Số phận bi thảm của nàng dâu Chân Mật Chân Mật sinh ra trong một gia đình danh giá, giàu có. Nhan sắc của nàng lộng lẫy đến nỗi thời Tam quốc có câu: "Đông Ngô hữu nhị Kiều, Bắc phương Chân Mật tiếu".
Như vậy, Chân thị ít ra cũng đẹp không kém gì hai nàng Đại Kiều và Tiểu Kiều nhà Đông Ngô. Chính vì nổi tiếng như vậy nên Viên Thiệu, chúa tể Ký Châu, đã cưới nàng cho đứa con thứ ba của mình là Viên Hy. Họ Viên dần dần bị Tào Tháo triệt hạ.
Năm 204 khi Tào Tháo đánh Nghiệp Thành, thủ phủ của Ký Châu, Chân thị, khi đó 22 tuổi lọt vào tay quân Tào. Thấy nàng quá xinh đẹp, con trai lớn mới 18 tuổi của Tào Tháo là Tào Phi lập tức si mê, đoạt lấy nàng làm vợ.
Theo "Tam quốc diễn nghĩa", khi thắng trận, Tào Phi dẫn quân xông thẳng vào nhà họ Viên, thấy hai người đàn bà đang ôm nhau khóc, hỏi ra thì là vợ và con dâu thứ ba của Viên Thiệu. Tào Phi kéo người phụ nữ trẻ lại gần, thấy tuy cố làm cho đầu bù, mặt nhọ nhưng quả là một trang quốc sắc, bèn dịu giọng hứa sẽ bảo toàn cho cả gia đình.
Khi gặp Tào Tháo, vợ Viên Thiệu biết ý Phi bèn dâng nàng dâu cho Phi, dù con trai bà ta lúc đó còn sống. Tháo nhìn dung nhan Chân thị, gật đầu nói: "Thật đáng là con dâu họ Tào". Tuy nhiên, cũng có một biến tưởng của câu chuyện Chân Mật về làm dâu nhà họ Tào là: vì nghe đồn về nhan sắc kiều diễm của Chân thị, chính Tào Tháo rất thèm khát nên khi đem quân triệt hạ họ Viên đã có ý định chiếm lấy nàng về mua vui cho mình.
Vì thế, ông ta ra lệnh không ai được xâm phạm đến gia quyến nhà họ Viên. Thật không may là cậu con trai nhanh chân hơn đã chiếm được người đẹp, khiến Tào Tháo tuy tiếc đứt ruột vẫn phải cưới nàng cho con trai mình. Từ đó, Chân Mật trở thành con dâu nhà họ Tào.
Từ đây, mặc dù sở hữu một sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành nhưng cuộc đời Chân Mật cũng bất hạnh không ai bằng. Tám tháng sau khi kết hôn cùng Tào Phi, Chân Mật đã hạ sinh một đứa con trai đặt tên là Tào Tuấn.
Vì sinh sớm nên nhiều phi tần của Tào Phi đã dèm pha rằng Tào Tuấn là con của Viên Hy chứ không phải chứ không phải máu mủ nhà họ Tào. Mặc dù, Tào Phi đủ khôn ngoan để không chối bỏ giọt máu của mình vì khi Chân thị về với y, Viên Hy đã rời vợ đi trấn thủ U Châu đã gần năm trời. Nhưng cũng chính vì những lời dèm pha này, Chân Mật đã bị thất sủng và ngày càng bị chồng ghẻ lạnh.
Tào Tháo mất, Tào Phi kế nghiệp làm Ngụy Vương. Được ít lâu, Phi bức Hán Hiến đế nhường ngôi, trở thành hoàng đế đầu tiên của nhà Ngụy. Chân thị trở thành vợ vua, mẹ của thái tử Tào Tuấn, nhưng hạnh phúc không đến với nàng bởi Tào Phi đã có nhiều mỹ nhân khác.
Tào Phi ngày càng lạnh nhạt với Chân Mật, suốt thời gian dài gần như không đoái hoài gì đến cuộc sống của nàng. Một trong những tình địch ghê gớm nhất của Chân Mật là Quách thị. Vì Chân Mật là vợ cả lại là người có sắc đẹp hơn người nên Quách thị luôn tỏ ra ghen tức quyết tâm tiêu diệt Chân Mật để trở thành chủ hậu cung.
Bày mưu tính kế chán chê nhưng không hại được Chân Mật nên Quách thị đã sử dụng chiêu bài "độc", để bùa trong phòng của Tào Phi rồi tố cáo Chân thị yểm bùa hãm hại chồng. Mặc dù ban đầu không tin lời của Quách thị, nhưng vốn tính đa nghi, Tào Phi đã cho điều tra và quả nhiên bắt được tượng gỗ đề tên mình trong phòng của Chân Mật.
Sau khi tìm được vật chứng, Tào Phi đã ra lệnh cho Chân Mật uống thuốc độc tự tử. Không những thế, sau khi chết, Chân Mật còn bị nhét đầy cám vào mồm, rũ tóc che khuất mặt mới được mai táng. Khi đó, nàng 39 tuổi. 5 năm sau, Tào Phi chết, con của Chân thị là Tào Tuấn lên ngôi, tức là Ngụy Minh đế.
Nàng họ Quách tuy không có con nhưng là hoàng hậu của Tào Phi nên nghiễm nhiên trở thành thái hậu. Còn Chân thị bạc mệnh chỉ được an ủi với danh hiệu "Văn Chiêu hoàng hậu" mà con trai truy tặng cho mình. Một năm sau khi Chân thị qua đời, Tào Thực, em trai Tào Phi, đi qua sông Lạc Thủy nằm mộng thấy nữ thần sông này, tỉnh dậy cảm động mà viết bài "Lạc thần phú" nổi tiếng.
Tào Thực vốn là người con với tài thơ phú nổi tiếng của Tào Tháo. Tài năng thơ cả của Tào Thực được kể lại rằng lúc Tào Tháo xây xong Đồng tước đài thì Tào Thực chỉ khoảng 10 tuổi. Vậy mà, khi nghe cha ra lệnh các con làm thi phú để tán tụng, ông làm xong bài phú Đồng tước đài, khiến cha vừa mừng vừa kinh ngạc, và Tào Phi bắt đầu ganh tị với ông từ đó.
Ban đầu, Tào Tháo đã định lập ông làm Thái tử, nhưng vì tính tình phóng túng, không phục tùng ai. Không những vậy, Tào Thực lại bị Tào Phi đố kỵ, xúc xiểm, nên ông không còn được cha tin tưởng.
Nhiều người cho rằng, bài thơ này được viết tặng hương hồn mỹ nhân họ Chân và nữ thần sông Lạc mà Tào Thực gặp trong mơ chính là Chân thị. Không ít sách vở viết rằng, giữa Tào Thực và Chân thị từ lâu đã có tình cảm sâu nặng nhưng không ai nói ra, chỉ để lộ qua ánh mắt.
Đây là một trong những nguyên nhân khiến Tào Thực bị Tào Phi ghét cay ghét đắng, ra sức chèn ép. Theo những người tin vào giả thiết này, Chân thị bị Tào Phi cưỡng hôn nên vốn đồng sàng dị mộng, khi gặp em chồng có tâm hồn thi nhân thì rung động. Còn Tào Thực thì cảm sắc đẹp, nét dịu dàng hiện hậu của chị dâu, cộng với xót thương cho tình cảnh bất hạnh của chị nên giữa hai người "tình trong như đã mặt ngoài còn e".
Về chuyện tình giữa Tào Thực và Chân mật, có truyện kể, khi quân Tào đánh Nghiệp Thành, bắt gia quyến họ Viên, chính Tào Thực đã xin cha gả Chân thị cho mình, nhưng Tháo lại gả cho Phi. Tuy nhiên, theo một số sử gia, chuyện tình chị dâu em chồng này không có thực, bởi khi Tào Tháo hạ Nghiệp Thành, Tào Thực mới 13 tuổi, ít hơn Chân thị 9 tuổi, nên khó có chuyện xin cha cho cưới nàng.
Giới nghiên cứu cũng cho rằng, bài "Lạc thần phú" không phải viết về Chân thị, vì nếu đây là bài phú tưởng nhớ giai nhân họ Chân thì Tào Thực phải tôn nàng là thần sông Chương, con sông ở Nghiệp Thành, nơi có mộ của nàng, chứ không phải sông Lạc ở gần lạc Dương.