Từ bỏ chăn nuôi bò sữa truyền thống
Gia đình chị Lê Thị Thúy (ở xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn) có 6 nhân khẩu, 2 con của chị Thúy còn đang đi học, cha mẹ thì già yếu. Vợ chồng anh chị là lao động chính. Mọi chi phí sinh hoạt của gia đình đều trông vào đàn bò sữa với hơn 60 con.
Chị Thúy cho biết, lúc trước, việc chăm sóc đàn bò theo lối truyền thống tốn khá nhiều thời gian và công sức. Được Trạm Khuyến nông huyện Hóc Môn hỗ trợ phương thức chăn nuôi an toàn sinh học, chị mạnh dạn áp dụng ngay. Chị Thúy đã đầu tư, thiết kế lại chuồng nuôi để dễ vệ sinh tẩy rửa, đảm bảo không gây độc hại cho bò và sản phẩm sữa. Việc chăn nuôi được kiểm soát đầu vào, đầu ra để dễ truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Chị Lê Thị Thúy cho biết, chăn nuôi an toàn sinh học giúp mô hình đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho thị trường.
Ông Nguyễn Văn Nhớ (ở xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn) chăn nuôi bò sữa đã hơn 20 năm. Ngày trước, ông Nhớ cũng chăn nuôi theo kiểu tự phát, kỹ thuật chăn nuôi còn hạn chế.
Gần đây, giá thức ăn chăn nuôi biến động, hiệu quả chăn nuôi không cao khiến ông Nhớ nhiều lúc muốn bỏ nghề. Được ngành nông nghiệp ở Hóc Môn hỗ trợ và tập huấn, ông Nhớ nhận thức rõ, muốn phát triển thì phải thay đổi cách chăn nuôi.
Năm 2015, ông Nhớ tham gia mô hình tăng cường trang thiết bị phục vụ cơ giới hóa ngành chăn nuôi bò, và được hỗ trợ 50% chi phí mua máy móc. Ông đăng ký lắp đặt 1 máy vắt sữa, 5 bình nhôm chứa sữa, 1 máy cắt cỏ. Qua thời gian thay đổi cách chăn nuôi theo hướng cơ giới hóa, hiệu quả chăn nuôi của ông Nhớ tăng lên rõ rệt.
Ông Nhớ đang có 20 con bò; trong đó có 11 con đang trong kỳ vắt sữa, cho 100-120kg sữa/ngày. "Sau khi trừ chi phí, đàn bò sữa giúp gia đình thu nhập ổn định 15 triệu đồng/tháng. Tôi thấy kinh tế gia đình tạm ổn" - ông Nhớ nói.
Chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị
Theo UBND huyện Hóc Môn, những năm gần đây, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ đã làm giảm diện tích đất sử dụng trong lĩnh vực nông nghiệp. Thị trường, đầu ra sản phẩm không ổn định, người chăn nuôi khó tiêu thụ sản phẩm. Thu nhập từ hoạt động chăn nuôi giảm mạnh, nông dân không mạnh dạn mở rộng đầu tư. Toàn huyện hiện có 1.112 hộ chăn nuôi bò sữa với tổng đàn 11.347 con.
Trước những khó khăn đó, UBND huyện đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ cho bà con cải thiện chất lượng chăn nuôi. Huyện thường xuyên phối hợp các ngành chức năng tập huấn cho người chăn nuôi kỹ năng đánh giá chất lượng giống bò sữa, khuyến khích loại bỏ những cá thể năng suất kém, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi.
Tuy nhiên, bà Lê Thụy Mỵ Châu - Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn cũng cho biết, chăn nuôi bò sữa ở Hóc Môn và TP.HCM nói chung, chủ yếu chăn nuôi quy mô nông hộ, và trang trại. Việc đầu tư phát triển sản xuất, cơ giới hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật còn gặp nhiều hạn chế. Phương thức chăn nuôi theo truyền thống vẫn phổ biến.
Mục tiêu đến năm 2025, TP.HCM duy trì đàn bò sữa ổn định với tổng đàn 61.000 con. Muốn cạnh tranh hiệu quả thì chăn nuôi bò sữa TP.HCM cũng như ở huyện Hóc Môn phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cả về phương thức tổ chức sản xuất, quy mô, công nghệ và thị trường tiêu thụ.
Cùng với nỗ lực của địa phương, UBND huyện Hóc Môn cũng đề xuất, ngành nông nghiệp cần tiếp tục có thêm nhiều chính sách hỗ trợ các hộ, trại chăn nuôi. Trong đó có việc nghiên cứu và ứng dụng phần mềm giúp nông dân đơn giản hóa việc xây dựng khẩu phần ăn cho bò; đồng thời, ngành nông nghiệp cần tăng cường các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi thành lập HTX, tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa; từ đó chủ động mua sắm vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm…