khẩu nông sản tăng bình quân 8,01%/năm; năm 2020 đạt 42,34 tỷ đô la Mỹ; năm 2021 đạt 48,6 tỷ USD. Nông sản của Việt Nam có mặt ở 196 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn phát triển nhanh, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập của người dân nông thôn. Số hộ nông thôn hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ năm 2020 chiếm 45% (tăng 10,59% so với năm 2011). Nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu kinh tế ven biển, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trung tâm thương mại - dịch vụ ở nông thôn, công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản được đầu tư và đi vào hoạt động, hằng năm giải quyết việc làm cho gần 1,6 triệu lao động, trong đó gần 70% từ khu vực nông thôn.
Trong hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đã huy động được nguồn lực lớn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn với tổng vốn đầu tư giai đoạn 2008 - 2020 là 1.567 nghìn tỷ đồng (cho sản xuất nông nghiệp 611 nghìn tỷ đồng, nông thôn 956 nghìn tỷ đồng); trong 5 năm 2016 - 2020 là khoảng 942 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 1,9 lần so với 5 năm 2011 – 2015.
Nông thôn đổi mới, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, điều kiện sinh sống của người dân nông thôn được cải thiện. Cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết nối với đô thị, phục vụ ngày càng tốt hơn cho sản xuất và đời sống. Nông thôn khang trang, văn minh hơn. Hệ thống chính trị cơ sở được củng cố. Thu nhập và điều kiện sống của cư dân nông thôn được cải thiện và nâng cao. Đến năm 2020, cả nước có 5.157/8.267 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 62,4%), có 173 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nông thôn mới; 04 tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Thành tựu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn sau hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26 của Đảng có phần đóng góp rất quan trọng của nông dân, HTX, doanh nghiệp do hội viên, nông dân làm chủ do tổ chức Hội Nông dân chủ trì phát động và tham gia vận động, hướng dẫn. Trong đó, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" đã thu hút hàng triệu lượt hội viên, nông dân tham gia.
Trong số 10,2 triệu hộ hội viên, nông dân của cả nước thì hiện nay có hơn 3,6 triệu hộ đạt danh hiệu "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi" các cấp. Họ chính là lực lượng nòng cốt, nền tảng quan trọng thúc đẩy xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và hơn nữa là thực hiện mục tiêu tri thức hoá nông dân.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hành động quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân, nông nghiệp, nông thôn nước ta sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Đảng, gần 3 năm tập trung cao độ ứng phó với đại dịch Covid-19 tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế quốc dân.
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã chứng tỏ được tiềm lực mạnh mẽ, đóng góp to lớn vào tiến trình đổi mới đất nước hội nhập và phát triển đất nước. Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta bộc lộ rõ hơn những khó khăn, bất cập, thách thức, trong đó có tư duy, trình độ, kinh nghiệm sản xuất, mức độ, trình độ tham gia thị trường; tham gia chuỗi liên kết, cung ứng toàn cầu của người nông dân. Bên cạnh đó, quá trình xây dựng nông thôn mới dù đã đạt được những kết quả, thành tựu rất đáng phấn khởi nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức.
Để tiếp tục xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, vấn đề đặt ra ở đây là yếu tố con người. Người nông dân phải có tư duy, trình độ nhận thức, vốn hiểu biết tương đương để làm chủ và đảm nhận vai trò chủ thể của mình trong xây dựng, hưởng thụ, giữ gìn thành quả nông thôn mới.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định, nông dân nước ta phát huy tốt hơn vai trò là chủ thể, tích cực trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, tham gia hợp tác, liên kết, khôi phục và phát triển ngành nghề nông nghiệp; xây dựng nông thôn mới, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn.
Nghị quyết 19 Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII một lần nữa khẳng định vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ quốc phòng, an ninh, nhấn mạnh vai trò chủ thể của nông dân có tính quyết định đến sự thành công trong tổ chức thực hiện Nghị quyết.
"Để xây dựng người nông dân chuyên nghiệp góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Diễn đàn Nông dân Việt Nam với chủ đề "Người nông dân chuyên nghiệp" nhằm tạo cầu nối trao đổi, nhận diện thực trạng, đối thoại cởi mở, thảo luận, đưa ra những đề xuất, kiến nghị xây dựng "Người nông dân chuyên nghiệp". Làm thế nào để có người nông dân chuyên nghiệp đó chính là những câu hỏi đặt ra tại Diễn đàn ngày hôm nay.
Vì vậy tôi đề nghị các đồng chí đại biểu, các diễn giả, nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, đại diện Hội Nông dân các tỉnh, thành phố và các đại biểu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc, nông dân Việt Nam xuất sắc, hợp tác xã, doanh nghiệp có mặt tại diễn đàn ngày hôm nay tập trung thảo luận, trao đổi thẳng thắn vào chủ đề của diễn đàn" - Chủ tịch Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh.