Bên ngoài nhà vệ sinh nữ tại ga tàu điện ngầm Sindang, ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc), treo một tấm bảng ghi: "Seoul thân thiện với phụ nữ".
Những từ ngữ này, vốn nhằm khẳng định sự an toàn đối với phụ nữ, đã trở thành lời mỉa mai bi thảm.
Vào ngày 14/9, một phụ nữ trẻ làm việc tại nhà ga đã bị sát hại dã man trong nhà vệ sinh này, sau nhiều năm bị nghi phạm đeo bám, theo BBC.
Kể từ đó, bức tường bên dưới tấm bảng phủ kín những mẩu giấy ghi chú từ người dân ở mọi lứa tuổi, với những lời nhắn đầy giận dữ, sợ hãi và đau buồn.
"Tôi chỉ muốn sống sót sau một ngày làm việc", một người viết. "Muốn an toàn từ chối người mình không thích là đòi hỏi quá đáng sao?", một người khác viết.
Một phụ nữ có con gái trong độ tuổi vị thành niên đã khóc khi đọc những lời nhắn. "Chúng ta đã sai từ đâu?", cô hỏi và trăn trở liệu có nên tiếp tục để con gái đến trường một mình hay không.
Những tình tiết về vụ án mạng đã gây chấn động Hàn Quốc. Vào ngày 14/9, cô gái 28 tuổi vẫn làm ca tối như thường lệ ở ga tàu điện ngầm mà không hề hay biết bản thân đang bị theo dõi.
Người tấn công được cho là Jeon Joo Hwan, 31 tuổi, đã chờ hơn một giờ bên ngoài nhà vệ sinh, đeo găng tay và đội mũ tắm dùng một lần, sau đó bám theo nạn nhân vào trong và đâm cô đến chết.
Vụ án xảy ra chỉ một ngày trước khi nghi phạm phải hầu tòa vì tội rình rập và theo dõi nạn nhân.
Jeon bắt đầu quấy rối nạn nhân từ năm 2019, một năm sau khi cả hai làm việc cùng nhau. Nghi phạm đã gọi nạn nhân hơn 300 lần để cầu xin cô hẹn hò và đe dọa làm hại nếu cô từ chối.
Nạn nhân đã nộp đơn kiện 2 lần với cáo buộc quay lén và rình rập. Tuy nhiên, bất chấp các cuộc điều tra và yêu cầu tạm giam của cảnh sát, Tòa án quận Tây Seoul bác bỏ với lý do thiếu bằng chứng.
Nghi phạm chưa bao giờ bị giam giữ hoặc chịu lệnh cấm. Nạn nhân được cảnh sát bảo vệ trong một tháng, sau đó họ kết luận không có nguy hiểm nào đáng kể.
Từ khi nạn nhân qua đời, cha mẹ và hai em gái của cô hầu như không rời khỏi nhà tang lễ. Gia đình suy sụp không chỉ bởi sự mất mát, mà vì nạn nhân chưa bao giờ thổ lộ với họ những gì cô đã trải qua.
"Chúng tôi chưa bao giờ phải lo lắng về con bé", chú của nạn nhân nói. "Con bé rất thông minh và độc lập".
Ông nói thêm rằng trong suốt những năm qua, cô không hề thể hiện bản thân đang phải chịu đựng điều gì, vì không muốn tạo gánh nặng cho gia đình. Người duy nhất mà cô tâm sự là luật sư đại diện.
Cả gia đình nạn nhân và xã hội Hàn Quốc đang dõi theo vụ án phơi bày những kẽ hở trong luật chống rình rập của nước này, đồng thời cáo buộc chính quyền Seoul không xử lý triệt để nạn bạo lực đối với phụ nữ.
Cho đến năm 2021, hành vi rình rập ở Hàn Quốc vẫn được xếp vào tội nhẹ, chỉ bị phạt một khoản tiền nhỏ khoảng 100.000 won (71 USD).
Đến tháng 10/2021, chính quyền Seoul thông qua luật chống rình rập, nhưng nhiều người cho rằng nó không đủ để bảo vệ nạn nhân, vì quy định nghi phạm chỉ có thể bị truy tố khi có sự đồng ý của nạn nhân.
Họ nói rằng kẽ hở này có thể khiến những kẻ rình rập ép buộc nạt nạn nhân rút đơn, giống như cách Jeon đã làm. Jeon đã khai báo với cảnh sát rằng người này giết nạn nhân vì phẫn nộ khi cô thực hiện hành động pháp lý.
Dữ liệu do BBC thu thập từ Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc cho thấy kể từ khi luật chống rình rập có hiệu lực vào năm 2021, 7.152 vụ bắt giữ đã được tiến hành, nhưng chỉ 5% số nghi phạm bị giam giữ. Trong những trường hợp cảnh sát nộp đơn xin lệnh giam giữ từ tòa án, 1/3 yêu cầu bị từ chối.
Gần đây, Đại học Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc cũng công bố một báo cáo cho thấy gần 4/10 vụ sát hại vì tình bắt đầu bằng hành vi rình rập.
Vụ án ngày 14/9 vừa qua đã nêu bật cuộc chiến chống lại tội phạm trên cơ sở giới của Hàn Quốc. Quốc gia này từng đi đầu trong phong trào #MeToo ở châu Á, một phần để đối phó với đại dịch molka - ám chỉ hành vi quay lén thường nhắm vào phụ nữ, theo Guardian.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol thừa nhận luật chống rình rập của nước này không đủ, và đã ra lệnh cho Bộ Tư pháp khắc phục kẽ hở.
Giáo sư Lee Soo Jung, nhà tâm lý học tội phạm tư vấn cho chính phủ, nói rằng bà đã mất ngủ sau khi nghe về vụ án mạng.
"Chúng tôi đã không thể bảo vệ cô ấy. Đúng, chúng tôi đã khiến cô ấy thất vọng", bà thừa nhận.
Giáo sư đang khuyến nghị Bộ Tư pháp loại bỏ điều khoản yêu cầu nạn nhân đồng ý truy tố. Tuy nhiên, các nhà phê bình đã chỉ ra rằng yêu cầu tương tự từng bị đình trệ tại quốc hội hơn một năm.
Trong khi đó, Tòa án Tối cao đã đề xuất ban lệnh cấm với những trường hợp không bị giam giữ, để ngăn nghi phạm tiếp cận nạn nhân.
Bất chấp những cam kết này, sự giận giữ ngày càng gia tăng. Tuần này, hàng trăm người mặc trang phục đen đã tập trung tại Seoul để thương tiếc nạn nhân.
"Công ty, cảnh sát và tòa án đã bỏ rơi cô ấy", những người biểu tình la hét và khẳng định cái chết của nạn nhân là dấu hiệu của một vấn đề lớn hơn. Họ lo sợ điều đó có thể xảy ra với bất kỳ ai và sẽ không còn nơi nào an toàn.
Vụ án của nữ nhân viên nói trên đã gợi lại ký ức về một vụ giết người tương tự cách đây 6 năm, khi một phụ nữ ở độ tuổi 20 bị đâm chết trong nhà vệ sinh công cộng gần ga Gangnam. Nghi phạm nói đã giết cô để trả thù những người phụ nữ coi thường anh.
Đối với những người biểu tình, đó là bằng chứng cho thấy không có gì thay đổi trong suốt 6 năm qua. "Chúng tôi đã bị lừa trước đây. Hãy xem lần này điều gì sẽ xảy ra", một người biểu tình nói.
Trong khi đó, Choi Jin-hyup, giám đốc nhóm Women Link, chỉ trích giới chức Hàn Quốc: “Chúng tôi không cần luật mới. Những gì chúng tôi cần là các nhà chức trách thay đổi thái độ với nạn nhân”.
Song trong chiến dịch tranh cử gần đây, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã yêu cầu đóng cửa Bộ Bình đẳng Giới, tuyên bố cơ quan này đã lỗi thời vì sự phân biệt giới tính không còn tồn tại.
Sự phẫn nộ càng tăng lên khi bà Kim Hyun-sook, Bộ trưởng Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc, phủ nhận vụ án là một trường hợp bạo lực trên cơ sở giới. Hiện đã có những lời kêu gọi bà từ chức.
"Tôi rất tức giận", Lee Chae-hui, 23 tuổi, nói. "Họ tiếp tục cho rằng tội ác này chỉ là một vụ giết người đơn thuần, nhưng phụ nữ liên tục bị theo dõi và tấn công. Và các chính trị gia phớt lờ điều đó”.
“Mọi người nói Hàn Quốc là một nơi an toàn, nhưng với tư cách một phụ nữ ở độ tuổi 20, tôi không thể công nhận điều này. Tôi cảm thấy mình đang sống trong một xã hội rất nguy hiểm".
Đồng tình với quan điểm của Lee, nhiều người cũng để lại lời nhắn trên bức tường tại ga tàu điện ngầm: "Cần bao nhiêu phụ nữ phải bỏ mạng để đất nước này thay đổi?".