Dân Việt

Cây sắn giúp người dân vùng thấp Lai Châu nâng cao thu nhập

Thanh Ngân-Phạm Hoài 20/09/2022 05:53 GMT+7
Những năm gần đây, việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng của người dân xã Pa Khóa, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Một trong những mô hình giúp người dân có nguồn thu nhập cao và ổn định là trồng sắn.

Cây sắn giúp người dân vùng thấp Lai Châu nâng cao thu nhập

Cây sắn - Hướng đi mới giúp người dân Pa Khóa nâng cao thu nhập

Pa Khóa là xã tái định cư vùng thấp của huyện Sìn Hồ (Lai Châu), xã có 5 bản, tổng diện tích đất dành cho nông nghiệp khoảng hơn 410ha. Bên cạnh một số loại cây chủ lực của địa phương như: lúa mùa, ngô xuân hè,  chuối...Những năm gần đây, người dân xã Pa Khóa đã chủ động chuyển diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây sắn.

Hiện nay, cây sắn đang cho thấy sự thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên tại nhiều bản của xã Pa Khóa, trong đó có bản Hồng Quảng và Phiêng Én... Người dân trong bản đã trồng sắn với diện tích trên 100ha, mang lại hiệu quả cao về giá trị kinh tế, môi trường sinh thái, mở ra hướng đi mới bền vững cho hơn 200 hộ dân trên địa bàn.

Nhờ trồng thứ cây lương thực này mà người dân vùng thấp Lai Châu thoát nghèo - Ảnh 2.

Cây sắn phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại xã Pa Khóa. (Ảnh: Phạm Hoài)

Trao đổi với phóng viên Báo Dân Việt điện tử (PV), anh Phàn A Hạc, bản Hồng Quảng 1, xã Pa Khóa (Sìn Hồ, Lai Châu) chia sẻ: Cách đây 3 năm, nhận thấy bà con tại các xã lân cận như: Nậm Cha, Nậm Tăm... trồng sắn có hiệu quả kinh tế cao. Tôi đã mạnh dạn đầu tư mua giống sắn, trồng thử trên 5 sào đất nương của gia đình. Năm đầu tiên, gia đình tôi thu được 10 triệu đồng từ việc bán sắn. Đến năm thứ 2, gia đình tôi trồng 1ha sắn, thu nhập cũng được 30-40 triệu đồng. Nhận thấy, cây sắn mang hiệu quả kinh tế cao, gia đình tôi nhân rộng diện tích trồng sắn lên 1,5ha. Năm nay, thu nhập từ cây sắn cũng được 50-60 triệu đồng.

Nhờ trồng thứ cây lương thực này mà người dân vùng thấp Lai Châu thoát nghèo - Ảnh 3.

Hiện nay, gia đình anh Phàn A Hạc đang trồng 1,5ha sắn. (Ảnh: Phạm Hoài)

Cây sắn phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng địa phương dễ trồng, không tốn công chăm sóc, đầu ra được đảm bảo nhờ có nhà máy chế biến sắn gần địa bàn, thương lái tìm đến tận vườn đặt cọc thu mua nên người dân yên tâm sản xuất. Giá sắn giao động từ 1.500 – 2.000 nghìn /kg, 1 ha sắn có sản lượng trên 30 tấn. Vụ sắn vừa qua mỗi hộ trồng sắn trên địa bàn có thu nhập bình quân 50 triệu đồng, đây là nguồn thu nhập lớn so với trồng các loại cây trồng khác.

Trò chuyện với PV, anh Lý A Mộng, bản Hồng Quảng 1, xã Pa Khóa (Sìn Hồ, Lai Châu), cho biết: Gia đình tôi trồng sắn được 3 năm nay. Hiện tại, gia đình tôi trồng 3ha sắn. Vụ sắn vừa qua gia đình tôi thu hoạch được 30-40 tấn/ha. Từ việc trồng sắn mỗi năm gia đình tôi thu nhập được 60-70 triệu đồng. So với trồng cây ngô, cây lúa, trồng cây sắn cho thu nhập cao hơn nhiều.

"Để duy trì cho cây sắn sinh trưởng, phát triển tốt, đạt hiệu quả cao, hằng năm trồng cần phải bón thêm phân. Trồng sắn dễ gây hao mòn về đất nên quá trình chăm sóc khá vất vả từ việc trồng, bón phân, tỉa lá, phát cây cỏ" – anh Mộng cho hay.

Nhờ trồng thứ cây lương thực này mà người dân vùng thấp Lai Châu thoát nghèo - Ảnh 4.

Với diện tích 3ha, gia đình anh Lý A Mộng thu được 60-70 triệu đồng từ cây sắn. (Ảnh: Phạm Hoài)

Người dân xã Pa Khóa chủ động đầu ra cho cây sắn

Là địa phương có đường giao thông liên xã thuận lợi, hệ thống đường nội đồng khá hoàn chỉnh nhờ đó xã Pa Khóa dễ dàng kết nối giao thương các sản phẩm nông nghiệp, trực tiếp tới nhà máy chế biến, hoặc gián tiếp qua thương lái. Việc người dân được chủ động lựa chọn hình thức xuất bán nông sản, đã góp phần nâng cao tính cạnh tranh, giảm tình trạng bị ép giá, người dân yên tâm sản xuất.

Ông Thần A Kỉn - Chủ tịch UBND xã Pa Khóa (Sìn Hồ, Lai Châu) cho biết: Từ 2019 đến nay trên địa bàn người dân phát triển trồng sắn với tổng diện tích hơn 189 ha. Bình quân mỗi vụ người dân trong xã xuất bán hơn 300 tấn sắn. Để tiêu thụ nhanh toàn bộ sản lượng sắn trong thời điểm thu hoạch ngay từ đầu mùa vụ, xã đã chủ động nhiều giải pháp tháo gỡ khó cho người dân, từ khâu chuẩn bị nhân công thu hoạch; tạo thuận lợi cho xe vận chuyển nông sản; phối hợp với cơ  sở chế biến để đảm bảo khung giá. Hiện nay, người dân đã chủ động kết nối thương lái, có các hợp đồng trước với đơn vị thu mua nên việc mua, bán... diễn ra thuận lợi nhanh chóng.

Nhờ trồng thứ cây lương thực này mà người dân vùng thấp Lai Châu thoát nghèo - Ảnh 5.

Từ 2020 đến nay trên địa bàn xã Pa Khóa, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) người dân phát triển trồng sắn với tổng diện tích 189 ha. (Ảnh: Phạm Hoài)

"Mặc dù trồng sắn mang lại hiệu quả cao, thu nhập ổn định cho người dân tại xã Pa Khóa, tuy nhiên về cơ bản nếu không tuyên truyền hướng dẫn người dân luân canh, xen canh... thì môi trường đất sẽ bị suy thoái, cấu trúc đất không có cơ hội được cày xới và cải tạo thường xuyên nên dần bị chai sạn, dinh dưỡng không thể thấm vào trong đất và rễ cây trồng không đủ dinh dưỡng để phát triển" - Chủ tịch UBND xã Pa Khóa nhấn mạnh.

Hiện cây sắn chiếm tỷ trọng khá lớn trong các loại cây trồng tại xã Pa Khóa để thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi cây trồng, cấp ủy chính quyền xã cần quan tâm hơn nữa, trong việc hỗ trợ chính sách, hướng dẫn người dân luân canh, cải tạo đất... để cây sắn được bén rễ lâu dài ổn định giúp xã Pa Khóa xóa đói, giảm nghèo.