Theo tờ Financial Times, chuyên gia đầu tư tài sản đá phiến Wil VanLoh thuộc công ty Quantum Energy Partners (Mỹ) nhận định: “Dường như Mỹ không thể cung cấp thêm nhiều nữa. Sản lượng của chúng tôi chỉ có thế”.
Theo ông VanLoh, các nhà sản xuất Mỹ không thể giải cứu châu Âu, cả về mặt dầu mỏ lẫn mặt khí đốt.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ phải chuẩn bị cho kịch bản thiếu nguồn cung 2,4 triệu thùng/ngày khi lệnh cấm vận dầu Nga của EU bắt đầu. IEA cho biết 1 triệu thùng sản phẩm/ngày và 1,4 triệu thùng dầu thô/ngày sẽ phải tìm điểm đến mới, có thể khiến xuất khẩu và sản xuất dầu của Nga giảm sâu hơn.
Dự báo hiện tại về tăng trưởng sản lượng dầu thô của Mỹ có thể phải được điều chỉnh lại đáng kể do tình trạng sụt giảm gần đây tại các giàn khoan đang hoạt động ở khu vực sản xuất dầu đá phiến hàng đầu là Permian. Điều này cho thấy sản lượng có thể gây thất vọng do những hạn chế của chuỗi cung ứng và lạm phát ở mức hai con số.
Số lượng giàn khoan ở lưu vực Permian đã giảm 2 xuống còn 340 trong tuần trước. Tổng số giàn khoan đang hoạt động ở Mỹ giảm 1 giàn.
Đồng thời, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết trong Báo cáo Năng suất Khoan mới nhất trong tuần này rằng sản lượng dầu thô ở Permian sẽ đạt mức cao kỷ lục trong tháng tới, bổ sung thêm 66.000 thùng/ngày so với tháng 9, đạt 5,413 triệu thùng/ngày vào tháng 10.
Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều lạc quan như vậy. Giám đốc điều hành Pioneer Natural Resources, ông Scott Sheffield, cho biết tăng trưởng sản lượng dầu của Mỹ có thể sẽ gây thất vọng trong cả năm nay và năm tới.
Châu Âu đang phải vất vả do ngày càng thiếu năng lượng và đang cố gắng đảm bảo các nguồn cung cấp mới trong khi từ bỏ năng lượng Nga. Các nhà phân tích lo ngại rằng lệnh cấm vận sắp tới của EU đối với dầu Nga sẽ đẩy giá dầu lên mức cao kỷ lục mới.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, doanh số bán dầu từ Nga có thể giảm gần 20% khi lệnh cấm vận của EU có hiệu lực. Đây là số lượng lớn mà thị trường toàn cầu mất đi khi cấm dầu của Nga - một trong những nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới. Trong vài tháng qua, châu Âu đã tăng cường mua dầu và khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ, nhưng theo các nhà điều hành ngành công nghiệp đá phiến, họ không còn nhiều hơn để mua.