Thống kê mới nhất từ ngành cấp nước cho thấy, số đồng hồ nước sử dụng nước dưới định mức 4m3 còn chiếm tỷ lệ rất cao. Điển hình tại quận 12 có hơn 15.000 đồng hồ nước hiển thị 0m3 và có hơn 21.000 đồng hồ nước sử dụng từ 1 – 4m3 nước. Ở huyện Hóc Môn, số đồng hồ nước hiển thị 0m3 cũng gần 20.000 cái, đồng hồ nước sử dụng 1 - 4m3 hơn 31.000 cái. Các quận Bình Tân, Gò Vấp, Tân Phú, huyện Bình Chánh, Nhà Bè... cũng có hàng chục ngàn đồng hồ nước sử dụng dưới định mức hoặc bỏ không.
Người dân thành phố trữ nước sạch trong mùa khô. ảnh: Nguyễn Hữu
Chị Thanh Kiều (ngụ đường Quách Điêu, xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh) cho biết: “Trước giờ nhà tôi vẫn dùng nước giếng để tắm giặt vì nước giếng vẫn còn sạch, không tốn tiền, dùng riết rồi quen. Nước máy chỉ dùng nấu ăn, uống chứ dùng để tắm giặt nữa thì chịu tiền không nổi”. Tương tự, nhiều công nhân trong các dãy nhà trọ thuộc quận Bình Tân cũng cho biết vẫn đang sử dụng nước giếng khoan, mặc dù một số khu vực nước giếng khoan không còn đảm bảo, qua bể lọc mới dùng được nhưng họ vẫn chấp nhận để tiết kiệm chi phí.
Theo Phó Giám đốc Sở TNMT TP.HCM Nguyễn Thị Thanh Mỹ, nếu tình trạng khai thác nước ngầm tràn lan, thiếu hợp lý không được kiểm soát thì sẽ gây ra nhiều hệ lụy như ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, sụt lún, ngập… Trong khi theo Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), hiện lượng nước máy cấp đến các hộ dân của thành phố đạt hơn 1,8 triệu m³/ngày đêm, dư khoảng 500.000m³ so với nhu cầu của người dân nhưng nhiều người vẫn dùng nước giếng.
Để kiểm soát tình trạng sử dụng nước giếng khoan trên địa bàn, mới đây UBND TP.HCM đã đưa ra kế hoạch giảm lưu lượng khai thác nước ngầm xuống, từ hơn 700.000m3/ngày đêm còn 100.000m3/ngày đêm từ nay đến năm 2025. Đến cuối năm 2018, thành phố phấn đấu giảm 1/3 lưu lượng nước ngầm khai thác xuống còn 487.000m3/ngày đêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.