Sinh ra trong một gia đình nghèo ở bản Long Ke (xã Huổi 1, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La), 12 tuổi, cậu bé Hờ A Thành mới được cha dẫn đi bộ 25 cây số đường rừng về trường Nội trú thiếu nhi dân tộc (ở thị trấn Sông Mã) bắt đầu học lớp vỡ lòng. Ở tuổi 24, khi mà nhiều bạn bè đã vợ con đề huề thì chàng thanh niên Hờ A Thành mới tốt nghiệp cấp 3. Anh vẫn muốn học nữa nhưng nhìn gia cảnh nhà mình đành tự dặn lòng "chậm lại hơn nữa". Ở nhà 1 năm, anh giúp bố mẹ sửa lại mái bếp, trồng thêm ngô sắn, nuôi thêm con lợn để rồi 26 tuổi anh mới yên tâm đăng ký nhập ngũ vào Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Sơn La.
Nhanh nhẹn lại có năng khiếu, có trình độ văn hóa, năm 1999 chàng lính… không hề trẻ Hờ A Thành được Bộ Chỉ huy BĐBP Sơn La cử đi học phát thanh truyền hình tại Hà Nam. Anh nhớ mãi lời của thủ trưởng Cục Chính trị dặn dò trước khi nhập học: "Các cháu được cử đi học là để tạo nguồn về phục vụ cho lực lượng BĐBP, cũng chính là phục vụ cho đồng bào ở Sơn La. Thế nên mọi người sẽ phải cố gắng rất nhiều đấy".
Chuyện 24 tuổi mới hết lớp 12 làm nhiều người bất ngờ, đến khi biết 42 tuổi Đại úy QNCN Hờ A Thành lại bắt đầu làm sinh viên càng khiến người khác khâm phục. Năm 2016, Đại úy QNCN Hờ A Thành ghi danh học Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (đào tạo tại thành phố Sơn La), tuy nhiên, khi chỉ còn 1 năm nữa tốt nghiệp anh chuyển công tác về Đồn Biên phòng Mường Lèo - cách thành phố gần 200 cây số.
Những tưởng Đại úy QNCN Hờ A Thành sẽ bỏ cuộc nhưng anh đã không làm vậy. Cứ 4 giờ sáng thứ 7, trời mưa cũng như trời nắng, rét mướt hay nóng đổ lửa, anh đi xe máy từ xã Púng Bánh ra thành phố Sơn La và sáng thứ 2 cũng khung giờ đấy lại quay trở lại đồn tiếp tục công tác. Và, ở tuổi 46 Đại úy QNCN Hờ A Thành nhận tấm bằng cử nhân loại Khá.
Đại úy QNCN Hờ Anh Thành không chỉ là tấm gương sáng trong nỗ lực học tập, anh còn được cấp trên, đồng đội quý mến vì luôn có trách nhiệm với công việc được giao. Dù ở đâu, cương vị nào thì anh cũng luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc nhất. Năm 2020, anh được chỉ huy đơn vị giao phụ trách lớp học xóa mù chữ tại bản Huổi Áng.
Năm 2021, Đại úy QNCN Hờ A Thành tiếp tục mở lớp ở bản Huổi Lạ và giờ đây, anh lại gắn bó với bà con bản Pá Khoang. Bản biên giới xa xôi và đường đi lại là những con đường đất đỏ, chỉ 1 cơn mưa đã trở thành dòng sông bùn. Thế nhưng, chưa khi nào thầy giáo Thành nản dù không ít lần anh phải đi theo cung đường rất… lạ. Từ đơn vị, anh đi xe máy sang cửa khẩu Huổi Puốc (tỉnh Điện Biên) rồi đi vào đường tuần tra biên giới để quay lại Sơn La mới vào được Huổi Lạ.
Hè vừa rồi, anh trai của Đại úy QNCN Hờ A Thành phải về điều trị tại Bệnh viện Lao Phổi Trung ương. Trước nay chỉ có Đại úy QNCN Hờ A Thành từng đi xa nên anh nhận trách nhiệm đưa anh trai về Hà Nội. Tối thứ 7, cả nhà lên xe đêm, sáng chủ nhật nhập viện nhưng ngay tối đó anh bắt xe quay lại Sơn La để tối thứ 2 kịp có mặt ở Pá Khoang. Hỏi sao phải gấp gáp thế, anh bảo: "Lớp mới mở, nghỉ lâu bà con sẽ quên cái chữ mất".
Ban đầu chỉ có 34 người ở Pá Khoang đăng ký nhưng khi thấy mọi người đến lớp, người ở nhà không thể ngồi yên liền tới xin thầy giáo vào lớp. Thêm người là thêm việc, thêm vất vả, thế nhưng Đại úy QNCN Hờ A Thành đã không từ chối mà nhận lời. Đi học rồi mới thấy, đến lớp không chỉ vui vì được học chữ mà còn vì những câu chuyện của thầy giáo Thành. Nào chuyện ở Nậm Lạnh có người đàn ông Mông tuổi đã cao nhưng rất giỏi làm ăn kinh tế, hay ở Mường Lạn có cậu học sinh nghèo mồ côi vươn lên học tập đã trở thành cán bộ. Và nhất là có rất nhiều người con ưu tú của dân tộc Mông đã trở thành sĩ quan quân đội, trong đó có nhiều người trở thành BĐBP.
Và, người Mông ở Pá Khoang mình cũng đâu kém ai. Anh Mùa A Thọ đã tốt nghiệp Trường Sĩ quan Chính trị, hiện công tác tại Yên Bái. Mới đây thôi, chàng thanh niên Sồng A Mảng cùng cháu ruột là Sồng A Vự cũng thi đỗ Trường Sĩ quan Chính trị và Học viện Cảnh sát nhân dân.
"Chúng ta đi học để không còn mang tiếng mù chữ, tự viết được cái tên, biết làm phép tính. Biết chữ rồi, dù đi đâu trên đất nước này cũng không phải sợ, phải ngại". Nghe Đại úy QNCN Hờ A Thành nói, mọi người chợt hiểu và càng quyết tâm hơn. Theo kế hoạch ban đầu, lớp học duy trì từ tối thứ 2 đến thứ 6, ngày cuối tuần sẽ nghỉ nhưng các học viên đề nghị thầy giáo Thành dạy thêm vào tối thứ 7.
Lớp học xóa mù chữ được mở tại Điểm trường Tiểu học Pá Khoang nhưng chỉ có 6 bộ bàn ghế; lấy thêm ở Tổ công tác Biên phòng cũng vẫn thiếu. Dân bản, thầy giáo Thành viết đơn gửi lên UBND xã Mường Lèo xin được xẻ cây gỗ đã chết trong rừng về đóng bàn ghế cho lớp học. Đại úy QNCN Hờ A Thành đã bỏ tiền túi ra mua xăng, mượn máy cưa rồi vận động đàn ông trong bản đi xẻ, đóng bàn ghế và thầy sẽ "bao cơm trưa".
Nhờ thế mà lớp học đã có bàn ghế mới, nhìn khang trang hơn hẳn. Thấy đường đi học của bà con nhỏ, cây cối um tùm, anh cũng bỏ tiền ra thuê máy xúc gạt cho phẳng. Mọi người xúc động lắm khi thấy việc của bản mà thầy Thành làm như thể việc của cá nhân mình.
Mấy hôm nay, ngoài giờ lên lớp, Đại úy QNCN Hờ A Thành bận bịu với việc làm chuồng để nuôi gà, ngan, vịt. Mỗi một công đoạn, anh lại gọi mọi người đến "giúp một tay" nhưng thực chất là để người trong biết cách làm cũng như thấy việc nuôi nhốt sẽ đem lại hiệu quả cao hơn thả rông.
Trong thực tế, việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đối với đồng bào vốn không dễ dàng khi nó đã ăn sâu vào ý thức. Những người lính Biên phòng chưa khi nào nản lòng, cứ ngày này qua tháng khác như cơn mưa dầm thấm lâu và đến mức độ nào đấy sẽ nhận ra việc cần thay đổi. Bản Pá Khoang sau nhiều năm chỉ trồng lúa nương và ngô thì năm nay đã nghe lời vận động của BĐBP trồng thêm sắn cao sản để tăng thu nhập. Bài học của người thầy giáo quân hàm xanh nơi biên cương Tổ quốc thật lạ nhưng cũng thật là vui.
* Bài có sự biên tập ở title