Mới đây, trong báo cáo tài chính của công ty mẹ và báo cáo tài chính hợp nhất của EVN công bố, 6 tháng 2022, tổng tài sản của EVN là trên 673.100 tỷ đồng, giảm hơn 32.200 tỷ đồng so với đầu năm 2022.
Vốn chủ sở hữu của tập đoàn cũng giảm 17.231 tỷ đồng so với đầu năm. Trong khi đó, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trong 6 tháng đầu năm lại tăng khoảng 400 tỷ đồng so cùng kỳ năm ngoái.
Điều đáng nói, dù doanh thu tăng nhưng lợi nhuận gộp của EVN lại giảm hơn 4.200 tỷ đồng. Nguyên nhân được chỉ ra là giá vốn bán hàng của EVN tăng mạnh do chi phí đầu vào. EVN lỗ sau thuế trong trong 6 tháng 2022 là 16.586 tỷ đồng.
Theo lý giải của tập đoàn này, giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện như than, dầu, khí tăng đột biến từ đầu năm đến nay đẩy chi phí sản xuất điện của tập đoàn tăng rất cao.
Theo tìm hiểu của Dân Việt, 8 tháng năm 2022 theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lượng than nhập của Việt Nam giảm so với cùng kỳ năm trước gần 5 triệu tấn, ước đạt 22,3 triệu tấn. Tuy nhiên, kim ngạch nhập than tăng tăng 98%, ước đạt 5,5 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Lượng giảm, nhưng giá than nhập tăng rất mạnh, bình quân 8 tháng qua, mỗi tấn than nhập giá là 5,6 triệu đồng/tấn (cùng kỳ là 2,3 triệu đồng/tấn), mức giá tăng gần như gấp đôi.
Lượng than nhập về Việt Nam chủ yếu từ Nga và Indonesia, trong đó than Indonesia đạt 7,3 triệu tấn, giảm 4,2 triệu tấn; than Nga là 1,6 triệu tấn, giảm gần 900.000 tấn so với cùng kỳ năm trước.
Giá than Indonesia 8 tháng năm 2021 là 1,6 triệu đồng/tấn, nay đã tăng lên 3,7 triệu đồng/tấn (mức tăng trên 2,3 lần); than Nga từ chỗ chỉ 2,7 triệu đồng/tấn, nay đã tăng lên 6,6 triệu đồng/tấn.
Như vậy, có thể nói chi phí đầu vào của giá nhập than đã tăng rất mạnh, đây là một trong những nguyên nhân khiến EVN thua lỗ do phụ thuộc vào hoạt động nhập khẩu than cho một số nhà máy điện.
Hiện, lo ngại lớn nhất của người dân là bối cảnh chi phí đầu vào tăng khiến EVN sớm muộn cũng phải tăng giá điện bán lẻ, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân và có thể gây lạm phát.
Theo tính toán của EVN, giá bán lẻ điện bình quân năm 2022 đã lên mức 1.915,59 đồng một kWh, cao hơn 2,74% so với giá bán lẻ điện bình quân đang áp dụng từ năm 2019, là 1.844,64 đồng một kWh.
Giá bán lẻ điện bình quân được xem xét, điều chỉnh khi các thông số đầu vào của các khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý) tăng từ 3% trở lên. Nếu giá bán điện bình quân cao hơn mức đang áp dụng từ 10% trở lên, Bộ Công Thương cùng Bộ Tài chính kiểm ra, rà soát và báo cáo Thủ tướng quyết định mức tăng phù hợp.
Từ tháng 4-7/2022, lãnh đạo EVN đã nhiều phát triển trấn an người dân, dư luận về việc chưa đề xuất tăng giá điện. Theo đó, tháng 4/2022, tại hội thảo "Khơi thông dòng vốn đầu tư vào ngành điện", ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: Cam kết không tăng giá điện trong năm 2022 dù phải chấp nhận lợi nhuận bằng 0, nhưng EVN sẽ khó cân đối trong các năm tiếp theo nếu giá nhiên liệu đầu vào vẫn tăng.
Đợt tháng 7/2022, chứng kiến chi phí đầu vào tăng mạnh, nhưng Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ về việc chưa đề xuất tăng giá điện bán lẻ. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu EVN tiết kiệm chi phí; Bộ Công Thương tính toán, xử lý những tồn tại liên quan đến chi phí của tập đoàn này để giữ ổn định giá điện.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc không tăng giá điện có thể chỉ ở năm 2022, trong năm 2023 EVN sẽ phải tăng giá điện để đáp ứng cân đối tài chính và năng lực. Việc giá điện thấp, trong khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao là rủi ro lớn cho EVN và khiến giá bán điện của các nhà máy phát điện (nhiệt điện, điện mặt trời, điện gió..) không thể bù lỗ được.
Bên cạnh đó, việc tăng giá bán điện hợp lý giúp doanh nghiệp, hộ tiêu dùng cân đối sử dụng điện tiết kiện, thay đổi công nghệ để thích ứng, giảm chi phí, tiến đến thị trường giá điện cạnh tranh.