Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 ở Yên Bái là tỷ phú người Mông, từng bị cho là “thằng không ra gì”.
Điểm giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội bỗng lao xao bàn tán: "Tỷ phú đến rồi kìa!". A Sáu đặt tải tiền xuống sàn nhà, chỉnh lại khẩu trang rồi xếp từng cọc tiền lên bàn. A Sáu thủng thẳng: "Cán bộ cho mình gửi 4 tỷ nhé! Vừa bán đồi quế". Mọi ánh mắt ngưỡng mộ hướng về vợ chồng A Sáu.
Đó là câu chuyện được mọi người vẫn chia sẻ mỗi khi nhắc đến tỷ phú người Mông Giàng A Sáu (SN 1977, trú tại thôn Sài Lương 3, xã An Lương, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái).
Trước đây, khi còn trẻ, cả bản đều nói Giàng A Sáu là "thằng không ra gì". Có lẽ, vì Sáu không chịu lấy vợ ở tuổi mười lăm như các bạn cùng lứa. Hoặc cũng có lẽ, vì Giàng A Sáu thường xuyên bỏ làng, bỏ bản vì nơi đây chỉ là mảnh đất khô cằn, không đường giao thông, không điện.
Thế nhưng đi nhiều nơi, Giàng A Sáu nhận ra không đâu bằng chính quê hương của mình. Nghĩ vậy, Giàng A Sáu quyết định ở lại và tích cực trồng quế cùng dân làng.
Tháng 9/2000, được sự vận động của Hội Nông dân các cấp và chính quyền địa phương, A Sáu cùng gia đình đã trồng 7ha quế đầu tiên trên mảnh đất rừng được Nhà nước giao. Hằng năm, gia đình Sáu đều mở rộng quy mô diện tích. Năm 2001, Sáu trồng thêm 5ha, đến năm 2002 trồng thêm 10ha nữa.
Những năm tiếp theo, nhờ có sự hỗ trợ của nhà nước, gia đình A Sáu mở rộng đầu tư, nâng tổng diện tích đạt trên 40ha quế. Đến năm 2017, diện tích quế trồng đã cho thu hoạch có chất lượng tốt, đủ điều kiện để xuất khẩu ra nước ngoài.
Thu nhập từ cây quế đã giúp gia đình A Sáu cải thiện đời sống, cho thu nhập cao và xây nhà kiên cố, mua xe vận tải để phục vụ sản xuất.
Anh Giàng A Sáu chia sẻ: "Ngày xưa mình trồng quế cũng không nghĩ cây có giá trị như thế này, chỉ nghĩ là trồng rồi bóc vỏ đi bán cũng được tiền. Sau này khi giá quế lên cao thì mình càng muốn làm nhiều. Không phải vì mình khôn nên được nhiều đâu, muốn được nhiều tiền thì phải chịu khó, vì mình chịu khó nên có được nhiều tiền như thế này".
A Sáu cho biết, những ngày đầu trồng cây quế cũng gặp nhiều khó khăn do chỉ trồng quế bằng hạt. Bây giờ, nhờ ươm quế bằng bầu, tuy mất nhiều tiền hơn, kỳ công hơn, nhưng nắng, mưa đều trồng được và hơn hết là cây không bị chết.
Để chủ động được nguồn cây giống cho diện tích 40ha của gia đình, A Sáu đã dành một diện tích đất để tự ươm giống. Việc tự ươm giống so với mua ở ngoài lợi thế hơn là cây quế lên khỏe, tỷ lệ sống cao và tiết kiệm chi phí.
"Do được ươm tại chỗ nên giống cây khỏe, khi mình mang vào đồi trồng cây sống luôn. Nhiều nơi họ lấy giống từ Trung Quốc về, cây thì đẹp nhưng khoảng 5 năm trở lên, cây lại không lớn được mà yếu đi. Còn giống của mình là giống tốt, mình chủ động được cây giống nên trồng đến đâu nhổ đến đấy," A Sáu chia sẻ thêm.
Ngoài việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc quế, bản thân A Sáu và gia đình còn tích cực làm tốt công tác bảo vệ môi trường nông thôn, đảm bảo trồng quế gắn với giữ gìn tài nguyên rừng, không canh tác và sản xuất vào rừng phòng hộ ở địa phương.
Giàng A Lử, Trưởng thôn Sài Lương 3 (xã An Lương, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) cho biết: "Trên địa bàn thôn trước đây chỉ làm nương, trồng lúa, trồng ngô, trồng sắn nên hiệu quả kinh tế không cao. Anh Sáu là người trồng quế trước nhất ở thôn và cho hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, bà con trong thôn cũng làm theo như anh Sáu. Đến nay trong thôn hộ nào cũng có trồng quế, hộ nào ít cũng có 2-3ha".
Ngoài mang lại thu nhập cao cho gia đình, Giàng A Sáu còn tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên với mức lương 3,5 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Hoàng Văn Cội, Chủ tịch UBND xã An Lương, huyện Văn Chấn cho biết: "Mô hình kinh tế của gia đình Giàng A Sáu là mô hình đáng được nhân rộng và học tập. Hiện nay, cây quế đã thành cây chủ lực và là cây xóa đói giảm nghèo trên địa bàn. Mong muốn cũng như chủ trương của xã, là phát triển cây quế trở thành cây mũi nhọn, chủ lực của xã, tạo sản phẩm quế hữu cơ, xây dựng thương hiệu để bà con có thu nhập cao hơn".
Bằng sự cố gắng không ngừng, mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác tập trung theo hướng hàng hóa, đến nay gia đình Giàng A Sáu đã từng bước khắc phục khó khăn, vươn lên làm giàu, được bà con trong và ngoài tỉnh tới tham quan, học tập kinh nghiệm.
Niên vụ 2019, Giàng A Sáu bán đồi quế được 3 tỷ đồng và gửi toàn bộ số tiền vào Ngân hàng Chính sách xã hội. Đầu tháng 6/2021, Giàng A Sáu tiếp tục bán một đồi quế với giá 4 tỷ đồng.
Ngôi nhà khang trang được Giàng A Sáu hoàn thành vào năm ngoái với kinh phí gần 3 tỷ đồng. Số tiền dành dụm được thời gian sau này, Giàng A Sáu vẫn tiếp tục gửi Ngân hàng Chính sách xã hội thay vì tiêu xài vào những thú vui chơi.
Chính tư duy, quan niệm ấy giúp đời sống gia đình Giàng A Sáu thêm no ấm, đúng với tên tỷ phú người Mông mà bà con dân bản thường gọi.
Ông Giàng A Câu, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Yên Bái cho biết: "Mô hình của Giàng A Sáu là mô hình rất đặc biệt. Ở Yên Bái, có rất nhiều nông dân tiêu biểu nhưng nông dân tiêu biểu trong đồng bào dân tộc Mông thì chúng tôi rất khó lựa chọn. Sau này chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình này ra để chứng minh đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt là đồng bào Mông nếu chí thú làm ăn như Giàng A Sáu thì chúng ta hoàn toàn có thể thoát nghèo và thậm chí làm giàu".