Tại buổi làm việc với Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Cao Xuân Thu Vân đã được nghe Hội Nông dân tỉnh báo cáo kết quả công tác Hội và phong trào nông dân 9 tháng đầu năm.
Ông Phạm Tuấn Tài – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu thông tin, 9 tháng đầu năm đã có hơn 97.500 hộ nông dân đăng ký sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, đạt 125% chỉ tiêu tỉnh Hội giao; có hơn 68.000 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh đăng ký cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt hơn 87% so với tổng số hội viên hiện có.
Các mô hình sản xuất đạt hiệu quả được nhân rộng, cụ thể như: sản xuất giống lúa chất lượng cao; mô hình tôm - lúa - cá: nuôi sò huyết trong vuông tôm; nuôi tôm khép kín sử dụng vi sinh; nuôi dê sinh sản;…
Bên cạnh đó, các cấp Hội nhận giúp đỡ 184 hộ nghèo, hỗ trợ cây con giống, phương tiện sản xuất tổng trị giá trên 2,147 triệu đồng. Toàn tỉnh thành lập mới 73 tổ hợp tác; phối hợp thành lập và ra mắt 1 Liên hiệp hợp tác xã Lúa thơm - Tôm sạch Bạc Liêu. Các cấp Hội chủ động thường xuyên phối hợp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân.
Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với doanh nghiệp thực hiện mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng; tổ chức 1 cuộc hội thảo về nông nghiệp giới thiệu sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật cho 30 hội viên nông dân;…
Tính đến nay tổng số nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân là hơn 17,2 tỷ đồng; trong đó: Nguồn Trung ương gần 11 tỷ đồng; ngân sách tỉnh hơn 6,4 tỷ đồng. Trong 9 tháng, nguồn vốn tăng trưởng gần hơn 2,1 tỷ đồng, đạt 70,46% chỉ tiêu Trung ương Hội giao. Nguồn vốn Trung ương giải ngân 27 dự án, tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng, cho 365 hộ vay; nguồn vốn của tỉnh đến thời điểm này đã giải ngân 27 dự án, tổng số tiền hơn 6,3 tỷ đồng cho 288 hộ vay.
Theo bà Thạch Thị Duyên Thy – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân và giáo dục nghề nghiệp tỉnh Bạc Liêu, hiện nay các công trình được khai thác, sử dụng hết công năng, đáp ứng nhu cầu của trung tâm. Bên cạnh đó, trung tâm còn phối hợp thử nghiệm sản xuất công nghệ cao, gắn với mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng. Hiện đang triển khai nuôi lươn không bùn thí điểm, hướng tới chuyển giao kỹ thuật cho nông dân.
Bên cạnh đó, trung tâm cũng phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn tổ chức điểm giới thiệu và trưng bày sản phẩm đặc trưng, với hình thức ký gửi. Tuy nhiên hiện chưa khai thác được nhiều, do sản phẩm OCOP có giá cao nên đầu ra còn khó. Ngoài ra, việc phối hợp với các đơn vị chức năng để dạy nghề thì chưa có, chỉ có tập huấn ngắn hạn.
Tại buổi làm việc, bà Cao Xuân Thu Vân đã hướng dẫn và đề nghị tháo gỡ nhiều vướng mắc trong quá trình hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ nông dân và giáo dục nghề nghiệp tỉnh; xây dựng cụ thể chức năng, nhiệm vụ, vị trí việc làm; quy chế chi tiêu nội bộ và xây dựng phương án tự chủ tài chính; đề án khai thác tài sản công;…
Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam đề nghị các Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu tích cực đi thực tế ở các cơ sở và cố gắng xây dựng các mô hình, thành lập chi hội nghề nghiệp. Chỉ khi thành lập được các chi hội nghề nghiệp thì mới có được vùng nguyên liệu rộng lớn, có điều kiện hợp tác với các doanh nghiệp, giúp cho hội viên, nông dân nâng cao giá trị sản xuất.
"Chúng ta phải có tư duy quản lý, sản xuất theo hướng hợp tác; người nông dân phải có phong cách công nghiệp. Chính phong cách công nghiệp và sự hợp tác mới giúp cho nông dân quản lý tốt được mô hình từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm. Mình đừng suy nghĩ phải có 1.000ha mới có được mô hình công nghệ cao; công nghệ cao chính là ở tư duy, cách quản lý, sản xuất và tiêu thụ", bà Cao Xuân Thu Vân nhấn mạnh.