Cái đặc biệt đầu tiên là cát. Cát và cát và tiếp tục là… cát. Tất nhiên, cát nhiều nơi cũng như thế. Cũng nổng, cũng trảng, cũng bãi, cũng ụ, cũng mênh mông với trắng phau, vàng rực rồi gió rồi bão cát cuốn vô, táp vô. Tóm lại vô vàn cái sự kinh hoàng trong cát và do cát gây ra nhưng rồi con người sống trên cát thì mỗi nơi mỗi khác.
Mỗi lần về là một lần được chứng kiến cảnh đất và người quê anh đổi khác. Anh bảo tôi, anh sẽ cùng anh chị em tuổi trẻ quê hương làm một dự án xây khu bảo tồn mang tên "Vườn Mẹ". Bởi chúng ta không thể nào lãng quên những câu chuyện thời chiến tranh kéo dài nhiều chục năm và cả hàng chục năm sau năm 1975, đất nước quê hương phải trăn trở tự mình vượt qua đói nghèo, vượt qua sự cam chịu, hậu họa của cuộc chiến lâu dài và khốc liệt. Đói nghèo và lạc hậu cũng là một loại giặc, một loại dịch bệnh.
Người dân các tỉnh miền Trung sau chiến tranh lại phải lên đường tự cứu mình. Bà con xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam di dời lên miền tây của tỉnh, thậm chí lên các tỉnh Tây Nguyên thành lập các khu kinh tế mới vùng rừng chiến khu cũ là một giải pháp. Không đúng như một số người thấy cát mênh mông như vậy thì bảo rằng, dân chúng tôi chạy cát! Dân chúng tôi bao đời sống trên cát, chết trong cát, được mất gì cũng là chung với cát buồn vui sướng khổ đều có cát, có dân, nay di dời tìm giải pháp ban đầu xóa đói giảm nghèo và đã thành công cho mình cuộc sống ổn định. Cũng do cát "bảo trì" nơi quê cha đất mẹ, sao lại nói "chạy cát" tức cười vậy! Câu chuyện người ba làng của ba dân tộc Kinh, BahNar và Jrai bên hồ Đắk Xút là một câu chuyện huyền thoại đời nay đó.
Chuyện của cô giáo Hiền kể về hành trình gian nan của ba má cô từ một đội viên đội du kích Bình Dương, hai người yêu nhau, lấy nhau trong đạn bom, nuôi con thơ, tức là bé Hiền trong mưa bom, bão đạn mà lớn lên trong vòng tay của bà con, cô bác là có thật… Không phải ngẫu nhiên mà dân Bình Dương ta, vùng căn cứ lõm, tức là người dân sống trong vùng địch, bám trụ lâu dài và hoạt động sâu trong lòng chúng, tạo nên thế mạnh ba mũi giáp công với cây dương đứng giữa ba bề bốn bên cát. Vậy mà có tổ chim sáo sống trên đó, như là tín hiệu của sự sống mà dân quê tôi gọi là cây dương thần. Đúng là một cây dương thần bởi chính từ nơi đây đã tạo nên một điểm tựa tinh thần báo hiệu sự sống kiên cường bất khuất.
Xã Bình Dương ba lần được Nhà nước tuyên dương Anh hùng không lẽ phải chịu bó tay trước bất kỳ một sự thử thách mới nào! Một vùng cát bỏng và con người đầy khắc khổ nhưng luôn năng động làm nên những truyền thống của mình qua bao đau thương mất mát và đã ghi dấu ấn vào lòng người dân cả nước với tình yêu thương, ngưỡng mộ. Người Bình Dương thời nay dù gặp nhiều khó khăn nhưng cũng bằng mọi cách đưa được các trí thức trẻ đến bốn phương trời Á, Âu, Phi, Mỹ để được học đủ các ngành khoa học kỹ thuật. Tất nhiên, từ đó với vốn tri thức mới sẽ vươn lên bằng sức mạnh tổng hợp.
Hôm nay, đứng trước sự vươn mình của quê hương anh Phan Đức Nhạn tự nhận lấy trách nhiệm của mình và đã nêu một ý tưởng hay, nhanh chóng được nhân dân đồng tâm ủng hộ. Công việc bắt đầu là tạo một không gian mới, với môi trường giàu bản sắc văn hóa bản địa cộng với những định hướng rộng mở, quyết giữ gìn bản sắc văn hóa lịch sử, đó là bắt tay thực hiện khu "Vườn Mẹ".
Vâng! "Vườn Mẹ" là một dự án sẽ làm nên biểu tượng mới, một sự tri ân với đồng bào mình, với các bậc anh hùng tiền bối, một cuộc thức tỉnh sau các khó khăn, trở mình của con cháu. "Vườn Mẹ" thực sự là một ngôi vườn di sản mang trong mình cả khó khăn ác liệt lẫn những cuộc đấu tranh trỗi dậy khốc liệt của các thế hệ. Nơi đây như một kho lưu trữ, một bảo tàng sống, mát xanh, hiền hòa với tên gọi thiêng liêng của thế hệ trẻ xã Binh Dương hôm nay, để lại cho muôm đời con cháu chúng ta trên xứ sở này.
Bình Dương vùng rừng cát bỏng. Bình Dương có cây dương thần, có "Căn cứ lõm" mà không hề lõm. Cái tên "Vườn Mẹ" vừa giản dị, gần gũi biết bao! Nó sẽ mãi mãi là niềm vui, niềm tự hào mới của bà con ta mọi thời đại.
Vậy đó, lần nào có việc về Quảng Nam – Đà Nẵng, trước khi đi tôi cũng lần giở đọc lại cuốn "Nhật ký chiến tranh" của nhà văn Chu Cẩm Phong. Đó là một cuốn sách không chỉ là cuốn nhật ký chiến tranh của một người viết về thời kỳ khốc liệt nhất của đất Quảng mà còn là "cẩm nang" cho tôi tìm hiểu tính cách con người xứ Quảng, nơi có câu ca chẳng mấy ai không nhớ: "Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm/ Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say…"
Cũng trong dịp mùng 2 tháng 9 năm ngoái, tôi đọc thiên ký sự "cát cháy" của nhà văn Nguyên Ngọc viết về xã Bình Dương, thực sự tôi tự cảm thấy mình bé nhỏ, kém cỏi trước ngòi bút của tác giả, trước người dân xã Bình Dương với cây dương thần, với các anh chị dân quân du kích mười lần. Nguyên Ngọc không một chút nào có ý định làm văn chương, không một ý định "ca ngợi" bất kỳ một chiến sĩ du kích hay người dân thường, một đồng chí Bí thư xã, cô đội trưởng đội phó hay anh du kích nào! Ông xưa nay viết cái gì cũng hoàn toàn xuất phát từ sự đòi hỏi bức thiết của lòng mình trước hiện thực. Người dân vùng "căn cứ lõm" Bầu Bính, Bình Dương như được tái hiện ngay trước mắt ta, ngay bây giờ mà không hề có chút "cảm tình cá nhân" nào.
Tôi quen anh Phan Đức Nhạn, người lập dự án "Vườn Mẹ" qua nhà văn Thái Bá Lợi nhưng hiểu về anh lại qua đọc nhật ký chiến tranh của nhà văn Chu Cẩm Phong. Và sau đó đọc tập bút ký "Còn lại với thời gian" của nhiều tác giả viết về quê hương Phan Đức Nhạn. Trong mỗi con người chúng ta, ai cũng ẩn chứa nhiều con người khác với một môi trường khác nhau. Cũng như Nguyên Ngọc, Chu Cẩm Phong, các anh gặp Phan Đức Nhạn hồi 15 tuổi, đúng cái hồi tôi gặp nhóm các em thiếu niên Quảng Nam được đưa ra Bắc học văn hóa giữa thời chiến tranh ác liệt nhất ở đây (1968).
Cũng có thể lắm, cái chú bé mặc bộ bà ba đen, đứng kể cho chúng tôi nghe chuyện mấy em xúm vào bọn lính Mỹ, đứa trèo lên cổ, đứa bỏ cát vào lưng, đứa tung cát lên đầu… để rồi có một đứa "lủm" một hai trái lựu đạn đem ra cho du kích. Chú bé có đôi mắt rất sáng, dáng đi nhanh nhẹn ấy đối với chúng tôi lúc ấy như là một thần tượng. Tôi và đồng đội mới vô tới vùng phía sau của đất thép "boong ke" Quảng Nam nổi tiếng với danh nghĩa "Trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ".
Cũng có thể lắm, chú bé đang kể chuyện đánh Mỹ theo kiểu các em kia chính là Phan Đức Nhạn bây giờ. Có thể nói thêm, nếu không phải là anh Nhạn này thì cũng đã có hàng chục, hàng trăm chú bé Phan Đức Nhạn khác. Và nếu quả thật có sự tình cờ ngẫu nhiên ấy thì cũng không hề lạ lẫm, trên dưới sáu mươi năm, Phan Đức Nhạn, một thiếu nhi được nhà văn Chu Cẩm Phong biết và ghi chép rất kỹ tại quê hương mình trong nhật ký của anh. Chu Cẩm Phong đã ghi lại: "… Trong nhà chỉ có Nhạn là con trai, nên tuy còn nhỏ tuổi cũng đã tỏ ra là người đàn ông trong gia đình… rất ham học, cứ mơ ước học đến đại học. Cậu ta hỏi mình: "Em không biết ra sao – Người học lớp 4 có người lớp 7 dạy. Người học lớp 7 có người lớp 10 dạy, người học lớp 10, có người đại học dạy, người dạy đại học là ai mà giỏi rứa. Ước chi…"
Suốt quãng thời gian niên thiếu sống và chiến đấu đến 15 tuổi, chú bé Phan Đức Nhạn giáp trận với giặc Mỹ bao nhiêu lần? Cả tuổi niên thiếu chịu đựng bốn cái tang lớn: anh trai, mẹ và hai chị gái cùng sự mất mát không biết bao nhiêu đồng đội, bạn bè. Nói chiến tranh tàn bạo có lẽ vẫn chưa đủ đối với một cậu bé thiếu niên phải sống, phải tự vượt qua tất cả những mất mát khủng khiếp như vậy! Tôi quen biết và thân với anh Nhạn từ năm anh còn công tác trong Sài Gòn, được anh Thái Bá Lợi giới thiệu.
Mới đầu, chúng tôi cũng chỉ vui vẻ cụng li với nhau qua các cuộc "chén chú chén anh". Cho đến khi đọc và làm bản thảo cuốn "nhật ký chiến tranh" của nhà văn anh hùng liệt sĩ Chu Cẩm Phong, được các ông anh, các nhà văn Bùi Minh Quốc, Thanh Quế, Ngô Thế Oanh và Thái Bá Lợi kể thêm, nói thêm, tôi mới nhận ra sự mất mát do chiến tranh không những không làm yếu mòn phẩm chất kiên cường của người con xứ Quảng Phan Đức Nhạn mà nó chính là động lực khiến anh đã vượt qua không biết bao nhiêu cái khó, cái khổ, cái vất vả của thời đang chiến tranh phá hoại của không quân Hoa Kỳ ở miền Bắc Việt Nam. Nhạn phải đi học xa quê hương, xa nhà. Ra Bắc anh gặp ba là cán bộ bí thư huyện ủy tập kết. Anh tuy nhỏ nhưng máu ham học lúc nào cũng thường trực …
Có lẽ cái gian truân ác liệt của thời chiến đã trui rèn cho ý chí vượt qua mọi chướng ngại để trưởng thành. Một Phan Đức Nhạn hoàn toàn khác thời ôm súng mà bấy giờ anh tự mình trở lại với một chàng trai xứ Quảng lanh lợi, sắc sảo kiên định, đi đến đâu cũng là đi đến cùng, làm việc gì cũng làm rốt ráo. Hóm hỉnh, vui tươi hòa đồng nhưng không dễ dãi xuề xòa.
Sau chiến tranh anh về quê học tiếp, đó là ý nguyện của anh. Vào Đại học, học tiếp. Ra trường làm việc như một cán bộ vừa làm vừa học. Là một Giám đốc công ty, một doanh nhân thành đạt và đã có nhiều bài báo, nhiều sách viết về anh chân thực. Rồi đến khi anh chuyển lên làm Giám đốc sở Giao Thông vận tải cũng có quá nhiều bài viết sinh động. Chân dung một Phan Đức Nhạn năng động, quyết liệt và đầy sáng tạo. Anh kể cho tôi nghe chi tiết cụ thể dự án làm khu bảo tồn văn hóa lịch sử du lịch "Vườn Mẹ" ở xã Bình Dương với niềm đam mê khiến tôi nhận ra anh, một Phan Đức Nhạn mới…
Tố chất người Bình Dương đã làm nên Phan Đức Nhạn.
Đà Nẵng – Hà Nội tháng 9 năm 2022.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.