Ngày 21/9, đồng USD đã tăng giá lên mức cao nhất trong vòng 20 năm trở lại đây so với các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ quốc tế.
Nguyên nhân là do các nhà đầu tư đổ dồn vào các tài sản an toàn trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine chưa hạ nhiệt và khả năng Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng lãi suất cơ bản.
Cụ thể, chỉ số USD (USD Index), vốn thường dùng để so sánh giá trị của đồng bạc xanh với các đồng tiền khác như euro, đồng bảng Anh, đồng yen Nhật Bản, đã tăng 0,5% lên mức 110, 87 điểm, mức cao nhất kể từ năm 2002.
Đây là diễn biến mới nhất sau khi cùng ngày, Chính phủ Nga thông báo quyết định động viên thêm 300.000 quân.
Trong khi đó, loạt đồng tiền châu Âu lại đi xuống. Giá trị đồng euro giảm xuống mức thấp nhất trong 2 tuần qua, đứng ở mức 0,9885 USD/euro.
Đồng bảng Anh cũng theo đà giảm - giảm 0,4% xuống còn 1,1305 USD/bảng, là mức thấp nhất trong vòng 37 năm qua.
Chiến lược gia về tiền tệ Kenneth Broux thuộc ngân hàng đầu tư đa quốc gia Societe Generale cho rằng những quan ngại xung đột tại Ukraine leo thang đã tác động đến các đồng tiền của châu Âu. Đà giảm của các đồng tiền này còn tiếp diễn nếu FED quyết định tăng lãi suất.
Tại Mỹ, các quan chức FED đang tiến hành cuộc họp trong các ngày 20-21/9. Giới chuyên gia nhận định nhiều khả năng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm cơ bản, trong khi một số ý kiến cho rằng mức tăng có thể 1 điểm phần trăm.
Dự kiến, 18GMT tối 21/9 (tức 1h ngày 22/9 - giờ Việt Nam), FED sẽ công bố quyết định cuối cùng.
Sự điều chỉnh lần này của FED sẽ đánh dấu động thái mới nhất trong loạt điều chỉnh chính sách của các ngân hàng trung ương trên thế giới, qua đó đánh giá khả năng phục hồi của kinh tế toàn cầu và khả năng của các nước ứng phó với các cú sốc về ngoại hối trong bối cảnh đồng USD tăng giá.
Ước tính, từ đầu năm tới nay, chỉ số USD đã tăng gần 16%.