Dân Việt

Dân Tiền Giang nuôi rô đồng, cá sặc rằn, rắn ri voi ở vùng kiểm soát lũ sông Tiền nhà nào cũng khá giả

Từ đầu năm đến nay, các huyện, thị đầu nguồn gồm: Cai Lậy, Cái Bè, Tân Phước, thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) đã đưa trên 3.200 ha mặt nước vào nuôi thủy sản nước ngọt với các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như: Cá tra, trê lai, rô đồng, cá lóc, cá mè, cá chép, cá sặc rằn...

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, thực hiện mục tiêu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu, giải quyết việc làm và thu nhập cho nông dân địa bàn khó khăn, các huyện, thị vùng kiểm soát lũ đầu nguồn sông Tiền (tỉnh Tiền Giang) đang phát triển mạnh nghề nuôi thủy sản nước ngọt mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nuôi thủy sản vùng đầu nguồn sông Tiền vừa tạo nguồn cung nông sản hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường, vừa góp phần khôi phục và phát triển nguồn lợi thủy sản nước ngọt vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Dân Tiền Giang nuôi rô đồng, cá sặc rằn, rắn ri voi ở vùng kiểm soát lũ sông Tiền nhà nào cũng khá giả - Ảnh 1.

Mô hình nuôi rắn ri voi ở hộ ông Trần Thanh Long (xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang).

Từ đầu năm đến nay, các huyện, thị đầu nguồn gồm: Cai Lậy, Cái Bè, Tân Phước, thị xã Cai Lậy đã đưa trên 3.200 ha mặt nước vào nuôi thủy sản nước ngọt với các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như: Cá tra, trê lai, rô đồng, cá lóc, cá mè, cá chép, cá sặc rằn,…

Trong đó, nhiều nhất là huyện Cái Bè với khoảng 1.680 ha mặt nước nuôi thủy sản nước ngọt. Ngoài ra, còn có hàng trăm lồng bè nuôi thủy sản nước ngọt trên sông Tiền, tập trung tại huyện Cai Lậy, chủ yếu nuôi cá điêu hồng, cá trê lai, cá tra.

Đáng chú ý, nhằm nâng cao hiệu quả nuôi thủy sản nước ngọt, vừa tạo việc làm và thu nhập cao cho nông dân, vừa đổi mới diện mạo nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới thành công, ngành Nông nghiệp phối hợp cùng các địa phương chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, kỹ thuật ương dưỡng cá giống, nhân rộng những mô hình nuôi có hiệu quả kinh tế cao. 

Đồng thời, tích cực kiện toàn kênh mương thủy lợi kết hợp phát triển giao thông nông thôn, tạo thuận lợi cho giao thương, phát triển kinh tế - xã hội nói chung và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân nói riêng, giúp nghề nuôi thủy sản nước ngọt ở các huyện, thị vùng kiểm soát lũ đầu nguồn sông Tiền phát triển bền vững và hiệu quả.

Đặc biệt, trong xu thế phát triển hiện nay cũng như nhằm phát huy tiềm năng nghề nuôi thủy sản nước ngọt đầu nguồn sông Tiền một cách bền vững, địa phương đang hình thành những vùng chuyên sản xuất và cung ứng con giống đáp ứng hậu cần vùng nuôi cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam bộ như: Vùng sản xuất cá giống ở xã Tân Hội (thị xã Cai Lậy), vùng sản xuất theo mô hình cá + lúa ở xã Hậu Mỹ Bắc A (huyện Cái Bè), vùng chuyên sản xuất cá cảnh ở xã Mỹ Hội (huyện Cái Bè) và các xã Mỹ Thành Nam, Mỹ Thành Bắc (huyện Cai Lậy)…

Gần đây, nông dân các địa phương trên còn đưa thêm nhiều đối tượng thủy sản nước ngọt có giá trị kinh tế cao vào nuôi, tạo ra những mô hình sản xuất mới và hiệu quả như: Nuôi ếch đồng, nuôi lươn, nuôi rắn ri voi,… đã thiết thực giúp nhiều nông dân vượt qua khó khăn, thách thức, tạo dựng cơ nghiệp bền vững. 

Từ đó xuất hiện nhiều điển hình nông dân chuyển đổi sản xuất sang nuôi thủy sản nước ngọt tạo dựng cơ nghiệp, trở thành tỷ phú nông thôn. Cụ thể như nông dân Nguyễn Văn Trước, xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè đã mở rộng diện tích gần 30 ha mặt nước chuyên sản xuất và cung ứng các loại giống thủy sản nước ngọt như: Cá tra, cá mè, cá chép, các loại cá cảnh…

Trung bình, mỗi năm ông cung ứng cho thị trường từ 25 - 30 tấn cá giống các loại, thu lãi ròng hàng tỷ đồng. Theo gương ông Trước, tại xã Hậu Mỹ Bắc A, nông dân đã mở rộng diện tích mặt nước ương dưỡng, sản xuất cá giống lên hàng trăm hécta, trở thành vùng sản xuất cá giống nước ngọt lớn nhất tỉnh Tiền Giang hiện nay.

Hay như nông dân Trần Thanh Long, ấp 6, xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, chỉ có khoảng 500m2 đất thổ cư. Sau khi tìm hiểu những mô hình mới, cách làm hay trong nông dân, ông Trần Thanh Long quyết định đầu tư nuôi rắn ri voi sinh sản, cung ứng con giống cho bà con có nhu cầu. 

Cụ thể, ông xây dựng 03 hồ nuôi, mỗi hồ chiều dài khoảng 02m và rộng 01m, diện tích 02m2/hồ. Trong hệ thống hồ, ông thả nuôi khoảng 300 con rắn ri voi bố mẹ, trong đó số lượng rắn cái khoảng 200 con, còn lại là rắn đực. 

Mỗi năm, gia đình ông Long cung ứng hàng ngàn con giống rắn ri voi, thu về hàng trăm triệu đồng, lãi ròng trên 70% tổng thu. Ông Long cho biết, mô hình nuôi rắn ri voi thích hợp với điều kiện gia đình có diện tích đất hẹp, vừa dễ thực hiện, vừa mang lại lợi nhuận cao.

Nhìn chung, nuôi thủy sản nước ngọt tại các huyện, thị đầu nguồn sông Tiền mang lại lợi nhuận cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa năng suất cao độc canh, phù hợp với những địa bàn đất hẹp, người đông, vừa giúp tháo gỡ những khó khăn trong phát triển kinh tế gia đình cho các hộ nông dân, vừa thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn ngập lũ đầu nguồn sông Tiền.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, chuyển đổi sản xuất trên những địa bàn khó khăn vùng kiểm soát lũ đầu nguồn sông Tiền từ độc canh cây lúa sang đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi hoặc nuôi thủy sản nước ngọt là hướng đi đúng, được khuyến khích nhằm tạo nguồn nông sản hàng hóa có giá trị đáp ứng nhu cầu thị trường, thúc đẩy tiến trình đổi mới nông nghiệp - nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Trước mắt, nghề nuôi thủy sản nước ngọt phát triển đã đóng góp đáng kể trong việc giảm nghèo nông thôn, giúp người dân tạo dựng cơ nghiệp vững chắc, là tiền đề để các huyện, thị trong vùng hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Trong đó, thị xã Cai Lậy được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới vào năm 2020, 100% số xã trong huyện Cai Lậy được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng thời, trong năm 2022, huyện Cai Lậy phấn đấu đạt chuẩn và ra mắt huyện nông thôn mới.