Mỹ cùng các đồng minh NATO và Liên minh châu Âu (EU) đã đáp trả hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine bằng cách áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế chưa từng có đối với nền kinh tế của nước này. Nga đã trở thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới trong vòng hai tuần sau khi chiến dịch quân sự bắt đầu.
Sau liên tiếp các vòng trừng phạt, cấm vận năng lượng và cấm vận từ hệ thống ngân hàng SWIFT, Moscow đang thu về lợi nhuận kỷ lục từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch, đồng rúp tăng giá mạnh so với đồng USD, trong khi tỷ lệ lạm phát của Nga đã giảm.
Một quan chức Mỹ giấu tên nói với CNN: "Chúng tôi từng kỳ vọng rằng các lệnh trừng phạt sẽ phá hủy hoàn toàn nền kinh tế Nga. Tuy nhiên điều này dường như vẫn chưa thành công".
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng bày tỏ quan điểm tương tự trong một cuộc họp kinh tế đầu tuần này, tuyên bố rằng "chiến lược kinh tế chớp nhoáng" của phương Tây đã thất bại.
Bất chấp thất bại, các quan chức Mỹ nói với CNN rằng họ kỳ vọng sẽ chứng kiến nền kinh tế Nga chững lại vào giữa năm 2023. Các quan chức lưu ý Moscow sẽ thiếu hụt nguyên liệu thô và linh kiện nước ngoài vào thời điểm đó, với ý kiến cho rằng Mỹ "luôn coi đây là một trò chơi dài hạn".
Châu Âu đã phải gánh chịu thiệt hại kinh tế lớn do các lệnh trừng phạt của chính họ đối với Nga. Giá nhiên liệu tăng chóng mặt trên khắp châu lục, lạm phát ở EU đang ở mức cao nhất trong lịch sử và ngay cả Đức, cường quốc công nghiệp hàng đầu của khối, có nguy cơ "phi công nghiệp hóa" do hậu quả của cuộc khủng hoảng năng lượng.
Giống như các đối tác Mỹ, các quan chức châu Âu khẳng định rằng trong một thời gian đủ dài, các biện pháp trừng phạt của họ sẽ ảnh hưởng đến Nga. Phát biểu trước Nghị viện Châu Âu vào đầu tuần này, Đại diện Cấp cao về Đối ngoại của EU Josep Borrell cảnh báo rằng các biện pháp trừng phạt "có thể không có tác động ngay lập tức, nhưng rồi chúng sẽ có hiệu quả".