Lão nông Trần Quang vốn là một nông dân chân ướt chân ráo ở Quảng Ngãi xa xôi vào Đồng Nai lập nghiệp với đủ thứ nghề nhưng cuộc sống vẫn chật vật. Đến nay, ông Quang đã trở thành tỷ phú nông dân nhờ vào việc đưa giống lúa ST24 về trồng ở vùng đất Đồng Nai.
Ông Trần Quang, Giám đốc Hợp tác xã thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến (xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) với thương hiệu gạo ông Tám. Ông Trần Quang là một trong 100 Nôn dân Việt Nam xuất sắc 2022. Ảnh: Tuệ Mẫn.
Sau nhiều năm thành lập, hiện nay Hợp tác xã thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến của ông Quang đã có 10 thành viên tham gia góp vốn và 95 xã viên tham gia liên kết sản xuất. Trong đó diện tích ruộng của gia đình ông là 10 ha, của các xã viên là 140 ha.
Để hiểu hơn về cuộc sống, công việc của lão nông này, phóng viên Báo Dân Việt đã có mặt tại xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc vào một ngày giữa tháng 9.
Trong câu chuyện của mình, ông Quang kể 32 năm trước, do cuộc sống khó khăn nên ông đã tạm biệt quê hương, theo gia đình vào Đồng Nai sinh sống lập nghiệp. Thời điểm đó vùng Xuân Lộc còn hoang sơ, đa số người dân đều sống nhờ làm nương rẫy, trồng lúa...
Lúc này, ông Quang may mắn được cha ruột nhượng lại cho khoảng 8 sào đất để làm lúa nhưng do năng suất lúa thấp, gia đình đông người nên cuộc sống không ổn định, thiếu trước hụt sau.
Trong cái khó ló cái khôn, ông Quang biết được có nhiều người ở miền Tây lên Đồng Nai mang theo máy tuốt lúa để phục vụ nhu cầu tuốt lúa của bà con địa phương nên ông đã xin theo để làm công, học nghề. Ông nhận thấy nghề tuốt lúa mang lại thu nhập cao. Có những ngày một máy tuốt lúa thu được 600.000 - 700.000 đồng trong khi chi phí rất thấp.
Nghĩ là làm. Ông Quang đã lặn lội xuống miền Tây mua máy tuốt lúa để về Đồng Nai làm nghề tuốt lúa, lấy máy đẻ máy, máy đẻ ra tiền, lấy tiền mua đất. Nhờ thành công với lĩnh vực này mà ông Quang bắt đầu tích luỹ được nhiều đất đai, lấy ruộng đổi ruộng, kinh tế dần đi lên, cuộc sống khấm khá hơn.
Ông Quang đầu tự hệ thống máy sấy siêu lớn. Ảnh: Tuệ Mẫn.
“Lúc đó tôi ăn nên làm ra, có thu nhập cao vì thế ai bán ruộng, bán rẫy ở đâu tôi đều tích góp lại để mua. Tôi thực hiện phương châm dồn điền dồn thửa, lấy đất đổi đất, lấy ruộng đổi ruộng để tạo ra các thửa ruộng gần nhau với diện tích lớn. Sau này nhiều người cũng học theo ý tưởng này và dần tạo ra được cánh đồng lớn, thửa liền thửa”, ông Quang chia sẻ.
Tuy nhiên, thời điểm đó do đa phần làm lúa, bắp truyền thống, không theo mùa vụ, sản lượng không đều và thường bị thương lái ép giá. Nghĩ đến công sức bỏ ra lớn, thu về không được bao nhiêu do đó ông Quang đã gõ cửa từng nhà để vận động nhiều bà con nông dân khác liên kết cùng làm lúa hoặc cùng làm bắp nhằm tạo ra số lượng sản phẩm nhiều, dễ bán, đỡ bị ép giá.
“Tôi cùng bà con gần đây thống nhất mỗi vụ lúa chỉ xuống 2 - 3 loại giống để tiện chăm sóc và thu hoạch. Thấy điều đó hợp lý nên sau này nhiều người làm theo. Cũng từ đó tôi thấy việc liên kết bà con nông dân lại với nhau giúp kinh tế các hộ phát triển đồng đều hơn, ai cũng cố gắng trong sản xuất và sản phẩm tạo ra cũng chất lượng hơn", ông Quang nói.
"Theo đà, từ câu lạc bộ năng suất cao, giảm nghèo, năm 2014 tôi xin thành lập Hợp tác xã thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến, vừa phù hợp với chủ trương phát triển mô hình kinh tế tập thể vừa thuận tiện trong giao dịch mua bán”, ông Quang chia sẻ thêm.
Sau khi thành lập được khoảng 2 năm, Hợp tác xã Xuân Tiến đã được giao triển khai dự án cánh đồng lớn chuyên trồng cây lúa, cây bắp tại xã Xuân Phú với quy mô 150 ha. Đây là điều kiện thuận lợi để ông Quang cùng bà con nông dân tại địa phương có cơ sở để liên kết làm ăn, sản xuất.
Ban đầu, ông Quang và bà con nông dân bàn bạc đầu tư mạnh cho cây bắp tuy nhiên sau nhiều lần giá bắp ở mức thấp, ông Quang cùng nhiều bà con khác thống nhất chuyển sang đầu tư cho cây lúa.
Tuy nhiên ông Quang đã có kế hoạch tìm 1 giống lúa đặc biệt để về chuyên canh trên cánh đồng lớn để tạo ra nguồn thu ổn định cho bà con nông dân.
Thời gian này, qua theo dõi trên báo đài, internet, ông Quang biết được thông tin về giống lúa ngon của TS Hồ Quang Cua nên đã khăn gói tìm về Sóc Trăng để học hỏi kinh nghiệm trồng giống lúa này. Ông Quang mua 200 kg giống ST24 và ST25 về trồng thí điểm tại ruộng của gia đình.
Thấy giống lúa ST24 sinh trưởng tốt, hợp với thổ nhưỡng vùng đất Đồng Nai, sản phẩm lúa gạo bán ra được bạn hàng đánh giá, phản hồi tích cực nên sau đó ông Quang tiếp tục về Sóc Trăng nhập thêm lúa giống về trồng. Ngoài trồng trên đất của gia đình ông còn vận động bà con quanh vùng cùng trồng chung giống lúa này.
Đặc biệt, ngoài trồng giống ST24 ở vùng Xuân Phú, ông Quang còn mở rộng diện tích trồng lúa bằng cách liên kết với bà con tại huyện Cẩm Mỹ, TP.Long Khánh, Định Quán (Đồng Nai),…
“Thời gian đầu tôi cũng nghiên cứu mãi về các giống lúa và khi thấy ST24 trồng ở đất Đồng Nai cho ra gạo thơm, ngon, dẻo, được nhiều khách hàng ưa chuộng, phản hồi tích cực nên tôi mạnh dạn mở rộng diện tích", ông cho biết.
Theo ông Quang, lúc đầu nông dân cũng e ngại việc trồng giống lúa này nhưng khi ông cam kết bao tiêu toàn bộ lúa cho các hộ là thành viên và không phải thành viên của hợp tác xã nhưng làm giống ST24 do ông cung cấp và tuân thủ quy trình chăm sóc thì họ bắt đầu làm theo.
"Cũng nhờ vậy mà giờ nhiều vùng tại Đồng Nai đang có gạo ngon, sạch, giá rẻ để ăn, điều đó làm tôi rất vui. Giờ nhiều người mỗi lần mua gạo, mua lúa giống họ cũng không quan tâm đó là gạo gì, họ bảo chỉ muốn ăn gạo ông Tám. Đó là thương hiệu tôi đặt cho sản phẩm gạo của mình, cứ nghe bà con đến mua nói vậy là vui”, ông Quang hồ hởi nói.
Nhằm cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hợp tác xã, nhiều năm qua ông Quang đã mạnh dạn đầu tư nhiều hệ thống máy sấy lúa, máy xay gạo, gieo hạt, máy thu hoạch cho ra hạt bắp, lúa ngay trên cánh đồng, góp phần giảm chi phí nhân công.
Đặc biệt, gần đây ông Quang còn nghiên cứu và chế tạo máy phun tự động theo mô hình máy bay không người lái giúp việc phun các dung dịch, thuốc,… cho lúa, bắp được thuận lợi hơn. Với những thành công này, sắp tới ông Quang cho hay sẽ phối hợp với những hợp tác xã, tổ hợp tác,… trồng lúa ở một số địa phương khác để nhân rộng diện tích ứng dụng cơ giới hóa, tăng sản lượng để đáp ứng được những đơn hàng lớn.
Cũng theo ông Quang, hiện nay mỗi năm ông và bà con xã viên trồng 2 vụ lúa, 1 vụ bắp. Trong đó vụ bắp sẽ xuống giống vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12 kéo dài đến cuối tháng 2 năm sau sẽ thu hoạch. Sau đó sẽ làm liên tiếp 2 vụ lúa.
Thường thì khi thu hoạch bắp, thân bắp sẽ được máy quật ngã lấp xuống đất và ủ men vi sinh để tạo thành phân hữu cơ phục vụ cho mùa lúa “lấy của đất trả cho đất”, nhờ vậy lúa của các thành viên trong hợp tác xã luôn sinh trưởng tốt, cho năng suất cao, chi phí chăm sóc lại thấp.
Theo ông Quang, trung bình 1ha mỗi vụ sẽ thu về được 6 tấn lúa và lúa của các xã viên khi nhập cho hợp tác xã phải đạt chuẩn mới được thu mua để đảm bảo giữ được thương hiệu gạo ngon, sạch. Thời điểm này, mỗi tháng hợp tác xã của ông đang xuất ra thị trường khoảng 6 tấn gạo, đa phần đều có mối thu mua sẵn, không lo đầu ra cho sản phẩm gạo.
“Thật ra để thành công và được mọi người đón nhận "Gạo ông Tám" như hiện nay tôi đã phải mất thời gian rất dài. Kể cả quá trình trồng lúa cũng phải nắm được quy trình sinh trưởng của cây lúa và từng giai đoạn phát triển thì mới tạo ra được sản phẩm lúa gạo chất lượng", ông bộc bạch.
Ví dụ tính từ sau khi lúa trổ bông nếu muốn gạo dẻo nhiều thì khoảng 28 ngày sẽ cho thu hoạch, muốn gạo dẻo ít sẽ để 30 ngày mới thu hoạch. Với mỗi khách hàng, theo khẩu vị và mong muốn của họ, ông sẽ đưa ra sản phẩm gạo phù hợp để họ còn quay lại.
Thực tế khi làm lúa sạch nông dân có lợi hơn vì sản xuất theo phương pháp hữu cơ năng suất đạt khoảng 5 tấn/ha/vụ nhưng giá bán cao hơn lúa gạo thường nên lợi nhuận thu về vẫn cao.
"Tôi hi vọng nông dân Đồng Nai sẽ được tiếp cận nhiều giống lúa tốt, sạch còn người dân sẽ được ăn giống gạo ngon, sạch, tốt cho sức khỏe”, ông Quang nhấn mạnh.
Khi nhắc đến những thành công của lão nông Trần Quang, ông Lê Hữu Thiện – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai nói rằng ông Trần Quang xuất phát điểm là một nông dân có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên để làm giàu, vượt qua khó khăn, ông Quang đã biết tìm tòi, học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Ông Quang tổ chức xây dựng Câu lạc bộ Năng suất cao, sau đó thành lập hợp tác xã. Riêng gia đình ông Quang đang có trên 10 ha đất để trồng lúa bắp và cho thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Thời gian qua hợp tác xã đã hỗ trợ rất tốt cho bà con nông dân như làm đất, làm giống, bảo vệ thực vật, sản xuất gạo. Với mô hình sản xuất như vậy ông Quang đã giúp phát triển kinh tế của gia đình và các xã viên trong vùng.
Ông Trần Quang là một trong 100 nông dân tiêu biểu của cả nước được Hội đồng Bình chọn Chung khảo Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam bình chọn nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022". Lễ tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022" sẽ được tổ chức trọng thể tại thủ đô Hà Nội vào tháng 10/2022 nhân dịp Kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2022); Kỷ niệm 10 năm Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam.