Dân Việt

Chuyện buồn sau lá thăm may rủi suất học mầm non

Vân Anh 27/09/2022 07:29 GMT+7
 Đi học là quyền cơ bản của trẻ nhưng ở nơi đất quý hơn vàng, hàng trăm phụ huynh phải tham gia bốc thăm để có suất cho con vào trường mầm non.

Đi học dựa vào may rủi, câu chuyện tưởng không tồn tại lại diễn ra ở quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Người vui, kẻ buồn

Do số lượng hồ sơ đăng ký vượt chỉ tiêu và khả năng tiếp nhận, năm học 2022 - 2023, Trường Mầm non Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) phải tổ chức bốc thăm để quyết định trẻ nào trúng tuyển. Cuối tháng 8 vừa qua, 579 người trên địa bàn phường Hoàng Liệt tham gia bốc thăm để chọn ra 333 trẻ được theo học.

Trước khi đi bốc thăm cho con, chị Nguyễn Thị Mai đã thắp hương để xin gia tiên phù hộ độ trì, bốc trúng cho con một suất học ở Trường Mầm non Hoàng Liệt. Chị Mai tham dự phiên bốc thăm sáng 27/8 để đăng ký cho con học tại cơ sở Tứ Kỳ cùng 176 phụ huynh khác.

Khi bốc được hai phiếu trúng tuyển cho con, chị Mai đã hét lên sung sướng. Trước ngày đi bốc thăm, người mẹ này hồi hộp, chỉ lo một trong hai con trượt thì không biết phải xử lý ra sao. Theo chị, cơ sở vật chất và giáo viên của Trường Mầm non Hoàng Liệt đảm bảo, cách nhà vài trăm mét nên cho con theo học tại đây thuận lợi trong việc đưa đón. May mắn kết quả được như ý, chị và gia đình phấn khởi vô cùng.

Chị Nguyễn Thanh Thủy dù mang bầu đến tháng thứ 6 nhưng vẫn được cả nhà tín nhiệm cử đi bốc thăm cho con vào lớp 4 tuổi trong ngày 28/8. Có con 6 tuổi đã học tại Trường Mầm non Hoàng Liệt năm trước, chị Thủy khá hài lòng vì trường khang trang, sạch sẽ, chi phí rẻ (mỗi tháng khoảng 800.000 đồng/trẻ). Vì vậy, chị và chồng muốn bé thứ hai tiếp tục học tại đây.

Vận may đến với chị Thủy khi bốc đúng phiếu ghi dòng chữ “Chúc mừng bé đã trúng tuyển vào trường”. Đi đến bàn xác nhận trúng tuyển để lấy phiếu vào lớp cho con, chị Thủy vẫn lâng lâng niềm sung sướng. Trước khi bốc thăm, chị cũng tính phương án cho con học trường tư thục để đỡ bị áp lực.

Đối lập với cảm xúc của các phụ huynh bốc được phiếu trúng tuyển, nhiều bố mẹ không may mắn trong “vòng quay xổ số” để giành suất học trường công. Đưa con gái 3 tuổi đi cùng nhưng chị Nguyễn Thị Phương lại không may mắn vì vòng 1 đã bốc phiếu ở thứ tự rất cao. Đến vòng 2, may mắn không mỉm cười với chị Phương khi nhận được lá phiếu “Rất tiếc bé không trúng tuyển vào trường”.

Quê ở Hưng Yên, chị Phương và chồng mua chung cư tại khu đô thị Linh Đàm. Trong thời gian đợi đến buổi bốc thăm, chị cũng tìm một số trường tư thục nhưng chưa quyết định. Có người gợi ý chị đưa con về Hưng Yên nhờ ông bà nhưng chị xác định bé cần sống gần bố mẹ. Sau lá phiếu không trúng tuyển, chị cho biết sẽ cho con học một trường tư thục với mức phí chênh lệch so với trường công là hơn 2 triệu đồng mỗi tháng.

Khác trường hợp trên, anh Nguyễn Quốc Hưng lại rơi vào tình trạng “éo le” khi bốc được một phiếu trượt, một phiếu đỗ cho hai con sinh đôi. Với mong muốn hai con được học cùng nhau để tiện đưa đón nên khi lá phiếu đầu không trúng tuyển, anh đã rất buồn. Đến khi phiếu hai thông báo trúng tuyển, anh cũng không thể vui. Nếu cho cả hai con học tư thục, chi phí là vấn đề đau đầu của vợ chồng anh, còn hai anh em học hai trường thì bất tiện đưa đón, giáo dục.

Chuyện buồn sau lá thăm may rủi suất học mầm non - Ảnh 1.

Lá phiếu chứa nhiều tâm tư.

Chưa hết băn khoăn

Sau thông tin phụ huynh phải bốc thăm để giành suất học cho con được báo chí đăng tải, chính quyền địa phương cho biết khẩn trương xây dựng thêm trường lớp. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Trần Quý Thái, địa phương đã có một số giải pháp dần giải quyết tình trạng thiếu trường học trên địa bàn phường Hoàng Liệt.

Cụ thể, trong thời gian tới, quận sẽ xây dựng thêm 2 trường mầm non tại phường Hoàng Liệt (ô đất có diện tích 7.400m2 và 1.934m2). Dự kiến 2 trường này sẽ đi vào hoạt động trong năm học 2023 - 2024. Về cơ bản, sau khi 2 trường mầm non đi vào hoạt động sẽ đảm bảo đủ chỗ học cho trẻ mầm non trên địa bàn phường.

Tuy nhiên, người dân Hoàng Liệt vẫn nơm nớp nỗi lo khi xây thêm trường nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu và tiếp tục sẽ diễn ra tình trạng bốc thăm. Theo thống kê, trường mầm non công lập của quận Hoàng Mai hiện chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu của học sinh, còn lại sẽ phải học các trường ngoài công lập. Trong khi dân số không ngừng tăng thì việc thêm 2 trường mầm non như muối bỏ bể.

Ông Nguyễn Văn Hùng, người dân thôn Tứ Kỳ (Hoàng Mai), bộc bạch: “5 khu dân cư truyền thống của Hoàng Liệt có quá trình lịch sử lâu dài, do tổ tiên cư ngụ, sinh cơ, lập nghiệp. Các trường trường mầm non, tiểu học, THCS cũng xây trên mảnh đất truyền thống của Hoàng Liệt. Thế nhưng, khi trường to đẹp xây xong, con cháu chúng tôi lại không có chỗ học.

Chính quyền có quyết định thu hồi đất của người dân Bằng B để xây Trường Mầm non Hoàng Liệt 2. Nhưng, thu đất rồi, trường được xây lên nhưng không có gì bảo đảm con cháu chúng tôi được học bởi khi cao ốc Hưng Thịnh trên địa bàn phường Hoàng Liệt hoàn thành, dân tăng, chúng tôi lo sợ vẫn phải đi bốc thăm”.

Còn bà Nguyễn Thị Tình ngậm ngùi nói: Khi chưa có đô thị, quê nghèo, chỉ có 5 thôn, con em Hoàng Liệt vẫn có chỗ học đầy đủ. Nay lên phường, chung cư san sát, con em người dân lại phải tranh suất học ở trường công. Đây thực sự là điều bất công với người dân Hoàng Liệt. Khi các tòa nhà cao ốc quy mô lớn tiếp tục mọc lên, có xây thêm 3 hay 5 ngôi trường nữa cũng vẫn quá tải.

Chị Nguyễn Hoàng Thu, cư dân khu chung cư HH, bày tỏ, trẻ mầm non không học trường công có thể chuyển sang trường tư nhưng học sinh tiểu học, THCS không thể lựa chọn như vậy. Bên cạnh việc quan tâm đầu tư xây dựng trường mầm non công lập, quận cần xây mới trường tiểu học, THCS vì các cấp học này cũng đang quá tải. Chưa kể, vài năm tới, khi trẻ mầm non lên tiểu học mà không có thêm trường, tình trạng bốc thăm có thể tiếp diễn.