Bà Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, công tác kiểm soát chất lượng nước được HCDC thực hiện định kỳ từ năm 2005 và hàng tháng đều lấy mẫu giám sát nước sinh hoạt của người dân gồm nước sinh hoạt trên mạng lưới nước do Sawaco (Tổng công ty cấp nước Sài Gòn) cấp và nước sinh hoạt do các hộ dân tự khai thác.
Việc giám sát được thực hiện 2 mẫu mỗi tháng đối với tất cả các quận huyện và TP.Thủ Đức. Tiêu chuẩn xét nghiệm được áp dụng theo Tiêu chuẩn kỹ thuật Quốc gia. Kết quả giám sát chất lượng nước đều được Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thống kê hàng tháng.
Theo bà Nga, trong năm 2021, tổng số mẫu nước sinh hoạt từ nước giếng khoan được lấy là 160 mẫu. Kết quả cho thấy có đến 98% mẫu xét nghiệm đều không đạt chỉ tiêu pH, Clo dư. Đây là 2 chỉ tiêu cơ bản đánh giá về hóa đối với nước sinh hoạt. Đối với vi sinh có khoảng 15% số mẫu không đạt.
Riêng 6 tháng đầu năm 2022, qua việc lấy 22 mẫu nước giếng sinh hoạt giám sát thì có đến 100% mẫu đều không đạt chỉ tiêu về pH và Clo dư; 15,8 % mẫu không đạt chỉ tiêu về vi sinh.
"Tỷ lệ nước giếng khoan không đạt chỉ tiêu về hóa lý sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người sử dụng. Đặc biệt chỉ số Clo dư không đạt sẽ để lại hậu quả trước mắt là những bệnh về đường ruột. Đây là vấn đề mà người dân cần biết để thay dần thói quen sử dụng nước giếng khoan làm nước sinh hoạt", bà Nga nói.
Theo ông Trần Nguyên Hiền, Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM, sở đã phối hợp với UBND các quận huyện, TP.Thủ Đức cùng với Sawaco, Công ty cổ phần hạ tầng nước Sài Gòn, các công ty kinh doanh nước sạch trên địa bàn thành phố khảo sát từng khu vực để lắp đặt đồng hồ nước sạch cho người dân sử dụng. Đồng thời đẩy nhanh công tác phát triển mạng lưới cấp nước, đảm bảo áp lực và chất lượng nước sạch nhằm khuyến khích người dân sử dụng nước thủy cục thay cho nước giếng.