Chiều 16/9, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đồng Tháp đã ra quyết định tạm giữ hình sự Vương Thanh Lộc (tên thường gọi là Tài, 50 tuổi, ngụ phường Mỹ Phú, TP Cao Lãnh) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo kết quả điều tra, khoảng tháng 3/2022, Lộc nhiều lần liên hệ với ông P.H.L (ngụ An Giang) và tự xưng là lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp rồi than vãn hoàn cảnh gia đình khó khăn, đề nghị ông L. giúp đỡ.
Tin lời, ông L. chuyển cho Lộc 19 lần với tổng số tiền 707 triệu đồng. Qua tiếp nhận tin báo, Công an tỉnh Đồng Tháp khẩn trương xác minh, điều tra vụ việc.
Qua quá trình điều tra, Lộc nhiều lần quanh co, chối tội về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, với những chứng cứ, tài liệu thu thập, Công an tỉnh Đồng Tháp đã chứng minh toàn bộ hành vi lừa đảo của Lộc.
Ngày 16/9, tại ấp 3, xã Mỹ Trà, TP Cao Lãnh, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đồng Tháp tiến hành khám xét khẩn cấp nơi tạm trú của Lộc. Qua đó, tạm giữ số tiền 293,5 triệu đồng để điều tra làm rõ.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" mà Vương Thanh Lộc đang bị điều tra được quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015.
Trong khi đó, khoản 4 Điều 174 quy định, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 500 triệu đồng trở lên sẽ bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Như vậy, với số tiền lừa đảo chiếm đoạt hơn 700 triệu đồng theo thông tin ban đầu, nếu bị chứng minh có tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Lộc có thể sẽ bị xử lý theo khoản 4 Điều 174 và có thể đối mặt với khung hình phạt nêu trên.
Theo luật sư Hòe, lừa đảo chiếm đoạt tài sản được hiểu là hành vi dùng thủ đoạn gian dối làm cho chủ sở hữu, người quản lý tài sản tin nhầm giao tài sản cho người phạm tội để chiếm đoạt tài sản đó.
Dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả, không đúng sự thật nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội.
Việc đưa ra thông tin giả có thể bằng nhiều cách khác nhau như bằng lời nói, bằng chữ viết (viết thư), bằng hành động và bằng nhiều hình thức khác như giả vờ vay, mượn, thuê để chiếm đoạt tài sản.
Vị luật sư cho biết, về mặt ý chí của người phạm tội lừa đảo bao giờ cũng nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản trước khi thực hiện hành vi lừa đảo, đây là điểm phân biệt giữa tội lừa đảo và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Vì trong một số trường hợp phạm tội làm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, bao giờ ý định chiếm đoạt tài sản cũng phát sinh sau khi nhận tài sản thông qua một hình thức giao dịch nhất định.
Đặc biệt, đối với tội lừa đảo, tội phạm thực hiện với lỗi cố ý. Thời điểm hoàn thành tội phạm được xác định từ lúc người phạm tội đã chiếm giữ được tài sản của người khác sau khi đã dùng thủ đoạn gian dối.