Vẫn chưa có thông kê cụ thể về thiệt hại
Nếu chiều tối ngày 9/9, đê Bùi 2 (lối dẫn vào thôn Hạnh Bồ, xã Nam Phương Tiến) nước lũ chay tràn, ngành chức năng phải dùng bao đất để gia cố, đến nay, mực nước đã rút cách mặt đê khoảng 40cm. Theo ghi nhận của phóng viên, trên vệ đê Bùi 2 (xã Nam Phương Tiến) một số hàng quán đã hoạt động trở lại (dù thực khách khá thưa vắng), người và phương tiện lưu thông thoải mái.
Tuy phía ngoại đê nước còn tương đối lớn, nhưng trong đồng – nước cạn rất nhanh, hiện tại chân rạ cũ trên ruộng đã ngoi lên quá nửa… Với các hộ chăn nuôi (thủy sản, gia cầm phía ngoại đê Bùi 2) tại các xã như Hoàng Văn Thụ, Nam Phương Tiến, Tân Tiến bị ảnh hưởng bởi lũ rừng ngang, hiện tại mực nước vẫn chưa rút hết, nên chưa có thống kê cụ thể. Tuy nhiên theo một hộ dân chăn nuôi cá ở thôn Hạnh Bồ (xã Nam Phương Tiến), khi đã dính lũ thì người nuôi cá xác định sẽ trắng tay…
Theo báo cáo của UBND xã Nam Phương Tiến, số đường giao thông nội đồng trên địa bàn bị ngập là 12.000m, đường giao thông nông thôn là 1500m, số hộ dân bị ngập (từ 0,5m đến 2m) là 86, số nhân khẩu phải sơ tán là 365 người. Diện tích lúa bị thiệt hại (từ 30 đến 70%) là 30ha, diện tích thủy sản bị thiệt hại (từ 30 đến 70%) là 62 ha…
Trao đổi với phóng viên, Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Trần Thị Thu Hằng cho biết: Hiện tại các địa phương đang tập trung ổn định cuộc sống cho người dân, xử lý môi trường sau lũ và từng bước xác minh, thống kê thiệt hại.
Tìm cách sống chung với lũ
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế&Đô thị, Chủ tịch UBND xã Tốt Động Phùng Xuân Toàn cho biết: Xã Tốt Động có thôn Đồng Dâu hàng năm vẫn bị ảnh hưởng bởi lũ rừng ngang, nhưng về tài sản, người dân không bị thiệt hại, bởi họ đã có kinh nghiệm sống chung với lũ. Cũng do đã nắm trước được về mùa này lũ sẽ lên rất nhanh và bất thường, nên người dân đã có phương án kê kích tài sản lên cao.
Mỗi khi lũ về, chính quyền xã cũng chủ động bố trí lực lượng ứng trực, giúp người dân sơ tán tài sản. Đợt lũ vừa rồi, xã đã cấp cho người dân thôn Đồng Dâu hàng trăm bình nước uống (loại 20 lít), ngoài ra xã còn cấp phèn chua để dân khử nước sinh hoạt, tắm rửa. Đến nay nước rút đến đâu, chúng tôi chỉ đạo người dân dọn dẹp vệ sinh môi trường đến đấy.
Bí thư Đảng ủy xã Nam Phương Tiến Nguyễn Văn Vĩnh chia sẻ: Lũ rừng ngang gần như đã trở thành “đặc sản” của địa phương, do đó người dân phải tìm cách sống chung với lũ. Đặc biệt trong sản xuất, nên trồng các loại hoa màu ngắn hạn, với chăn nuôi (thủy sản, gia cầm), cũng nên chủ động thu hoạch sớm, theo phương châm “xanh nhà còn hơn già đồng”.
Tuyến đê Bùi 2 (đoạn chạy qua Nam Phương Tiến), có cao trình (bình quân là 6,5m). Vì vậy chỉ cần mực nước sông Bùi lên gần báo động 3, lũ sẽ tràn mặt đê. “Đợt lũ vừa rồi, xã đã phải huy động 240 người là lực lượng tại chỗ, 18 phương tiện các loại, tập kết 700m3 đất, để gia cố 1000m đê bị ngập. Ngay trong những ngày mưa lũ, xã đã chủ động thuê phương tiện vớt rác đem đi xử lý, nên lũ rút nhưng môi trường tương đối sạch"- ông Vĩnh thông tin.
Vẫn theo ông Vĩnh, cao trình đê Bùi 2 mà được nâng lên 7m, sẽ hạn chế ảnh hưởng của lũ. “Nếu cấp trên cho phép, xã có thể tự huy động nguồn vốn tại chỗ, xây thêm bức tường dày độ 20cm, cao chừng 70cm chạy dọc tuyến đê Bùi 2, được vậy mỗi khi lũ về sẽ không cần phải dùng bao đất chống tràn, vừa hiệu quả, vừa đỡ tốn kém. Cùng với đó, hệ nếu hệ thống giao thông nông thôn (chiều dài 2km), từ thôn nhân Lý đến xã Tân Tiến được nâng lên, việc đi lại của người dân trong mùa lũ sẽ được cải thiện nhiều”- ông Vĩnh cho khẳng định.