Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/9, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.240,77 điểm, giảm 7,63 điểm so với phiên trước; HNX đóng cửa 279,42 điểm, giảm 2,17 điểm và sàn Upcom đóng cửa 90,16 điểm, giảm 0,24 điểm.
Thanh khoản của thị trường tăng nhẹ nhưng vẫn ở mức thấp khi giá trị giao dịch trên sàn HOSE chỉ đạt 14.351 tỉ đồng.
Dù đóng cửa phiên giao dịch, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm điểm nhưng lại khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ và vui mừng hơn là lo lắng. Bởi khi vừa mở cửa giao dịch, chỉ số VN-Index đã phản ứng mạnh với thông tin chứng khoán Mỹ bị bán tháo mạnh mẽ, giảm ngay 17 điểm so với phiên trước.
Mức giảm sâu nhất của VN-Index trong phiên giao dịch hôm nay là về 1.299 điểm, nhiều cổ phiếu giảm giá sâu khiến nhà đầu tư "thót tim". Tại một số group (nhóm) đầu tư chứng khoán trên mạng xã hội như Zalo, Facebook, nhà đầu tư buổi sáng còn lo lắng như "ngồi trên lửa" khi thị trường mở gap (khoảng trống) rơi xuống phía dưới và chưa có ý định dò đáy thì trong buổi chiều, nhiều cổ phiếu đảo chiều xanh trở lại, thậm chí tăng mạnh.
Chị Hoàng Nga (một nhà đầu tư chứng khoán ở TP HCM) cho hay dù kết phiên chỉ số chứng khoán đỏ nhưng danh mục của chị có tới 5/6 cổ phiếu xanh mạnh, tăng 5-6% so với phiên trước. Trong đó, các cổ phiếu dầu khí, đầu tư công, chứng khoán, bán lẻ, điện, hóa chất, phân bón… đều tăng và hồi phục mạnh so với trước đó.
"Nếu tính từ đáy của cổ phiếu PVD (Tổng Công ty Cổ phần khoa và dịch vụ khoan dầu khí) vùng 13.400 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 7, đến giờ, giá đóng cửa phiên giao dịch hôm nay đã là 23.300 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng khoảng 70%" - chị Nga khoe.
Nhiều nhà đầu tư khác cũng bày tỏ tâm trạng tương tự khi đã chuẩn bị tâm lý chứng khoán có thể rơi theo thị trường Mỹ nhưng không ngờ lại "vỡ òa" phút cuối.
Giám đốc môi giới một công ty chứng khoán lớn ở TP HCM cho rằng thị trường đã tích lũy xong và có thể bắt đầu vào giai đoạn phục hồi mới, hướng đến những vùng cao hơn là 1.300 điểm. Đáng chú ý, thị trường đang có một số dòng cổ phiếu mạnh và phục hồi nhanh hơn thị trường chung như đạm, bán lẻ, điện, thủy sản, thép, dầu khí…