Trong cuốn "Trụ Tải" của quan Chủ sự Bộ hình Trương Hợp có bản vẽ thiết kế của Càn Thanh cung vào thời nhà Minh cho thấy có tổng cộng 27 chiếc giường, số lượng nhiều đến mức trở thành sự kiện kỳ lạ chưa từng có trong bí sử Cố Cung.
Bản vẽ cho thấy Càn Thanh cung có hai tầng, trên dưới có tổng cộng 9 gian phòng, tầng 1 có 5 gian và tầng 2 có 4 gian. Trong đó, 9 gian phòng được thiết kế xen kẽ trên dưới với nhau, mỗi gian có 3 giường, tổng cộng có 27 chiếc giường. Vì sao Hoàng đế lại phải xây nhiều chiếc giường như vậy?
Chuyện bắt đầu vào năm vua Minh Thế Tông – Gia Tĩnh Hoàng đế 15 tuổi, ông bắt đầu mù quáng tin vào các truyền thuyết về trường sinh bất lão. Vì vậy, ông bắt đầu lập các đạo trường để mời các phương sĩ về làm phép, cầu trời thần phù hộ cho bản thân có thể trẻ mãi không già.
Nghe theo lời các phương sĩ, Hoàng đế Minh Thế Tông còn áp dụng một phương pháp khác để theo đuổi giấc mơ hoang đường của bản thân. Đó là uống nước sương mỗi ngày. Vậy nên Minh Thế Tông bắt đầu ra lệnh cho các cung nữ mỗi ngày đều phải dậy thật sớm đến Ngự Hoa Viên thu thập nước sương về cho mình.
Các cung nữ phải đến Ngự Hoa Viên khi trời còn tinh mơ, một tay cầm những chiếc ly bằng ngọc, tay còn lại nhẹ nhàng hớt từng giọt sương trên từng ngọn cỏ chiếc lá bằng một thanh ngọc bích. Nếu nhìn qua công việc này có vẻ đơn giản nhưng lại cực kỳ hại sức khỏe.
Buổi sáng sớm, các cung nữ phải đi qua đi lại không ngừng trong Ngự Hoa Viên để thu thập sương. Trang phục mặc trên người họ mỏng manh nên khó tránh khỏi việc bị nước sương làm cho ướt đẫm người. Bên cạnh đó, sương sớm lại vốn có tính hàn cực cao. Mỗi ngày đều phải làm như vậy, quần áo bị ướt lại thêm gió lạnh "xâm nhập" nên các cung nữ khó tránh khỏi việc bị nhiễm thương hàn nghiêm trọng. Nếu không chữa bệnh kịp thời còn có thể mất mạng.
Có một số cung nữ bị ngược đãi trong thời gian dài đã nảy sinh tư tưởng bất bình, quyết định phản kháng, lên kế hoạch ám sát hoàng đế.
Ngày 20/2/1542, một cung nữ tên Dương Kim Anh và một vài cung nữ khác đã lén đột nhập vào Càn Thanh cung. Trong đó có một cung nữ đã tiện tay rút một vài sợi dây trên trượng quạt (vật mà các cung nữ thường cầm đi theo sau Hoàng đế hoặc Quý phi trong những buổi thực hiện nghi lễ), sau đó buộc thành dây thừng có nút thắt để chuẩn bị trừ khử tên bạo quân.
Nhân lúc Hoàng đế ngủ say, họ chia nhau nhiệm vụ. Một vài cung nữ phụ trách giữ chặt tay chân của hoàng đế, người còn lại phụ trách việc cầm dây thừng thòng vào cổ hoàng đế và kéo.
Có lẽ, do ý thức được hành vi đang thực hiện là trọng tội nên cung nữ phụ trách kéo dây siết cổ Minh Thế Tông đã bị ảnh hưởng tâm lý. Cung nữ này loay hoay mãi vẫn không thể làm được gì. Quá sợ hãi nên một trong những cung nữ đã phản bội lại đồng đội, bỏ cuộc giữa chừng và chạy đến Khôn Ninh cung bẩm báo hoàng hậu.
Mặc dù không giết được Hoàng đế nhưng đám cung nữ này cũng thể hiện được tinh thần đấu tranh phản kháng mãnh liệt. Điều này đã khiến Gia Tĩnh đế luôn nơm nớp lo sợ và đành phải chuyển về sinh sống ở chỗ cũ.
Hơn 20 năm sau, Minh Thế Tông mới dám trở về Càn Thanh cung. Tuy nhiên, một lần "chết hụt" khiến ông trở nên đề phòng với mọi thứ. Vì để ngăn không cho sự việc tương tự xảy ra, Hoàng đế Minh Thế Tông đã hạ lệnh bài trí một cục diện vô cùng khó hiểu ở trong chính Càn Thanh Cung, đó là đặt tới 27 chiếc giường, nhằm để phòng bản thân bị ám sát.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.