Dân Việt

Cảnh báo nhiễm nấm đen - bệnh mới nổi nguy hiểm, gây nhiễm trùng nghiêm trọng

Diệu Linh - Mai Thanh 26/09/2022 11:32 GMT+7
Thời gian qua, Bệnh viện Bạch Mai đã điều trị hơn 20 bệnh nhân nhiễm nấm đen với các nhiễm trùng nặng "ăn" lan từ khoang mũi ra xương hàm, ổ mắt, hệ thần kinh...

Nhiễm nấm đen - bệnh mới nổi nguy hiểm

Ngày 26/9, tin từ Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân nhiễm nấm đen đang có xu hướng gia tăng. Trước đây chưa từng ghi nhận ca nhiễm nấm đen, nhưng từ năm 2020 sau khi có dịch Covid-19 thì số lượng bệnh nhân nhiễm nấm đen tăng nhanh. Đến nay đã có hơn 20 bệnh nhân nhiễm nấm đen phải nhập viện điều trị. 

Các bệnh nhân nhiễm nấm đen đến chủ yếu từ các khoa Tai mũi họng, Hồi sức tích cực, Thần kinh, Mắt, Nội tiết - Đái tháo đường và được chuyển đến Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) để điều trị. 

Đa số các bệnh nhân này đều có bệnh nền khi nhập viện và trong tình trạng nhiễm trùng nặng, có các tổn thương nhiễm nấm ăn từ xoang lan lên xương hàm, ổ mắt, hệ thần kinh… 

"Đây là dạng nấm xâm nhập đã được y văn thế giới nhắc đến, đặc biệt là tại Ấn Độ trong giai đoạn vừa qua với số lượng bệnh nhân tăng đột biết, là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao sau khi nhiễm Covid -19", PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết.

Cảnh báo nhiễm nấm đen - bệnh mới nổi nguy hiểm, gây nhiễm trùng nghiêm trọng - Ảnh 1.

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân nhiễm nấm đen điều trị tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới. Ảnh BVCC

Theo PGS Cường, nấm đen hay còn gọi là Mucormycosis là một bệnh nhiễm trùng hiếm gặp nhưng nguy hiểm do nhóm nấm mốc có tên Mucormycetes gây ra, thường ảnh hưởng đến xoang, mắt, phổi, da và não, nhất là trên những người có hệ miễn dịch suy yếu.

Nhóm nấm Mucor tạo ra hàng triệu bào tử lơ lửng trong không khí và thường phát triển vào mùa hè và mùa thu, những bào tử này khi tiếp xúc với bề mặt ẩm ướt, có các chất hữu cơ thối rữa: lá cây, gỗ mục nát, phân động vật hoặc đất, chúng bắt đầu nảy mầm và tạo ra sợi nấm. 

Nấm xâm nhập vào cơ thể qua 2 đường: Hít phải bào tử nấm từ không khí, gây nhiễm trùng phổi, não hoặc xoang và xâm nhập qua da bởi vết cắt, vết xước, vết cào, vết bỏng và một số tổn thương da khác.

"Những nhóm người có nguy cơ cao mắc bệnh là: Người từng mắc Covid-19; người mắc bệnh đái tháo đường type 2 đặc biệt là có tình trạng nhiễm toan ceton; người mắc bệnh ung thư, cấy ghép tạng, cấy ghép tế bào, sử dụng Corticosteroid kéo dài, người có tình trạng suy giảm miễn dịch, nhiễm HIV, người bị chấn thương da do phẫu thuật, bỏng, trẻ sinh non, nhẹ cân và suy dinh dưỡng…", PGS Cường nhấn mạnh. 

5 dạng bệnh do nhiễm nấm đen gây ra

Theo PGS Cường, bệnh nhiễm nấm đen có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan và bộ phận cơ thể. Các triệu chứng phụ thuộc vào tình trạng nhiễm trùng nơi nấm phát triển. 

Nó có thể dẫn đến mũi bị hoại tử thâm đen hoặc đổi màu, đau mặt, đau vùng xoang lan lên mắt, đau đầu, đau ngực, khó thở và ho ra máu,... 

Cảnh báo nhiễm nấm đen - bệnh mới nổi nguy hiểm, gây nhiễm trùng nghiêm trọng - Ảnh 2.

PGS.TS Đỗ Duy Cường xem hình ảnh phim chụp tổn thương sọ não và xoang ở bệnh nhân nhiễm nấm đen. Ảnh BVCC

PGS Cường cho biết, nấm đen gây ra 5 dạng bệnh cảnh như:

- Nhiễm trùng xoang và não: nhóm nguy cơ cao dễ nhiễm nấm nhất là bệnh nhân đái tháo đường không kiểm soát, người ghép thận. Các dấu hiệu của dạng bệnh này như sốt, đau đầu, đau xoang hoặc nghẹt mũi; sưng mặt một bên; tổn thương màu đen ở phía trên bên trong miệng hoặc trên sống mũi.

- Viêm phổi với các dấu hiệu: Khó thở hoặc thở gấp; tức ngực; sốt cao trên 38 độ C, ho ra máu.

- Nhiễm trùng da và niêm mạc: Thường gặp ở người không bị suy giảm miễn dịch với các dấu hiệu như đau vùng mặt sau đó xuất hiện một nốt phỏng trên da, dần dẫn tới loét da hoặc nhiễm trùng da, xâm lấn vào mũi xoang, quanh gò má, giữa mắt và môi, lâu dần tổn thương da bị nhiễm bệnh chuyển sang màu đen, sưng tấy, hoại tử.

- Nhiễm trùng đường tiêu hoá: Thường ở trẻ em, đặc biệt trẻ sinh non và nhẹ cân dưới 1 tháng tuổi với các dấu hiệu như buồn nôn và nôn, đau bụng hoặc đau dạ dày, xuất huyết dạ dày.

- Nhiễm nấm đen mucormycosis lan tỏa: Bệnh thường xảy ra ở những bệnh nhân đã mắc bệnh mạn tính do vậy các dấu hiệu bệnh khó phân biệt với các bệnh đang có sẵn. Nhiễm trùng lan tỏa thường ảnh hưởng nhất đến não, hệ thần kinh trung ương gây tình trạng như hôn mê hoặc rối loạn ý thức. 

Các dấu hiệu có thể gặp: Sưng mí mắt dưới hoặc trên (hoặc cả hai), chảy mủ ra khỏi mắt; tê liệt các cơ mí mắt, bệnh diễn tiến nặng hoặc kéo dài, toàn thân suy sụp.

Nhiều khó khăn trong chẩn đoán, điều trị bệnh nhiễm nấm đen

"Chẩn đoán bệnh nấm đen hiện nay dựa vào bệnh cảnh lâm sàng kết hợp với xét nghiệm nuôi cấy hoặc giải phẫu bệnh có ý nghĩa trong việc xác định chẩn đoán.


Tuy vậy việc chẩn đoán cũng còn khó khăn vì triệu chứng lâm sàng đa dạng, phức tạp, bệnh phẩm nuôi cấy khó mọc cũng như cần có các nhà giải phẫu bệnh học có kinh nghiệm để đọc tiêu bản", PGS Cường chia sẻ. 

PGS Cường cho biết, hiện nay, Bộ Y tế mới chỉ có hướng dẫn chung cho các bệnh nhân nhiễm nấm, chưa có hướng dẫn dành riêng cho bệnh nhân nhiễm nấm đen. 

Hiện việc điều trị nấm đen đang sử dụng các thuốc chống nấm truyền tĩnh mạch là Amphotericin B, thời gian giai đoạn tấn công là 2-4 tuần. Tuy nhiên thuốc này có nhiều độc tính và rất đắt tiền, bảo hiểm y tế chỉ chi trả 50%.

Cảnh báo nhiễm nấm đen - bệnh mới nổi nguy hiểm, gây nhiễm trùng nghiêm trọng - Ảnh 3.

Bệnh nhân bị nhiễm nấm đen gây nhiễm trùng toàn bộ vùng xoang và mắt được điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh BVCC

"Chúng tôi cũng gặp khó khăn nữa trong điều trị là hết giai đoạn tấn công, bệnh nhân khó để có thể tìm được thuốc cho giai đoạn duy trì, đó là thuốc Posaconazol hoặc Isavuconazol.

Đây là các thuốc khó tìm tại thị trường Việt Nam và rất đắt tiền nên bệnh nhân thường bỏ thuốc, không tuân thủ điều trị, do đó bệnh dễ bị tái phát trở lại, nấm có thể ăn sâu thêm và tổn thương nặng nề hơn. Đó là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tử vong cao cho nhóm bệnh này.

Ngoài ra, nấm đen ăn sâu vào trong các tổ chức xoang, hốc mắt, tổ chức thần kinh,... cần phải được kết hợp ngoại khoa để loại bỏ các tổ chức áp xe hoại tử và rửa sạch bằng các dung dịch sát khuẩn tại chỗ.

Việc theo dõi và điều trị bệnh nền như đái tháo đường, bệnh máu, chống suy thượng thận, tăng cường dinh dưỡng...  cũng đặc biệt quan trọng.

Qua đây chúng tôi cũng kính đề nghị Bộ Y tế sớm đưa ra phác đồ điều trị dành riêng cho loại bệnh này, nhập được thuốc và có chính sách bảo hiểm y tế chi trả cho những bệnh nhân nhiễm nấm đen", PGS Cường kiến nghị.

Cách đề phòng bệnh nhiễm nấm đen

"Hiện tại, không có thuốc hay vacine chủng ngừa để ngăn chặn bệnh nấm đen. Để phòng bệnh, đặc biệt ở những bệnh nhân có bệnh nền đái tháo đường, ung thư, suy giảm miễn dịch, hậu Covid-19,.. nên chú ý:

Tránh đến khu vực có nhiều khói bụi, công trường. Đeo khẩu trang hiệu suất lọc trên 95% có than hoạt tính khi phải đến khu vực có nhiều khói bụi.

Tránh các hoạt động tiếp xúc trực tiếp với bụi hoặc đất. Mang găng tay, ủng nếu thực hiện bất kỳ hoạt động nào liên quan đến đất.

Vệ sinh vùng da bị thương bằng nước ấm và dung dịch sát khuẩn để tránh nhiễm trùng da.

Nếu bạn đã cấy ghép tế bào gốc hoặc cấy ghép nội tạng, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn để được dùng thuốc kháng nấm để ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng do nấm.

Tại các bệnh viện, các cơ sở y tế lưu ý: Khử trùng các thiết bị được sử dụng bởi nhiều bệnh nhân (ống khí quản, máy thở, mặt nạ phun khí dung…); có hệ thống thông gió; xử lý vết thương đúng cách…

Điều trị và kiểm soát tốt bệnh nền. Khi có triệu chứng nghi ngờ nhiễm nấm đen cần đến các cơ sở chuyên khoa để khám và phát hiện, điều trị thuốc chống nấm sớm, đúng phác đồ để hạn chế tỷ lệ tử vong".

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai