Dưới 30 tuổi cũng có thể mắc ung thư vú, chuyên gia y tế cảnh báo các nguy cơ

Diệu Linh Thứ hai, ngày 26/09/2022 06:07 AM (GMT+7)
Theo các chuyên gia y tế, việc sàng lọc, phát hiện sớm giúp bệnh nhân ung thư vú có thể sống thêm 5 năm trở lên là 95-100%.
Bình luận 0

Ung thư vú càng phát hiện sớm càng điều trị hiệu quả

Theo TS, bác sĩ Lê Thanh Đức, Trưởng khoa Nội vú – phụ khoa (Bệnh viện K Trung ương), bệnh ung thư vú điều trị mang lại hiệu quả cao nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm.

TS Đức chia sẻ: “Có nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ sống thêm sau 5 năm của bệnh nhân ung thư vú có thể đạt tới 100% nếu bệnh phát hiện ở giai đoạn tiền lâm sàng (giai đoạn 0). Tỷ lệ này giảm xuống còn 95% ở giai đoạn I, 80% ở giai đoạn II, 72% ở giai đoạn III và chỉ còn 25% ở giai đoạn IV.

Điều này cho thấy việc sàng lọc phát hiện sớm ung thư là việc nên làm và cần thực hiện nếu muốn kiểm soát căn bệnh này”.

Dưới 30 tuổi cũng có thể mắc ung thư vú, chuyên gia y tế cảnh báo các nguy cơ - Ảnh 1.

Nhiều phụ nữ trẻ cũng chủ động đi khám, tầm soát ung thư vú từ sớm. (Tư vấn tầm soát ung thư vú tại Bệnh viện K Trung ương. Ảnh BVCC)

Theo TS Đức, việc tầm soát ung thư vú định kỳ là phương pháp quan trọng nhất để chị em phòng ngừa hoặc phát hiện ung thư vú từ sớm. Hiện nay, nhiều chị em đã chủ động tầm soát ung thư vú, kể cả chị em mới ngoài 30 tuổi.

TS, bác sĩ Lê Hồng Quang, Trưởng khoa Ngoại vú (Bệnh viện K Trung ương) cũng cho biết, trước đây tại bệnh viện K tỷ lệ phát hiện ung thư vú tới 75% ở giai đoạn muộn do chị em thường e ngại không đi khám .

Nhưng những năm trở lại đây, do ý thức của chị em quan tâm hơn tới sức khỏe và các thông tin truyền thông.... do đó tỷ lệ chị em chủ động đến khám gia tăng, khiến việc phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm đã đạt trên 75%.

"Phát hiện càng sớm thì điều trị càng đơn giản, hiệu quả, đỡ tốn kém về kinh phí. Hiện nay tỷ lệ chữa khỏi cho bệnh nhân ung thư vú tại bệnh viện K đã ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới ở mức trên 70%", TS Quang khẳng định.

Nhờ tầm soát phát hiện sớm ung thư mà nhiều chị em đã phát hiện bệnh ở giai đoạn rất sớm, điều trị khả quan.

“Có nhiều bệnh nhân phát hiện ung thư vú khi chưa tới 30 tuổi. Rất may là do họ đến khám sớm, phát hiện ở giai đoạn sớm nên hiệu quả điều trị rất cao. Có nhiều bệnh nhân sau phẫu thuật không cần điều trị thêm, chỉ theo dõi tái khám định kỳ”, TS Quang chia sẻ.

Dấu hiệu nào cảnh báo sớm ung thư vú?

Theo TS Quang, chị em phụ nữ cần lưu ý một số dấu hiệu dưới đây để thăm khám kịp thời, phòng ngừa ung thư vú:

• Khi sờ phát hiện có khối u ở vú, hoặc vùng xung quanh vú như dưới nách;

Dưới 30 tuổi cũng có thể mắc ung thư vú, chuyên gia y tế cảnh báo các nguy cơ - Ảnh 2.

Hướng dẫn chị em phụ nữ có thể chủ động tiến hành tự khám vú tại nhà hàng tháng (Ảnh BVCC)

• Vú có sự thay đổi về hình dạng và kích thước;

• Vùng da ở ngực, núm vú hoặc quầng vú xuất hiện vảy, đỏ hoặc sưng;

• Núm vú bị tụt;

• Vùng vú hoặc núm vú xuất hiện đau nhức;

• Có vết lõm ở da hoặc phần da xung quanh vú dày lên;

• Tiết dịch hoặc dịch có lẫn máu ở đầu vú.

Chị em phụ nữ thuộc nhóm đối tượng nào nên tầm soát ung thư vú

TS Đức cũng cho biết, có nhiều yếu tố thúc đẩy sự phát triển của ung thư vú, chị em thuộc nhóm đối tượng dưới đây nên lưu ý khám tầm soát từ sớm:

• Phụ nữ một số đột biến về gen như BRCA 1 hoặc BRCA 2. Theo thống kê khoảng 10% số ca ung thư vú có yếu tố gen đột biến.

• Phụ nữ có sử dụng các liệu pháp nội tiết tố thay thế.

Dưới 30 tuổi cũng có thể mắc ung thư vú, chuyên gia y tế cảnh báo các nguy cơ - Ảnh 3.

Bệnh ung thư vú điều trị mang lại hiệu quả cao nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm (Thực hiện tầm soát ung thư vú tại Bệnh viện K Trung ương. Ảnh BVCC)

• Tiền sử gia đình có người mắc ung thư vú, đặc biệt là quan hệ thế hệ 1 (mẹ, dì, chị em gái, con gái).

• Chị em từng xạ trị vào vùng vú hoặc vùng ngực.

• Chị em ít tham gia các hoạt động thể chất, chế độ ăn uống không lành mạnh, sử dụng nhiều rượu bia, thuốc lá, thừa cân, béo phì.

• Phụ nữ từ 40 tuổi trở lên nên đi khám tầm soát hàng năm, với người có tiền sử gia đình mắc bệnh này nên đi khám sớm hơn.

"Các chị em nên giữ thói quen khám vú tại nhà hàng tháng hoặc khám tầm soát ung thư định kỳ hàng năm và xây dựng chế độ sinh hoạt, ăn uống lành mạnh để có thể lắng nghe cơ thể mình phát hiện những bất thường từ sớm, thăm khám để được chẩn đoán kịp thời, chính xác nhất", TS Đức khuyến cáo.

Theo thống kê của Tổ chức ghi nhận ung thư toàn cầu, Việt Nam nằm trong top các quốc gia có tỷ lệ mắc ung thư vú tăng nhanh hiện nay.

Cụ thể, ở nước ta số ca mắc mới lên đến 21.555 ca bệnh được ghi nhận năm 2020 và tử vong là 9.345 người. Vì vậy cách phòng, tầm soát, sàng lọc và điều trị hiệu quả là vấn đề quan trọng để giảm nguy cơ mắc, tử vong do ung thư vú.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem