Dân Việt

Thầy giáo trẻ "mở liveshow" thơ Xuân Quỳnh trong lớp học: "Nhà thơ luôn là thần tượng của đời tôi"

Tào Nga 27/09/2022 13:00 GMT+7
"Là giáo viên dạy Văn, tôi rất thích đọc thơ Xuân Quỳnh cho học trò của mình nghe vào những giờ giải lao. Có lần tôi còn đành cả tiết học để mở hẳn một mini liveshow về thơ tình Xuân Quỳnh (như cách nói của học trò tôi)...", thầy giáo trẻ Đỗ Anh Đức kể lại.

LTS: Nữ thi sĩ Xuân Quỳnh (sinh ngày 6/10/1942 – mất ngày 29/8/1988), tên đầy đủ là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh. Bà nổi tiếng với nhiều bài thơ được nhiều người biết đến như Thuyền và biển, Sóng, Thơ tình cuối mùa thu, Tiếng gà trưa... và là một trong những nhà thơ tình lãng mạn của nền văn học Việt Nam. Các tác phẩm của bà được đưa vào trong chương trình học phổ thông và được giáo viên cùng bao lớp học sinh yêu thích. Bà từng được Nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh vì những thành tựu cho nền văn học Việt Nam.

Nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày sinh của nhà thơ Xuân Quỳnh, nhiều giáo viên trên cả nước đã chia sẻ cảm xúc về thơ Xuân Quỳnh và những tác phẩm thơ mang giá trị cuộc sống, cảm hứng cho giới trẻ...

Báo Dân Việt xin chia sẻ những dòng tâm sự của thầy giáo Đỗ Đức Anh, Tổ phó tổ Văn, Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày sinh nhà thơ Xuân Quỳnh.


"Từ căn nhà 6 mét vuông ở Hà Nội, chật như khoang thuyền nhỏ hẹp giữa dòng sông, có một nữ thi sĩ đã tạo tác nên những áng thơ tình tuyệt tác, như thế này…

Chỉ riêng điều được sống cùng nhau
Niềm sung sướng với em là lớn nhất
Trái tim nhỏ nằm trong lồng ngực
Giây phút nào tim đập chẳng vì anh
(Chỉ có sóng và em)

Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Là máu thịt, đời thường ai chẳng có
Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi

(Tự hát)

Thầy giáo trẻ Liveshow thơ Xuân Quỳnh trong lớp học: "Nhà thơ luôn là thần tượng của đời tôi" - Ảnh 2.

Nhà thơ Xuân Quỳnh. Ảnh tư liệu

Người yêu thơ mệnh danh thi sĩ đến từ quê lụa ấy là nữ hoàng thi ca tình yêu, là một bông hoa cỏ may biết hát lời tình ca, là thi sĩ của những điều dung dị đời thường nhưng thơ ấy luôn "mắc lại" thật lâu trong trái tim và tâm thức người yêu thơ. Trong một sáng thu sang, cánh chuồn yếu đuối và mỏng manh trong giông bão cùng áng mấy trắng vẫn bay về. Người đàn bà có trái tim không ranh giới, yêu và thương đến vô cùng, đã quyết định từ giã ánh đèn màu của sân khấu múa để bước sang lãnh địa màu mỡ của thi ca, gieo trên mảnh đất bị xéo nát bởi bom Mỹ khoảng một chục tập thơ, mà bài nào cũng hồn hậu, nữ tính, chân thật, đằm thắm và cả những trực cảm, lo âu. 

Đó chính là nữ thi sĩ Xuân Quỳnh – Người đã đi qua cuộc đời như ánh chớp trong một vụ tai nạn giao thông vô cùng thảm khốc của mùa hè cuối cùng năm 1988, nhưng còn kịp kể lại những truyền thuyết tuyệt đẹp về tình yêu thời hoa lửa – cũng là những bông hoa tươi màu nở giữa chiến hào bom đạn. 

Tôi gọi đó những bản tình ca chưa bao giờ lỗi nhịp. Người đàn bà đã đặt cả trái tim vào thơ để tạo tác nên những áng thơ tình tuyệt tác ấy, trước khi theo mây trắng bay về đã gây ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc với Tơ tằm – Chồi biếc (thơ, in chung, 1963), Hoa dọc chiến hào (thơ, in chung, 1968), Gió Lào, cát trắng (Thơ, 1974), Lời ru trên mặt đất (1978), Sân ga chiều em đi (thơ, 1984).

Tôi vẫn luôn nhớ đến một trái tim dung dị của làng thơ Việt Nam

XUÂN QUỲNH, CHỈ TÌNH YÊU Ở LẠI… - Ảnh 1.

Thầy Đỗ Đức Anh, Tổ phó tổ Văn, Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM. Ảnh: NVCC

Thế hệ chúng tôi lớn lên bên chiếc radio cũ kĩ, bố mẹ tôi thường mở mấy bài hát Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu. Tôi thuộc nằm lòng mấy bài hát đó. Sau này lớn lên tôi mới biết nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ từ những áng thơ của Xuân Quỳnh. 

Đến giờ, đi karaoke hay học sinh yêu cầu hát, tôi vẫn chọn nghêu ngao mấy lời đằm thắm nồng nàn trong những khúc ca ấy: "Kìa bao người yêu mới đi qua vùng heo may/Chỉ còn anh và em cùng tình yêu ở lại…". 

Như một điều vô thức, tôi yêu thơ Xuân Quỳnh từ dạo ấy, và chính thơ ấy vun đắp cho tôi tình yêu văn học để sau này làm công việc sáng tác và giảng dạy văn học. Nhớ ngày nhỏ có một cuốn sổ để chép lời bài hát, tôi tỉ mẩn nắn nót chép cả những bài thơ của Xuân Quỳnh trong ấy.

Các nhà thơ trẻ thời kì kháng chiến chống Mỹ đã làm nên một dàn đồng ca với những giọng thơ vô cùng phong phú: Phạm Tiến Duật – trẻ tung sôi nổi, Nguyễn Duy – sắc sảo, hóm hỉnh, Nguyễn Khoa Điềm – trầm tĩnh và lắng sâu. Còn Xuân Quỳnh góp vào đó một điệu thơ đằm thắm, yêu thương, dung dị. Những câu thơ của Xuân Quỳnh đọc lên đi thẳng vào trái tim và ở đó rất lâu. Thuở ấy, khi Phạm Tiến Duật còn say sưa kể chuyện Trường Sơn bom đạn, Nguyễn Khoa Điềm kể chuyện Đất Nước đánh Mỹ, thì những vần thơ tình yêu của Xuân Quỳnh lại ngời lên như những bông hoa tươi màu nở giữa chiến hào bom đạn.

Liveshow thơ Xuân Quỳnh trong lớp học

Là giáo viên dạy Văn, tôi rất thích đọc thơ Xuân Quỳnh cho học trò của mình nghe vào những giờ giải lao. Có lần tôi còn đành cả tiết học để mở hẳn một mini liveshow về thơ tình Xuân Quỳnh (như cách nói của học trò tôi). Ở đó, thầy trò chúng tôi đọc thơ trên nhạc nền. Cùng ôn lại những bài thơ đã được học trong chương trình phổ thông như Sóng, Tiếng gà trưa, Chuyện cổ tích về loài người,… và cả Hoa cỏ may, Tự hát, Nói cùng anh,... Với sự sáng tạo và cả sự trân trọng, các bạn trẻ bây giờ còn làm cho Sóng của Xuân Quỳnh mang hơi thở thời đại của thế hệ Gen Z khi biến thi phẩm thành bản rap hay bài hát khá thú vị.

XUÂN QUỲNH, CHỈ TÌNH YÊU Ở LẠI… - Ảnh 2.

Thầy Đức Anh và học sinh. ảnh: NVCC

Tôi tin rằng tâm hồn của các cô cậu học trò 17 tuổi sẽ dịu dàng hơn khi đọc những vần thơ như thế này "Gia tài em chỉ có bàn tay/Em trao tặng cho anh từ ngày ấy/…/ Bàn tay em, gia tài bé nhỏ/ Em trao anh cùng với cuộc đời em". Học trò tôi thích thơ của Xuân Quỳnh vì chan chứa tình cảm với những cung bậc khác nhau. Những bài thơ khi hạnh phúc đắm say, lúc đau khổ, suy tư vì được viết với sự đằm thắm của một người phụ nữ vừa làm thơ, vừa làm vợ và làm mẹ.

Rất ngưỡng mộ tình yêu của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ

Bạn biết đấy, khi thấy đời mình khô cằn quá, hãy pha một ly trà ấm, bật một bóng đèn vàng, mở một khúc nhạc nhẹ, và đọc thơ Xuân Quỳnh, bạn sẽ lại thấy đời này chỉ toàn là yêu thương

Bạn biết đấy, khi thấy đời mình khô cằn quá, hãy pha một ly trà ấm, bật một bóng đèn vàng, mở một khúc nhạc nhẹ, và đọc thơ Xuân Quỳnh, bạn sẽ lại thấy đời này chỉ toàn là yêu thương.

Thầy giáo Đỗ Anh Đức


Một hôm nào đấy, tôi ngồi bên cửa sổ nhìn cây tuyết tùng đang đâm chồi và lướt mạng xã hội, chợt thấy học trò mình chia sẻ với nhau những bức thư đẹp như ngôn tình của Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh. Tôi ngồi đọc những nhịp đập yêu thương nóng hổi trong từng dòng chữ của thời "ông bà anh". Tôi chợt nghĩ uớc mơ cả đời người có khi chỉ là nhận được một lá thư tình ấm áp trong từng câu chữ như thế.

Chỉ tiếc là, đau thương ập đến với số kiếp bất hạnh của người nghệ sĩ tài hoa vào mùa hè cuối cùng của năm 1988. Những tưởng Xuân Quỳnh sẽ sống một cuộc đời rực rỡ và cống hiến hết mình cho văn học bằng tài năng xuất chúng, nhưng hình như trời cao không thương người tài, thượng đế để cô rời xa nhân gian trong một tai nạn tang thương cùng chồng và con của mình. Sự ra đi của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ là một mất mát đầy đau đớn đối với bạn bè thân hữu nói riêng và đất nước nói chung, tình yêu của cả hai cùng chôn lại nơi đất sâu, còn tài năng lại nở hoa ngát hương trong lòng độc giả muôn đời.

Xuân Quỳnh luôn là thần tượng đời tôi

Tôi luôn nghĩ trời cử thi sĩ ấy xuống trần gian để sống cho người khác, như người trồng cây, cây đơm hoa kết trái thì trời gọi cô về, để lại cho đời hoa thơm và trái ngọt. Xuân Quỳnh đã ra đi như "con ong xanh" bay về miền thanh thản của cõi hư vô, "bông cúc nhỏ" cánh đã rũ rụng, thôi không còn "màu hoa vàng" cháy rực trong đêm..., nhưng Xuân Quỳnh đã kịp để lại giữa đời những "cành" thơ tươi xanh. Và cành thơ ấy sẽ mãi mãi tươi nguyên qua nhiều năm tháng vì nó được bắt rễ và mọc lên từ một tâm hồn nhân hậu, vị tha và đau đáu với đời. 

XUÂN QUỲNH, CHỈ TÌNH YÊU Ở LẠI… - Ảnh 3.

Lớp học của thầy Đỗ Đức Anh. Ảnh: NVCC

Đời thơ của Xuân Quỳnh đã dệt trên dải lụa văn học nước nhà một đường chỉ tinh tế, phần tâm hồn mà cô gửi lại qua mỗi vần thơ sẽ còn ở đấy và sống mãi với tháng năm. Xuân Quỳnh là một cái tên, một cuộc đời và một tài năng bất hủ với thời gian. Tuổi của Xuân Quỳnh dừng mãi ở độ tứ tuần ấy nhưng những tuyệt phẩm thi ca của cô vẫn ở lại và sẽ luôn sống mãnh liệt bên trong trái tim mỗi độc giả, đập cùng nhịp đập với thời gian".