Dân Việt

Lễ vật dâng "ông Cả Cọp" ở Bến Tre với chuyện làng có việc lớn là bỏ trống một ghế, rót dư một chung rượu

Thạch Thảo 14/09/2022 14:46 GMT+7
Những chuyện kể, địa danh còn lưu giữ đến ngày nay ở Bến Tre như giồng Hổ, giồng Heo, Sân Trâu…vừa gợi lên tính chất hoang sơ của đất, vừa nói lên cái gốc gác xa xưa của chốn “rừng thiêng, nước độc, thú bầy” này.

Người Bến Tre yêu quê cha đất tổ, mến làng mạc xứ Dừa hơn ai hết. Trải qua bao thế hệ, sự tích ông Cả Cọp vẫn được truyền tụng từ đời này tới đời kia để nhắc nhở lớp người hôm nay đang hưởng chính thành quả của ông cha mình thuở khai hoang, lập đất.

Lễ vật dâng "ông Cả Cọp" ở Bến Tre với chuyện làng có việc lớn là bỏ trống một ghế, rót dư một chung rượu - Ảnh 1.

Một góc trang trại sản xuất rượu Cả Cọp ở xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre ngày nay. Ảnh: CTV

Bến Tre là vùng đất cù lao nằm ở phía cuối các dòng sông lớn với nhiều bãi cồn, kênh rạch chằng chịt. Thuở xa xưa, phần lớn cù lao ở Bến Tre bị ngập nước, nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của chế độ bán nhật triều. Nhiều vùng rộng lớn là đất trầm thủy, nê địa. 

Rừng bụi um tùm, chạy dài từ đầu cù lao đến ven biển. Đó là thế giới ngự trị của cọp, gấu, heo rừng, nai, khỉ, trăn, rắn hổ. Những chuyện kể, địa danh còn lưu giữ đến ngày nay như giồng Hổ, giồng Heo, Sân Trâu… vừa gợi lên tính chất hoang sơ của đất, vừa nói lên cái gốc gác xa xưa của chốn “rừng thiêng, nước độc, thú bầy” này.

Sự tích “Ông Cả Cọp” là một trong những giai thoại đặc sắc, được truyền tụng trong quá trình ông cha ta khai hoang, di dân lập ấp tại vùng đất Bến Tre khi xưa. Thời đó, cọp được mệnh danh là ông “Ba Mươi”, vì thuở ấy quan trên đặt ra giải thưởng “Ai giết cọp, đem xác cho quan trên thấy, thì được thưởng 30 quan tiền”. 

Sau khi giết cọp, người dân vẫn sợ, cất miễu thờ để tỏ lòng tôn kính và cũng để hăm dọa. Chức Đại Hương Cả (người đứng đầu ban hội tề, cai quản một làng) ai cũng ham vì Đại Hương Cả được hưởng xôi thịt khi cúng Kỳ yên và được quyền quyết định tối hậu trong mọi vụ xử kiện. 

Riêng làng Châu Bình cử người nào vào chức Đại Hương Cả thì ngay đêm hôm sau, cọp đến nhà cõng người ấy vào rừng, bỏ lại cái xác máu me lênh láng. Chức vụ Đại Hương Cả mặc nhiên để trống, chẳng ai dám nhận lãnh.

Các hương chức suy luận: “Phải chăng vì cọp là Chúa sơn lâm nên muốn lãnh phần xôi thịt ấy? Bây giờ muốn biết thì phải thí nghiệm một lần cho biết”. 

Ở đầu làng có cây đa cổ thụ rất linh thiêng, hàng chục kỳ lão trong làng ăn mặc chỉnh tề mang theo đầu heo và tờ cử viết trên giấy cuốn tròn trong ống tre nhỏ để dưới gốc đa, các kỳ lão đến trước cây đa khấn vái, yêu cầu “ông Cọp” nhận lãnh phần xôi thịt. Nếu quả thật ông Cọp muốn đòi chức Đại Hương Cả thì dân làng sẵn sàng dành cho cái danh dự tối cao ấy. 

Xong, các kỳ lão rút lui, ai về nhà nấy. Sáng hôm sau, cái đầu heo và cả tờ cử đã mất, dưới đất hãy còn rành rành móng cọp, đủ móng trước, móng sau.

Thế là, trong mỗi cuộc nhóm họp tại công sở, hương chức làng luôn dành một cái ghế bỏ trống, rót dư một chung rượu, gọi là dành riêng cho ông Hương Cả Cọp. Năm sau, vào đúng ngày tái nhóm để bầu cử hương chức hội tề, hiện tượng lạ lùng là cái đầu heo và tờ cử cũng biến mất, có nghĩa là Hương Cả Cọp đồng ý lãnh trách nhiệm thêm một nhiệm kỳ nữa. 

Gốc đa trở nên linh thiêng, dân làng đã hùn tiền, xây miễu nhỏ ngay dưới gốc đa đề thờ cúng Cả Cọp, họ cúng cho miễu một cái trống chầu thật to.

Truyện kể thêm rằng, có lần, dân làng mượn cái trống ở miễu Cọp để đem về đình, đánh trong dịp cúng kỳ yên. Khi đánh hồi trống đầu tiên, thì hỡi ôi, dân làng chạy tán loạn, đạp lên nhau vì từ một lỗ thủng trên mặt trống, hàng ngàn con ong vò vẽ bay túa ra, châm chích đám người ham vui. Rốt cuộc cái trống phải đem trả lại cho nguyên chủ là ông Cả Cọp. 

Ổ ong vò vẽ đóng bên trong trống ngày càng to, mấy chú thợ mộc không ai dám đến gần để tu bổ, bịt miếng da trâu mới lên mặt trống. Năm sau, đúng kỳ đáo lệ, dân làng đem tờ cử mới để gia tăng nhiệm kỳ cho ông Hương Cả Cọp, bày lễ cúng tế. Một ông kỳ lão khấn vái rồi cầm dùi đánh trống. Lạ thay, bầy ong vò vẽ vẫn nằm tại chỗ, không bay ra như trước.

Truyện Cả Cọp giờ chỉ còn trong tiềm thức người già, trong câu chuyện kể cho trẻ con. Địa chí Bến Tre trang 1009, in năm 2001 ghi chép: “Không có một thống kê nào nói về số nạn nhân bị chết vì nạn cá sấu, cọp, rắn độc trong lịch sử khai phá vùng đất Bến Tre này, nhưng chắc chắc rằng con số này không nhỏ bên cạnh số người chết vì sốt rét và các dịch bệnh thời khí ở vùng nê địa này”. 

Đó chắc chắn là một cuộc chiến đầy gian lao, khổ cực của con người mà phần thắng lợi chỉ dành cho những ai có nghị lực, có bản lĩnh, có ý chí kiên cường và đầu óc sáng tạo. Truyện kể cho thấy, Bến Tre xưa kia đất rộng, người thưa, chung quanh nhà là rừng rậm rạp, um tùm, nếu ông cha ta cứ sợ sệt mà sống quanh nhà thì lấy gì mà ăn, làm sao đất Bến Tre ngày nay sung túc cho được.

Ngày nay, tại xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre (xưa gồm Châu Bình thôn và Bình Khương thôn), chủ trang trại Bình Khương thôn đã cố công nghiên cứu hàng chục năm trời từ các hậu duệ của người xưa làm rượu ngon dâng Cả Cọp. 

Rượu Cả Cọp như một lời tri ân cho người tiền nhân đi mở cõi, rượu ngon dâng gia tiên trong những ngày hiếu hỉ, lễ, Tết, mong đất trời mưa thuận gió hòa, mong con cháu chăm chỉ học hành thành đạt vinh hiển, mong cho công ăn việc làm luôn tấn tài tấn lộc.

Rượu Cả Cọp Bình Khương thôn được UBND tỉnh đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao vào năm 2019 và đạt sản phẩm nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh Bến Tre năm 2019 và 2021.