Về Hà Nội, vợ chồng tôi đã thuê một căn phòng ở số nhà 12 phố Châu Long, nơi ở cũ của gia đình nhà văn Đoàn Phú Tứ, nhưng người chủ mới đã phá ngôi nhà kiến trúc của Pháp xây mới lên nhiều tầng để cho thuê.
Hàng xóm ở đây nói, nghệ sĩ ưu tú Phú Thăng là con trai của nhà văn Phú Tứ thỉnh thoảng đi qua dừng xe lặng nhìn. Tôi nghĩ chắc là Phú Thăng hồi tưởng mái ấm xưa của gia đình.
Phố Châu Long xưa sở hữu hai dãy nhà kiến trúc của Pháp, nay nhiều căn nhà đã thay đổi chủ, thay đổi cả kiến trúc, kiến trúc mới như những hộp diêm khổng lồ chồng lên nhau làm khách sạn, nhà hàng. Châu Long cũng sở hữu một dãy cây bàng cổ thụ ở phía số nhà chẵn, nay chỉ còn một cây ở trước nhà số 18, cây nhãn ở góc sân số nhà 28 vẫn còn, tán lá xòa ra hết lề phố.
Lũ nhóc tụi tôi từng vô tư quậy tưng bừng ở khu vực này. Thập niên 1960, trong khu Nam Chàng (cụm phố trong Ngũ Xã) có nhiều gia đình rất giàu từ việc đúc nhôm, thuở đó gia đình có một chiếc xe đạp coi như là tài sản, những gia đình đúc nhôm có điều kiện sắm xe đạp Peugeot (pơ giô), một anh chàng tên H’ thỉnh thoảng đạp xe Peugeot màu cánh cam với cái mặt vênh thái quá.
Có lần tụi tôi muốn cảnh cáo ném những quả bàng chín vào người anh ta, anh chàng dừng xe hỏi "Gì vậy? Con gái mà nghịch quá !", bọn tôi cười khoái trá "Củ đậu chín cây rụng đấy", câu nói vô nghĩa nhưng làm cho anh chàng mủm mỉm cười vì trong từ điển nông nghiệp làm gì có "củ đậu chín cây". Từ đó, anh ta đi qua phố Châu Long không còn vẻ mặt vênh như guidon (ghi đông) xe đạp nữa.
Ở hồ Trúc Bạch, thỉnh thoảng mùa hè nhiệt độ cao, nước hồ rất nóng, cá chép, cá mè to gần hai cân bị ngộp thở nổi lên mặt nước rất nhiều, tụi trẻ trong khu Nam Chàng, phố Trúc Bạch, Châu Long, Đặng Dung, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Biểu được dịp ào xuống hồ bắt cá, cả nhà ăn "què răng". Nếu không bắt hết, cá chết nổi lên sẽ ô nhiễm cả hồ. Tuổi thơ ở phố say mê nhất là những buổi tối được xem phim ở bãi ciné Yên Phụ, không thể quên với những trận cười nghiêng ngả trời đất khi xem những phim hài của Liên Xô cũ.
Sau ngày đất nước thống nhất, nhiều bộ phim video nhiều tập rất hay chiếu trên tivi, khi ấy chỉ có tivi trắng đen, ít nhà có điều kiện mua. Nhà số 34 Châu Long có gia đình ông Ngà, ông là công chức nghèo, ông phụng dưỡng một mẹ già, con trai cả tên Hải sau này là kỹ sư Thủy Lợi làm việc ở Bộ Thủy Lợi phố Hàng Tre, con gái là thứ hai là chị Hà chính là người giới thiệu tôi kết nạp đoàn Thanh niên, con gái thứ ba học cùng lớp với tôi ở trường Yên Thành cũ, năm 1963 là trường Việt Nam – Cu Ba.
Bảy người trong gia đình ông đều hiền và lành, chưa bao giờ cáu gắt nhau hoặc to tiếng với hàng xóm. Những buổi tối có phim hay, cả phố tập chung vào nhà ông xem phim. Gia đình ông nghèo nhưng rất ôn hòa, trang nhã đúng bản sắc thuần phong mỹ tục của người Hà Nội, cả phố nhìn những người trong gia đình ông bằng con mắt trân trọng.
Số nhà 34 có hai tầng, ngoài gia đình ông Ngà còn năm gia đình nữa. Tầng trên của ông Ngà là gia đình ông Lợi, nguyên Chánh án Tòa án quận Ba Đình, con gái lớn là cán bộ ở Viện Kiểm sát thành phố Hồ Chí Minh. Sáu gia đình đều sống rất tử tế. Nhà số 34 Châu Long, sau này có một người kinh doanh nhà hàng đã vận động được chủ của sáu căn hộ bán lại.
Rất may là người chủ mới vẫn giữ nguyên kiến trúc xưa, khoác sơn vôi mới tráng lệ hơn, nhưng khu bếp cuối sân rộng khoảng 100m² đã xây thành hai tầng làm phòng ăn cho khách của nhà hàng. Nhà hàng đã đóng cửa sau mấy năm có dịch Covid-19. Nhìn nhà 34 Châu Long bây giờ hào nhoáng đèn màu, nhạc nheo nhéo nhưng tôi không quan tâm cái vỏ bề ngoài, trong tôi vẫn là hình ảnh của sáu gia đình đã từng sống ở đây tràn đầy tình nghĩa thời khó khăn trong chiến tranh.
Thập niên 1970 – 1980, có anh Hảo (bây giờ gần 80 tuổi) nhà ở số 27 Châu Long, đảm trách bí thư đoàn phường Trúc Bạch, là một cựu chiến binh có tài vặt, sửa điện, chỉnh sửa đồ mộc... nhà nào nhờ gì là anh vui vẻ giúp. Anh Hảo có duyên kể chuyện, chúng tôi thường phải trực đêm vào những ngày lễ lớn.
Anh Hảo kể những chuyện vui ở bộ đội khiến tụi tôi cười đau cả ruột. Như chuyện, một chiến sĩ trong đơn vị bị thương gẫy cái răng nanh, đợt được về phép, gia đình làm cho cái răng vàng nhưng cả đơn vị không ai biết. Một lần trong bữa ăn, anh chàng khoe khéo, nói: "Hôm về nhà, tớ được ăn tôm… he", chữ "he" lộ cả bộ răng, mọi người mới thấy cái răng nanh bị sún đã được thay răng vàng.
Ban chấp hành có sáu người, chúng tôi tham gia tất cả các hoạt động của phường, dường như tối nào cũng rời khỏi nhà. Hồi đấy có bộ phim hài "Sáu người đi khắp thế gian" của Đức, anh Hảo nói đùa tụi tôi là "Sáu người đi khắp tứ tung". Trong khu Nam Chàng có anh Jen là nhạc sĩ rất thích đi cùng chúng tôi, anh Jen luôn đi guốc mộc, vì to béo không lê guốc nhẹ tiếng được. Anh Hảo nói "Vỉa hè vừa lát gạch mới, ông Jen lê guốc to thế làm vỡ hết gạch của phường đấy".
Cha anh Hảo là ông Tịch, thuở đó không có nhà sư, thầy cúng, ông Tịch giỏi việc khâm liệm cho người chết. Trong phố, gia đình nào có người lâm chung thì ông vô tư giúp hết mọi việc cẩn thận cho tang sự gia đình đó viên mãn. Nay đã trôi qua nửa thế kỷ, những hàng xóm cũ vẫn nhắc đến tên ông Tịch.
Số nhà 16 có gia đình ông Phương, ông đạp xích lô lúc nào cũng toòng teng cái điếu cày ở dóng sắt tay lái, khi ở nhà lại phụ bà vợ bán phở. Trong chiến tranh cái gì cũng thiếu thốn, thỉnh thoảng ban đêm có ai bị sốt, đau bụng phải đi cấp cứu bệnh viện "ới" ông Phương là ông mắt nhắm mắt mở lấy xích lô chở bệnh nhân gấp không lấy đồng nào. Tôi chưa kịp kể về ông Mộc ở số nhà 29 Châu Long là tổ trưởng dân phố, cả gia đình làm nhiều việc rất nhân ái.
Chỉ có thể sơ qua tên vài hàng xóm làm ví dụ ở phố Châu Long, chưa nói đến trong khu Trúc Bạch cũng giống như vậy. Những năm tháng sống khó khăn là thế, không ai nghĩ người này có tật xấu, người kia văn hóa sống không tốt, họ bình dị, khiêm tốn không có sự bon chen, ích kỷ, làm được cái gì tốt cho người khác là thấy vui, cống hiến được gì cho xã hội tốt hơn là thấy hạnh phúc.
Đường phố Hà Nội đều là những ngôi nhà kiến trúc của Pháp, dường như tôi không quên kiến trúc ngôi nhà nào ở khu Trúc Bạch nói riêng và trên những con đường xung quang lăng Hồ Chủ Tịch nói chung. Ở trời tây 100% ngôi nhà kiến trúc đẹp, rất nhiều biệt thự kiến trúc kỹ xảo, nhưng thiếu vắng tiếng ve kêu, không có sắc đỏ hoa phượng ẩn chứa bao ngôn ngữ tuổi thơ.
Phố Châu Long cũng là nơi sinh sống của nhiều nhà văn, nghệ sĩ nổi tiếng, như: diễn viên điện ảnh Văn Hòa ở nhà số 1, đạo diễn – Nghệ sỹ Ưu tú Quốc Trọng ở số 9, nhà văn Đoàn Phú Tứ và con trai thứ tư là Nghệ sỹ Ưu tú Phú Thăng của Nhà hát kịch Hà Nội ở nhà số 12.
Nghệ sĩ cải lương Bích Vân ở đoàn cải lương Quảng Ninh và chồng là NSƯT Thanh Tùng ở đoàn cải lương Kim Phụng ở số nhà 29 là con của ông Mộc tổ trưởng dân phố, nhà văn Ngọc Giao ở nhà số 30, diễn viên điện ảnh – Nghệ sĩ Nhân dân Thụy Vân ở nhà số 37, đại tá – nhạc sĩ Huy Du ở nhà số 44, diễn viên cải lương Bích Hạnh ở nhà số 67 là ngôi sao của đoàn Cải lương Chuông Vàng. Kế đó là phố Trúc Bạch và khu Nam Chàng có nhiều nghệ sĩ, nhà văn nổi tiếng. Vô vàn hình ảnh chốn cũ trở nên quý hiếm vẫn rõ nét trong tôi.
Tháng 3.2022 vẫn chưa hoàn toàn hết dịch Covid-19. Tôi về Hà Nội được khoảng ba tuần thì bị nhiễm Covid-19, do tôi trước đó được tiêm vắc xin ba lần nên mua thuốc uống được năm ngày thì đỡ hẳn, nhưng chồng tôi đã bị lây mặc dù ông đã tiêm vắc xin bốn lần. Chồng tôi sau khi khỏi bệnh không chịu được nóng đã tắm và hay ngồi ban công hứng gió nên bị hậu Covid-19.
Thời gian hai vợ chồng "cố thủ trong pháo đài" là phòng trọ khoảng gần một tháng, tôi không dám ra khỏi nhà, cả hai tự cách ly trong phòng. Người giúp vợ chồng tôi đi chợ, làm thức ăn, giặt rũ, mua thuốc đều ỷ vào chị Hiền người Thái Bình, là người trực của số nhà 12 Châu Long. Bây giờ nhắc đến chị, tôi vẫn ứa nước mắt, chị giúp tất cả mọi việc không một chút ngần ngại, tôi tặng gì cũng không nhận. Phẩm chất của chị Hiền giống y chang những người tử tế tôi từng thấy ở phường Trúc Bạch thuở xưa.
Tôi trân quý phố cũ, mảnh đất mình cất tiếng khóc chào giây phút đầu tiên hít thở không khí trần ai. Sinh ra ở bờ bên này rồi trưởng thành sang bến bờ khác mưu sinh, dù trải qua "chín chìm, mười hai cái lênh đênh" vẫn trở về bến xưa. Các cụ của ta từng nói "Nhân chi sơ tính bản thiện" là vậy. Đức Thích Ca Mâu Ni Phật cũng có bài kinh "Bát nhã Chân kinh" còn gọi là "Đáo ngạn" là trở về bến cũ, bến cũ của tôi chan chứa tính nhân văn của người dân đất Việt.
Bài viết Ký ức về chốn cũ chan chứa kỷ niệm, tình người dự thi Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội trên Chuyên mục Hà Nội Hôm nay (Báo Điện tử Dân Việt). Kính mời độc giả gửi bài viết dự thi về địa chỉ email cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc gửi thư đến địa chỉ Ban Bạn đọc, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.
Tác phẩm gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.
Cơ cấu giải thưởng: 01 giải nhất trị giá 10 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 01 Giải nhì trị giá 7 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 02 Giải ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận và 05 Giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 2 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận.