Dân một hòn đảo ở Cà Mau thôi chạy lòng vòng mà nuôi loài cá lạ mắt, lạ hơn là không nhà nào khóa cửa

Thứ hai, ngày 05/09/2022 05:28 AM (GMT+7)
Xuất phát từ cửa biển Sông Đốc (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), sau gần 3 giờ lênh đênh trên tàu, chúng tôi đã thấy Hòn Chuối hiện ra trước mắt. Đặt chân lên hòn đảo xa xôi nơi vùng đất cực Nam này, mỗi bước chân là nhiều điều ngạc nhiên, thú vị.
Bình luận 0

Đảo là nhà

Bước đi theo hàng trăm bậc cầu thang dốc ngược, chào đón chúng tôi là những chiến sĩ biên phòng, hải quân trẻ trung cùng nụ cười tươi rói. Trước thắc mắc về cái tên “Hòn Chuối”, Thiếu tá Trương Văn Kết, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hòn Chuối, cho biết, trước đây trên đảo có rất nhiều chuối, cây chuối mọc ở khắp nơi, cho buồng to và thơm ngon. 

Dân một hòn đảo ở Cà Mau thôi chạy lòng vòng mà nuôi loài cá lạ mắt, lạ hơn là không nhà nào khóa cửa - Ảnh 1.

Nghề nuôi cá bớp đang mở ra kế mưu sinh mới cho người dân Hòn Chuối, tỉnh Cà Mau.

Khi người dân đến sinh sống nhiều hơn, việc chăn nuôi heo rừng đã khiến nhiều diện tích chuối bị tàn phá. Đến nay, cái tên Hòn Chuối vẫn còn, nhưng phải đi sâu vào rừng mới thấy chuối.

Hòn Chuối có diện tích 7 km(chủ yếu là diện tích rừng), độ cao của đỉnh hòn hơn 170 m, nên di chuyển trên Hòn Chuối chỉ có cách đi bộ.

Gần 50 hộ đang sinh sống trên đảo hiện nay, mỗi hộ ra đảo vì một lý do khác nhau (trốn để không bị bắt tham gia lính nguỵ hồi thời chiến tranh, nghèo khó quá mà dạt ra đảo làm ăn, đi theo người thân tìm kế mưu sinh mới)… nhưng đến nay, họ đều gắn bó với đảo bằng tình cảm thân thuộc, quê nhà.

Bà Ba Nhuận là một trong những người dân đầu tiên đến sinh sống ở Hòn Chuối. Hầu hết những buồn vui của đời bà đều gắn với đảo. Ở tuổi thất thập cổ lai hy, hơn ai hết, bà Nhuận cảm nhận rõ sự đổi thay tích cực của hòn đảo này.

Bà nói: “Ngày chúng tôi mới lên đảo, muối không có mà ăn; lấy thân cây và lá rừng quây lại làm chỗ ở. Nước ngọt không có để xài. Nửa đêm xuống dưới gành Nam, múc từng ca nước dưới hang mang về. Điện, đèn không có. May mà đất khi đó tốt, trồng bắp, trồng đậu đều trúng”.

Chuyện bà Nhuận kể là ký ức của hơn 40 năm về trước, khi ấy bà Nhuận là người mẹ trẻ chỉ hơn 20 tuổi, dắt theo đứa con gái mới vài tuổi.

Khi ấy, những người dân nghèo ở huyện Cái Nước, vì không muốn cầm súng chống lại đồng bào mình nên trốn chạy ra nơi đảo hoang mênh mông, hy vọng tìm con đường sống. Giờ đây, con gái bà Nhuận, chị Lê Thị Thu Lan đã hơn 50 tuổi. Hạt xoài bà Nhuận mang theo ra đảo hôm nào để gieo trồng, nay đã là cây xoài sum suê toả bóng.

Ngôi nhà của mẹ con bà cùng các cháu đã được xây và lợp tôn kiên cố. Chồng mất sớm, chị Lan một tay chèo chống nuôi 4 người con. Nhà chị là 1 trong 2 hộ đầu tiên trên đảo mạnh dạn trang bị bộ thiết bị năng lượng mặt trời trị giá hơn 40 triệu đồng.

“Đảo chưa có điện lưới quốc gia. Tất cả các hộ dân đều dùng máy phát điện. Đầu tư ban đầu hết khoảng hơn 20 triệu đồng, nhưng phải mua dầu để sử dụng hàng ngày, mỗi lần dùng lại phải khởi động khá vất vả. Nhà toàn đàn bà con gái, nên từ khi mua được bộ năng lượng mặt trời, thấy khoẻ re. Giờ chỉ lo thiếu nước ngọt thôi”, chị Lan bộc bạch.

Rửa tay bằng những giọt nước mát lành trong bể nước nhà chị Lan, ngắm những dãy thùng phuy nhựa lớn, bé xếp quanh nhà, trên các lối đi để tích trữ nước… mới hiểu, nước quý giá như thế nào với người dân trên đảo.

Hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt đang được lắp đặt tại Đồn Biên phòng Hòn Chuối, với công suất lọc 1 m3/ngày. Thiếu tá Trương Văn Kết tin tưởng, khi hệ thống lọc nước này đi vào hoạt động, nước ngọt sẽ không còn là khát khao của người dân trên đảo mỗi khi mùa khô đến.

Xanh màu hy vọng

Trong ký ức của anh Hồng Nhật Trường (quê ở huyện Phú Tân), 20 năm trước, khi anh mới ra đảo, mọi thứ chủ yếu là tự cung, tự cấp. Khoai, bắp trồng tốt lắm nhưng cũng không biết bán cho ai.

Vậy mà giờ đây, ngoài cửa hàng tạp hoá của vợ chồng anh, trên đảo Hòn Chuối đã xuất hiện nhiều  cửa hàng tạp hoá khác của cư dân, bán đủ những đồ dùng cần thiết. Nhờ những chuyến ghe bán đá, bán dầu cập cảng thường xuyên, nên việc trao đổi hàng hoá của người dân trên đảo đã thuận lợi hơn rất nhiều.

Bưng cho khách chai nước ngọt mát lạnh, cô chủ cửa hàng tạp hoá với cái tên gọi giản dị Bé Năm cho hay, cô lớn lên trong đất liền, lên Hòn Chuối thăm chị gái, gặp người chồng bây giờ, yêu nhau, lấy nhau rồi ở lại đảo. Cô nói về chuyện quyết định ở lại đảo dung dị, tự nhiên như chuyện nó phải vậy.

Chồng đi biển, một mình chăm chút cửa hàng nho nhỏ, với Bé Năm là chuyện bình thường. “Muốn mua gì chỉ cần điện thoại vào đất liền, chủ hàng sẽ gửi hàng theo ghe ra. Mình cũng không cần phải xuống lấy đồ, mà có người vác lên. Từ cảng lên trên này công khoảng 5.000 đồng/kg, thùng nhỏ 12.000 đồng, thùng to 15.000-20.000 đồng”, cô cho hay.

Thay vì đánh bắt, chạy lòng vòng đi câu mực, vác hàng thuê… đơn thuần như trước kia, khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều hộ dân trên Hòn Chuối đã bắt đầu biết nuôi cá bớp, giống cá cho giá trị kinh tế khá cao. Ở Cà Mau, khu vực Hòn Chuối rất thích hợp để nuôi loài cá này.

Ông Đỗ Tuấn Hiệp, Tổ trưởng Tổ tự quản Hòn Chuối, một trong những người có kinh nghiệm nhiều năm trên đảo đang nuôi cá bớp, chia sẻ: “Chỉ tính tiền thức ăn, tiền con giống, đầu tư cho mỗi hộc cá đã lên tới vài trăm triệu đồng. Cá không bệnh, bán được giá thì lãi cũng kha khá. Nhưng không may cá bệnh hoặc bán không được giá, coi như lỗ nặng”, ông Hiệp chia sẻ.

Quanh năm sóng gió, đời sống phụ thuộc vào con nước, vào những chuyến ra vào của ghe, theo hướng gió chướng, gió nồm, nên mỗi hộ ở Hòn Chuối có tới 2 căn nhà. Từ tháng 11 đến tháng 4 ở nhà bên gành Nam, từ tháng 5 đến tháng 10 chuyển nhà sang gành Bắc.

Gọi là nhà, nhưng đa phần đều được dựng tạm bằng gỗ và tôn, nắng gió góc nào cũng lọt. Khó khăn là vậy, nhưng người dân ở Hòn Chuối ai cũng xởi lởi, vui vẻ. Phụ nữ cũng chăm chút làm đẹp, đàn ông lúc cao hứng sẵn sàng cất lên những câu vọng cổ thiết tha, ngọt ngào…

Lang thang trên Hòn Chuối, tôi bị thu hút bởi lớp học tình thương của những người thầy giáo mang quân hàm xanh Bộ đội Biên phòng. Lớp mới được xây dựng tươm tất, bên cạnh gốc xoài toả bóng.

Nơi đây đã chứng kiến bao thế hệ học sinh là con em cư dân trên đảo trưởng thành, nhiều em đã vào bờ học lên đại học; nhiều em khác cũng tự tin đọc thông, viết thạo.

Nơi đây cũng đã có hàng chục lượt cán bộ, chiến sĩ từng gây dựng và đứng lớp, nay đã phục viên, chuyển ngành hoặc phát triển lên cấp cao hơn. Hiện tại, kế thừa và phát huy trách nhiệm “thầy giáo quân hàm xanh”, Thiếu tá Trần Bình Phục vẫn miệt mài dạy học cho hơn 20 học sinh được chia thành 6 lớp.

Khác với dáng vẻ lam lũ của cha mẹ, những đứa trẻ sạch sẽ, thơm tho trong bộ đồng phục gọn gàng. Đứa nào đứa nấy gọi thầy, xưng con rất lễ phép. Với chúng, đi học là thú vui lớn nhất ở hòn đảo nhỏ này. Nhìn các em cười đùa, nghe tiếng các em ríu rít chào khách, bỗng như thấy một bức tranh tương lai mang màu sắc tươi mới đang dần hiển hiện ở Hòn Chuối.

Ở Hòn Chuối, hộ nào đó không có tiền, vẫn có người bán chịu gạo cho đến vài lần. Ở Hòn Chuối, không nhà nào có khoá. Ở Hòn Chuối, một người đau, cả đảo đều biết… Bảo sao, người chưa ra đảo nghi ngại, nhưng người đã ở thì chẳng muốn rời đi.

Mai Lan-Lê Khoa (Báo Cà Mau)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem