Tâm tư trước Diễn đàn Người nông dân chuyên nghiệp: Mong được hỗ trợ nhân lực trình độ cao, vốn vay
Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII: Nông dân mong được hỗ trợ đào tạo tay nghề, kiến thức, vốn vay
Đức Thịnh
Chủ nhật, ngày 11/09/2022 19:32 PM (GMT+7)
Về dự Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII chủ đề: "Người nông dân chuyên nghiệp", nhiều đại biểu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đánh giá cao và kỳ vọng tâm tư, nguyện vọng cũng như những vướng mắc, khó khăn phản ánh tại diễn đàn sẽ được lắng nghe, tiếp thu và sớm tháo gỡ.
Nông dân chuyên nghiệp trong việc chăn nuôi, trồng trọt
Nhắc đến những trang trại nuôi gà lớn ở khu vực phía Bắc không thể không nhắc đến trang trại nuôi gà, sử dụng công nghệ tự động hóa của ông Hoàng Mạnh Ngọc (xã Liên Hà, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội), với diện tích 17.000m2.
Hiện nay, trại gà của ông Ngọc có quy mô 20 vạn gà bố mẹ, 100 máy ấp trứng hoạt động hết công suất để cung cấp ra thị trường 4 vạn con giống gà thịt và 4 vạn con giống gà trứng trong vòng 4 ngày. Với mô hình sản xuất giống gia cầm, ông Ngọc có tổng doanh thu đạt trên 50 tỷ đồng/năm, lợi nhuận bình quân đạt 5 tỷ đồng/năm.
" Được đi học ở nhiều nước, tôi thấy làm nông nghiệp bây giờ không có kiến thức, không có sự chuyên nghiệp sẽ rất vất vả".
Anh Nguyễn Văn Chinh (huyện Phúc Thọ, Hà Nội)
Có tư duy làm nông nghiệp hiện đại, ông Ngọc cho biết ông đã áp dụng công nghệ thông tin vào các khâu kiểm soát nhiệt độ, thức ăn, nước uống trong chuồng nuôi, nhiệt độ trạm ấp qua phần mềm kết nối internet.
"Hệ thống cho gà ăn, uống được tự động hóa. Cần nhập số lượng cám cho gà ăn bao nhiêu, chỉ cần nhập thông số trên máy điều khiển rồi bấm nút cái là xong. Ứng dụng 4.0, vừa tiết kiệm chi phí mà người nuôi rất nhàn. Đi đâu tôi cũng quản lý và điều hành công việc được" - ông Ngọc nói.
Ông Ngọc cũng là người đầu tiên ở khu vực này áp dụng công nghệ nhân giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo gà nên ông được người dân gọi thân mật là "ông Ngọc bắn tinh gà".
Trao đổi với phóng viên trước thềm Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ VII - năm 2022, ông Ngọc nói: Cá nhân tôi rất thích chủ đề "Người nông dân chuyên nghiệp" của diễn đàn. Đây là một chủ đề rất hay và rất thời sự. Thời đại số bùng nổ, người nông dân cũng phải chuyên nghiệp hơn".
Ông Ngọc chia sẻ: "Hiện trang trại của tôi được lắp đặt rất nhiều thiết bị hiện đại, cần nhân lực có trình độ để vận hành, nhưng có thực tế là rất nhiều người trẻ vẫn còn ngại về làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Tôi xin kiến nghị Nhà nước cần quan tâm và tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nghề nhiều hơn cho người nông dân, đặc biệt là chính sách thu hút đội ngũ trí thức trẻ về làm việc tại khu vực nông nghiệp".
Anh Nguyễn Văn Chinh từng đi du học ở Israel, Australia, lấy bằng tiến sĩ ngành công nghệ sinh học tại Nhật Bản. Anh Chinh đang có 2ha đất trồng rau hữu cơ ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Anh Chinh chia sẻ: "Tri thức hóa nông dân là điều các quốc gia phát triển đã làm để giúp người nông dân trở thành những doanh nhân, nhà khoa học. Tôi rất tâm đắc với câu nói của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan "Làm nông nghiệp cũng cần phải có giấy phép học nghề, không phải cứ người dốt thì cho về làm nông nghiệp". Bản thân tôi được đi học ở nhiều nước mới thấy, làm nông nghiệp bây giờ không có kiến thức, không chuyên nghiệp sẽ rất vất vả".
Cần cơ chế, chính sách để thúc đẩy
Còn chị Nguyễn Thị Hồng Minh - Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Thành (tỉnh Bắc Kạn) cho hay, HTX được thành lập năm 2017 với ngành nghề chính là chế biến nông sản. Cùng với kênh bán hàng truyền thống, ban lãnh đạo và các thành viên HTX Nông nghiệp Tân Thành đã tích cực học tập, tìm tòi hướng đi mới, tiếp cận với chuyển đổi số để đưa nông sản, sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử với 23 mặt hàng được chào bán.
Chị Minh bộc bạch: "Thực tế sản xuất của chúng tôi cho thấy, vấn đề lớn nhất của người nông dân là phải biết nắm bắt cơ hội từ thực tế của thị trường như các sản phẩm từ nghệ của chúng tôi. Về vấn đề đầu ra, chúng tôi không lo. Cái lo chính của chúng tôi hiện nay là, để thu mua sản phẩm của người nông dân, chúng tôi cần rất nhiều vốn lưu động. Đến tham dự diễn đàn, chúng tôi rất mong muốn được chia sẻ những khó khăn về vốn của HTX nói riêng và của nông dân nói chung".
Trong thời gian vừa qua, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao là nỗi trăn trở, băn khoăn của nhiều nông dân. Bà Hoàng Thị Chắp (dân tộc Giáy, ở thôn Luổng Đơ, xã Cốc San, TP.Lào Cai, tỉnh Lào Cai), cho hay, gia đình bà đang sản xuất cá giống với diện tích 17ha. "Tôi đã chăn nuôi cá hơn 30 năm nay, nhưng chưa thấy khi nào thấy giá thức ăn chăn nuôi lại tăng khủng khiếp như trong thời gian vừa qua" - bà Chắp nói.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Mùi - nông dân giỏi chăn nuôi vịt ở Bắc Giang, cho biết, gia đình ông đang nuôi 8.000 vịt bố mẹ và hậu bị. Với mô hình nuôi vịt đẻ lấy trứng ấp thành trứng vịt lộn và vịt giống để bán ra thị trường, gia đình ông có lợi nhuận từ 1,5-1,6 tỷ đồng/năm.
Theo ông Mùi, trong đợt "bão giá" thức ăn chăn nuôi vừa qua, nhiều hộ chăn nuôi đã thua lỗ nặng. Tuy nhiên, đối với những hộ chăn nuôi quy mô lớn, nếu có các hợp đồng, mối quan hệ làm ăn lâu dài với các doanh nghiệp, chi phí giảm được rất nhiều.
"Tại diễn đàn lần này, tôi rất mong muốn có cơ hội để kết nối các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi để hợp tác hai bên cùng có lợi và tiết giảm chi phí đầu vào"- ông Mùi nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.