Theo Quyết định số 919 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025 (One Commune One Product - gọi tắt là Chương trình OCOP), nhóm sinh vật cảnh gồm hoa, cây cảnh, động vật cảnh là 1 trong 6 nhóm sản phẩm tham gia vào Chương trình OCOP. Đây là nhóm sản phẩm mới được bổ sung so với Đề án Chương trình OCOP trước đó của Chính phủ.
Tại Hội nghị triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 diễn ra hôm 9/9, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cũng cho biết, nhóm sinh vật cảnh gồm hoa, cây cảnh và động vật cảnh là nhóm sản phẩm tham gia vào Chương trình OCOP mới được bổ sung.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, đây là nhóm sản phẩm đang nằm trong kế hoạch tập trung phát triển của nhiều địa phương. Việc bổ sung nhóm sinh vật cảnh vào Chương trình OCOP sẽ tạo điều kiện cho các tỉnh thành, trong đó có TP.HCM phát huy được lợi thế của mình.
Tại TP.HCM, đại diện Chi cục Phát triển Nông thôn TP.HCM (thuộc Sở NNPTNT TP.HCM) cũng cho biết Văn phòng Điều phối Nông thôn mới TP.HCM đã tham mưu cho UBND TP.HCM về việc xây dựng tiêu chí OCOP cho sản phẩm hoa, cây kiểng và cá cảnh.
Theo đánh giá của bà Hoàng Thị Mai - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn TP.HCM, sản phẩm hoa, cây kiểng, cá cảnh là những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TP.HCM và đã được xác định là nhóm sản phẩm tiềm năng cho Chương trình OCOP. Các sản phẩm hoa, cây kiểng và cá cảnh tại TP.HCM có giá trị kinh tế cao và phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp đô thị.
Theo thống kê của Sở NNPTNT, ước tính năm 2020, diện tích hoa, cây kiểng trên địa bàn thành phố khoảng 2.510 hecta, trong đó, chiểm tỷ lệ lớn nhất là hoa mai 680 hecta, hoa lan 375 hecta, hoa nền 865 hecta, kiểng bon sai 590 hecta.
Bình quân giai đoạn 2016 - 2020, diện tích hoa, cây kiểng tăng trung bình 3,6% mỗi năm năm; trong đó, hoa mai tăng 5,5%/năm, hoa lan tăng 3,9%/năm, hoa nền tăng 3,2%/năm và kiểng, bon sai tăng 2,2%/năm.
Về cá cảnh, cá cảnh được nuôi nhiều tại huyện Củ Chi và huyện Bình Chánh. Hiện trên địa bàn thành phố có 1 hợp tác xã và 4 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nuôi cá cảnh. Sản phẩm cá cảnh tại TP.HCM hiện có thị trường tiêu thụ lớn, kể cả xuất khẩu.
Trong năm 2020, lượng cá cảnh xuất khẩu đạt 16,41 triệu con, kim ngạch xuất khẩu 17,26 triệu USD, tăng 25,7% so cùng kỳ. Bình quân giai đoạn 2016 - 2020, lượng cá cảnh xuất khẩu tăng 3,8%/năm, kim ngạch xuất khẩu tăng 7,2%/năm. Thị trường xuất khẩu cả cảnh chủ yếu của các hợp tác xã, tổ hợp tác tại TP.HCM hiện nay là châu Âu (chiếm 54,09%), châu Á (chiếm 29,18%) và châu Mỹ (chiếm 14,34%).
Sản phẩm hoa, cây kiểng và cá kiểng tại TP.HCM được xác định là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TP.HCM, vì chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của TP và có xu hướng phát triển ổn định. Hai nhóm sản phẩm phù hợp với điều kiện sinh thái, truyền thống và kinh nghiệm sản xuất trên địa bàn và có khả năng cạnh tranh phát triển.
Hoa và cá kiểng có khả năng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, tạo sản phẩm đạt năng suất. Về các tiêu chí thị trường, hai nhóm này đều có tiềm năng mở rộng thị trường, không chỉ tại thành phố mà còn đi các tỉnh, xuất khẩu; có thị trường tiêu thụ tương đối ổn định; cho lợi nhuận, giá trị kinh tế cao.