Từ nhiều năm nay, vào ngày giỗ tổ sân khấu (12/8 âm lịch), nghệ sĩ Trung Dân hiếm khi xuất hiện ở các sân khấu. Thay vào đó, anh tự cúng lặng lẽ tại nhà riêng cùng với vài học trò và anh em đồng nghiệp thân thiết. Năm nay cũng vậy, anh cũng không ra ngoài mà tổ chức bữa cúng mộc mạc, dung dị tại gia. Nhân dịp này, Dân Việt có buổi trò chuyện cùng anh về ý nghĩa của ngày giỗ, những phong tục tập quán của người Việt Nam, và quan niệm sống của người nghệ sĩ.
Chào nghệ sĩ Trung Dân, vì sao mọi người háo hức được đến sân khấu chung vui với đồng nghiệp vào ngày giỗ tổ, còn anh cứ luôn lặng lẽ ở một góc riêng của mình?
-Ngày trẻ, tôi cũng háo hức mừng tổ ở sân khấu như bao nhiêu đồng nghiệp khác. Theo thời gian, tôi thấy mình đã có tuổi mà người già thì không thích ồn ào náo nhiệt. Hơn nữa, nếu nói đúng nghĩa, thì tổ nằm trong tim của mỗi người nghệ sĩ và ai thờ tổ thì đã có bàn thờ tại nhà. Tôi có một bàn thờ tổ đặt ở nơi trang trọng nhất, cao nhất trong căn nhà tôi trú ngụ, mỗi khi thắp nén hương ở đây tôi cảm giác thiêng liêng và bình an.
Người ta cho rằng tổ nghệ sĩ cũng là… tổ của ăn mày nên nghệ sĩ ngày xưa bị xem là "xướng ca vô loài", anh nghĩ gì về điều này?
-Từ trước khi trở thành nghệ sĩ, tôi đã nghe về điều này nhưng không tin. Tất cả chỉ là giai thoại truyền miệng chứ không ai xác định được. Có ai biết mặt hay tên tuổi của tổ nghệ sĩ đâu. Theo tôi nghĩ, tổ sân khấu chính là những nghệ sĩ tiền bối, những người đã mở đường và chỉ lối cho thế hệ sau tiếp nối cái nghề mang lại niềm vui cho thiên hạ. Bạn có đồng ý với tôi là phần lớn con người, ai cũng có nhu cầu xem hát để giải trí hoặc để chiêm nghiệm điều gì đó đúng không? Nghệ thuật rất hữu ích, thế mà không hiểu vì sao, ngày xưa người ta không xếp nó vào một loại ngành nghề nào trong các thang bậc xã hội, để rồi nói trại ra thành vô loài một cách đầy khinh miệt.
Tôi thấy cái hay của người Việt Nam là ngành nghề nào cũng có tổ, và có nghi thức cúng tổ. Theo tôi, đó là tinh thần tri ân người thầy và uống nước nhớ nguồn rất đẹp và rất đáng trân trọng. Tôi không chỉ cúng tổ mà còn cúng vào ngày Giỗ tổ Hùng Vương, Giỗ đức ông Trần Hưng Đạo, đức ông Lê Văn Duyệt và nhiều vị khác. Tôi thường làm như thế và các con tôi đều thấy và ghi nhớ.
Anh đã từng thất vọng đến mức muốn giã từ ánh đèn sân khấu và phim trường, bây giờ ý định đó còn hay không?
- Ngay thời điểm này, như bạn đã thấy báo chí đăng tin hoa hậu này, người mẫu kia bán dâm lên đến 360 triệu. Năm ngoái, một nữ đại gia chửi nghệ sĩ thậm tệ không còn ngôn từ gì để diễn tả, cho dù giờ đây cơ quan điều tra đã chứng minh sự xúc phạm ấy hoàn toàn không có bằng chứng gì cả. Trước những sự kiện ấy, tôi thấy đau lòng và buồn bã, thậm chí tủi phận nghệ sĩ. Nó khiến tôi muốn rút lui ở ẩn, tránh những thị phi ấy, nhưng bạn ạ, một khi đã ăn cơm tổ thì suốt đời bạn sẽ nhớ ơn và không bao giờ có thể bỏ nghề. Nhờ nghệ thuật mà tôi có chút danh tiếng, có thể nuôi vợ con và được khóc cười với khán giả. Giận thì nói vậy thôi chứ làm sao mà bỏ được.
Rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi vẫn chưa già yếu nhưng khi dịch bệnh xảy ra, họ không có đủ tiền cầm cự, còn nhiều ngôi sao lừng lẫy một thời giờ đau yếu, không thu nhập. Anh thì được xếp vào dạng nghệ sĩ có đời sống kinh tế vững chắc dù bề ngoài bình dân, xuề xòa. Bí quyết của anh là gì?
-Tôi vốn là người không có nhu cầu cao về vật chất xa hoa, không thích nhậu nhoẹt, cờ bạc nên tiền lương bao nhiêu tôi giao hết cho bà xã. Bà xã tôi lại là người đàn bà rất giỏi chuyện kinh doanh và quán xuyến gia đình và không hoang phí. Bà ấy sử dụng số tiền ấy một cách hữu ích và nhờ vậy chúng tôi cũng dành dụm đủ tiền nuôi con.
Chúng tôi không có bí quyết gì ngoài quan niệm biết đủ là đủ. Phong cách này được truyền từ cha mẹ chúng tôi. Chúng tôi biết hài lòng với những gì trong khả năng chứ không chạy theo phù du ảo ảnh. Các con chúng tôi, lớn lên trong nếp sống này nên chúng cũng hành xử giống chúng tôi. Chúng không đòi hỏi quá mức quy định và không bao giờ đòi hỏi những món đồ quá đắt tiền. Tôi thấy vui vì các con sớm ý thức được những gì nên và không nên làm.
Anh có thích công việc từ thiện không?
- Tôi hầu như không tham gia vào các hoạt động từ thiện lớn đình đám, vì tôi nghĩ mình không đủ uy tín kêu gọi đám đông quyên góp. Thay vào đó, tôi chỉ làm nhỏ lẻ trong khả năng của mình. Chẳng hạn như giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn gần tôi nhất, hoặc là những đồng nghiệp kém may mắn mà tôi biết. Tôi không xem những việc làm ấy là tích phước mà làm vì niềm vui tự thân.
Sắp tới đây, anh có xuất hiện trong những dự án nghệ thuật gì đặc biệt không, thưa anh?
-Tôi sẽ xuất hiện trong phim điện ảnh Chị chị em em phần 2 do Vũ Ngọc Đãng đạo diễn. Đó chỉ là một vai khách mời nhưng tôi trân trọng vì được làm việc với ê kíp chuyên nghiệp, có tâm huyết với nghề.
Kế tiếp, tôi sẽ đóng vai người kể chuyện trong series truyền hình có nhan đề là Sài Gòn ta thương. Ở đó, chúng tôi cùng nhau quay về với những giá trị văn hóa cổ xưa rất độc đáo của vùng đất Gia Định – Sài Gòn đầy năng động. Tôi rất thích chương trình này vì tôi vốn đang có những biên khảo và nghiên cứu văn hóa Nam bộ nói chung. Tôi nghĩ thế hệ trẻ cần biết đến những giá trị của tiền nhân đã gầy dựng.
Cảm ơn anh về buổi trò chuyện và chúc anh luôn bình an!