Ký ức Hà Nội: Sự đổi thay của Bách hóa Tổng hợp qua thời gian

Sơn Lâm Chủ nhật, ngày 18/09/2022 10:28 AM (GMT+7)
Một trong những ký ức đáng nhớ đầu tiên khi nhớ về Hà Nội là Bách hóa Tổng hợp, khi tôi còn là cậu bé 9 tuổi theo cha mẹ chuyển lên Hà Nội sinh sống...
Bình luận 0

Nơi tôi sống những ngày đầu ở Hà Nội nằm gần ngã tư Ngô Quyền - Hai Bà Trưng, một con phố trung tâm, sầm uất xe cộ đi lại. Thời điểm đó, những năm 1993-1994 phần nhiều xe trên đường chủ yếu là xe đạp, xích lô, xe lam, ai khá giả thì đi chiếc xe Honda Cup 81 "kim vàng giọt lệ", Honda 79, Honda DD đỏ. Thời đó, sở hữu xe máy như có trong tay gia tài lớn. 

Bách hóa Tổng hợp có một mặt tiền nằm ở phố Hai Bà Trưng giao với phố Hàng Bài nên tôi sớm được bố mẹ dẫn ra đó chơi, tham quan địa điểm nổi tiếng của Thủ đô.

Ấn tượng đầu tiên mà tôi nhớ khi đặt chân vào Bách hóa Tổng hợp là diện tích rất lớn, nó to hơn nhiều những căn nhà khác mà cậu bé 9 tuổi ở quê lần đầu lên phố được thấy. 

Cánh cửa cao rộng, không gian bên trong rộng lớn, nhiều hàng hóa được bày bán, trong đó có nhiều món đồ chơi trẻ con mà tôi chưa từng được thấy. Ngày đó, được cầm chơi chiếc ô tô, robot lắp ghép là niềm mơ ước của bao đứa trẻ.

Ký ức Hà Nội: Sự đổi thay của Bách hóa Tổng hợp qua thời gian - Ảnh 1.

Bách hóa Tổng hợp thời điểm đầu mới xây dựng. Ảnh tư liệu

Tôi tin, có lẽ lúc đó chỉ có ở Bách hóa Tổng hợp Hà Nội mới bán những thứ hàng hóa quý hiếm đó. Cái thời khó khăn, đất nước mới mở cửa, hàng hóa còn ít nên những chiếc ô tô, búp bê, máy bay đồ chơi là những món đồ mà trẻ ở quê không thể có được. 

Vì thế, mỗi lần về quê chơi, tôi lại mang vài chiếc ô tô đồ chơi về tặng cho cậu bạn thân ở quê. Cậu ấy rất quý những món đồ chơi "lấy từ Hà Nội về". Đó là sự khác biệt của bọn trẻ Hà Nội với đám trẻ ở các vùng quê ngày đó và chúng chỉ được bán ở Bách hóa Tổng hợp lúc bấy giờ.

Bách hóa Tổng hợp Hà Nội ngày trước có 2 tầng. Tầng 1 bán quần áo, nhu yếu phẩm, đồ dùng gia đình, thuốc men, thiết bị y tế… Tầng 2 bán thêm nhiều đồ nữa như tranh ảnh, nước hoa, hóa mỹ phẩm, phim - giấy ngành ảnh với các thương hiệu của Đức, Trung Quốc và cả Việt Nam. Cầu thang lên tầng có tay vịn bằng đồng cùng hoa văn trang trí độc đáo, đẹp mắt.

Bách hóa Tổng hợp Hà Nội thường đông nhất vào buổi sáng. Vừa mở cửa khách đã ùn ùn kéo vào rồi tỏa đi các quầy để mua sắm hoặc đơn giản chỉ vào để tham quan, nhìn ngắm hàng hóa. Ngoài những mặt hàng bán theo tem phiếu và sổ mua hàng thì cũng có những loại hàng hóa được bán tự do. 

Những quầy mà khách xếp hàng dài nhất vẫn là khu tiêu thụ mặt hàng chất lượng thấp như săm, lốp xe đạp, áo may ô Đông Xuân, quần áo trẻ nhỏ, bát đĩa sứ, thuốc lá… Với một cậu bé còn chưa hiểu lắm về hàng hóa thì khái niệm tem phiếu cũng hoàn toàn mới mẻ mà chỉ hiểu chút qua lời kể của mẹ. 

Trong ký ức của tôi khi nhớ về Bách hóa Tổng hợp Hà Nội không chỉ là nơi bán nhiều hàng hóa nhất mà nó còn là điểm đến của nhiều người mỗi dịp diễn ra sự kiện lớn tại Thủ đô. 

Ngày đó, cứ gần đến dịp Quốc khánh 2/9 là người dân các tỉnh đổ về Hà Nội xem diễu hành, duyệt binh thường ngủ tạm tại bậc tam cấp Bách hóa Tổng hợp từ tối hôm trước, chờ ngày sau đoàn diễu hành ngang qua bờ hồ là sẽ được xem duyệt binh trực tiếp... 

Tôi lúc đó là một cậu bé nhưng cũng cảm nhận được cái không khí trang nghiêm, tự hào pha chút lạ lẫm về hình ảnh duyệt binh lần đầu tiên được xem. 

Tôi ở đây cùng gia đình đến năm 1995 thì chuyển nhà đến nơi khác trong thành phố, và từ đó cũng ít có dịp vào Bách hóa Tổng hợp hơn.

Sau này khi lớn lên, tôi tìm hiểu kĩ hơn về nguồn gốc Bách hóa Tổng hợp thì được biết công trình này được xây dựng từ thời Pháp thuộc, trải qua bao thăng trầm của lịch sử. Bách hóa Tổng hợp được xây dựng từ đầu thế kỉ XX, khoảng năm 1923, lúc bấy giờ có tên là Nhà hàng Godard, đặt theo tên của Sebastien Godard (1839-1940) - người chịu trách nhiệm quy hoạch lại thành phố theo lệnh của Chính phủ Pháp thời bấy giờ, được coi là biểu tượng của thời kinh tế bao cấp. Đến tháng 9/1959, Godard được đập đi và trên đống đổ nát đó người ta xây Bách hóa Tổng hợp.

Sau nhiều năm phát triển, ở thời kỳ bao cấp, Bách hóa Tổng hợp được xem là trung tâm thương mại sầm uất bậc nhất Miền Bắc. Nó nổi tiếng đến mức khách các tỉnh về chơi mà chưa vào Bách hóa Tổng hợp coi như chưa về Hà Nội. Bên cạnh Tháp Rùa, cầu Thê Húc, Bách hóa Tổng hợp là biểu tượng của Thủ đô, là nơi cần đến mỗi khi ai đó có dịp đến Hà Nội.

Năm 1999, Bách hóa Tổng hợp đổi tên thành Trung tâm bách hóa tổng hợp Tràng Tiền do nhu cầu mua sắm ngày càng cao của người Hà Nội cũng như du khách viếng thăm Thủ đô. Quy mô của Trung tâm bách hóa Tràng Tiền được mở rộng với nhiều hàng hóa đa dạng, trang bị nhiều thiết bị hiện đại bên trong.

Ký ức Hà Nội: Sự đổi thay của Bách hóa Tổng hợp qua thời gian - Ảnh 3.

Tràng Tiền Plaza ngày nay. Ảnh: Sơn Lâm.

Ngày nay, Trung tâm thương mại cổ ấy đã trở thành Tràng Tiền Plaza, một siêu thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế với nhiều hàng hóa cao cấp của các thương hiệu hàng đầu thế giới được bày bán ở đây. Hình ảnh về một Bách hóa Tổng hợp độc lạ, duy nhất giờ chỉ còn trong ký ức của những người từ thế hệ 8x đời đầu trở về trước. Nó có sự tiếp nối từ quá khứ đến hiện tại như minh chứng cho sự phát triển của kinh tế thủ đô cũng như của đất nước.

Bách hóa Tổng hợp Hà Nội trong tôi vẫn luôn là ký ức đẹp đẽ, không thể quên khi nhớ đến Hà Nội xưa. Nó là ký ức, là kỉ niệm của những ngày đầu tôi đặt chân đến Thủ đô, được nhìn ngắm Thủ đô rực rỡ hoa lệ. Đó cũng là ký ức về một thời khó khăn, hàng hóa còn thiếu thốn và nó như là biểu tượng của sự giao thoa, đổi mới từ cái cũ sang cái mới và phát triển như ngày nay.

Bài viết Sự đổi thay của Bách hóa Tổng hợp qua thời gian dự thi Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội trên Chuyên mục Hà Nội Hôm nay (Báo Điện tử Dân Việt). Kính mời độc giả gửi bài viết dự thi về địa chỉ email cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc gửi thư đến địa chỉ Ban Bạn đọc, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Tác phẩm gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Cơ cấu giải thưởng: 01 giải nhất trị giá 10 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 01 Giải nhì trị giá 7 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 02 Giải ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận và 05 Giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 2 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem