Chiều qua (26/9), tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị - Hội thảo Triển khai Luật Điện ảnh nhằm đóng góp ý kiến xây dựng Dự thảo Nghị định, quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh và Dự thảo Nghị định sửa đổi, Bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP. Hội nghị - Hội Thảo dưới dự chủ trì của ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch và ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Điện ảnh.
Mở đầu Hội nghị, ông Tạ Quang Đông có phát biểu rằng: "Ở Hội nghị - Hội thảo lần này, không còn căng thẳng về tất cả chiến lược phát triển, ở đây chúng ta sẽ góp ý quy định rõ ràng về cách làm, giấy tờ thủ tục ra sao, phần trăm phim Việt Nam chiếu trên vô tuyến, chiếu trên rạp và rất nhiều vấn đề khác như phổ biến phim trên mạng, các cơ chế tạo ra để có cách quản lý phim trên mạng, quỹ điện ảnh… Tôi nghĩ rất nhiều thứ để chúng ta cùng bàn luận, đóng góp ý kiến một cách cụ thể và trực tiếp".
Đúng như mong muốn của Thứ trưởng Tạ Quang Đông, các đại biểu tới tham dự Hội nghị - Hội thảo bao gồm nhiều đạo diễn, nhà sản xuất, giám đốc điều hành, lãnh đạo các cơ quan về luật pháp đã có những đóng góp cụ thể, trực tiếp vào vấn đề.
NSND Lê Hồng Chương - Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam đưa ra nhận định: "Tôi nghĩ vấn đề quan trọng hiện nay là triển khai Luật Điện ảnh ra sao. Điều tôi quan tâm nhất chính là tác động của nhà nước đối với lĩnh vực sản xuất phim, bởi hiện nay chúng ta không còn cơ chế như ngày xưa là sản xuất phim theo nền kinh tế kế hoạch. Hiện nay, điện ảnh tư nhân đang có sự phát triển rất lớn, điều đó buộc chúng ta nghĩ đến việc phải làm sao để định hướng những bước phát triển cho nền điện ảnh, bởi điện ảnh luôn tồn tại yếu tố văn hóa.
Hiện nay, chúng ta đang hướng tới phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì rõ ràng nhà nước phải có công cụ để làm việc này. Cho nên, việc chúng ta thành lập Quỹ điện ảnh dù là ngân sách nhà nước hay không cũng phải phù hợp với luật.
Tuy nhiên, nếu chúng ta lấy ngân sách và có sự định hướng của nhà nước cho Quỹ điện ảnh hay sản xuất phim nói chung thì bản thân những người làm điện ảnh cũng sẽ rất quan tâm, giống như phương án của Pháp và một số nước châu Âu hiện giờ. Bởi vì nếu họ đầu tư vào điện ảnh, thu lại và tái đầu tư vào nó dưới sự điều hành của nhà nước thông qua các công cụ tài chính và chính sách thì sẽ phát huy được hiệu quả".
Ngoài ra, một điều khoản trong Luật cũng khiến nhiều đại biểu có mặt tại Hội nghị - Hội thảo đưa ra bàn luận, đó là thời lượng phát sóng phim truyện Việt Nam đạt ít nhất 30% so với tổng thời lượng phát sóng phim của mỗi đài truyền hình. Theo NSƯT Đỗ Thanh Hải – Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, cần làm rõ tỉ lệ này sẽ áp dụng đối với các kênh truyền hình quảng bá hay cả kênh truyền hình trả tiền, hay các gói dịch vụ nội dung theo yêu cầu. Đó là chưa kể phim truyện còn được chia ra nhiều thể loại như: phim điện ảnh, phim truyền hình hay phim hoạt hình…
NSƯT Đỗ Thanh Hải cũng cho biết: "Quy định phát sóng 30% phim Việt Nam cần được xây dựng đồng bộ với các chính sách khuyến khích sản xuất phim Việt Nam trong nước. Điều này để đảm bảo tính khả thi của quy định, tránh trường hợp cung không đủ cầu, tránh tăng giá bản quyền phim trong khi chưa chắc đã có phim chất lượng đủ tốt".
Bên cạnh đó, ông Hải cũng cho biết, hiện nay chắc chỉ có duy nhất Đài truyền hình Việt Nam có đủ nguồn lực để sản xuất đạt mức 30%, các đài truyền hình lớn như Đài truyền hình Vĩnh Long, Đài truyền hình TP.HCM đều rất khó để đạt tới tỉ lệ này.
Ông Vũ Tú Thành - Phó Giám đốc điều hành, Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN cũng chỉ ra một số điểm bất cập trong điều luật về phổ biến phim: "Ví dụ như ở Điều 12, nếu muốn thực hiện việc phổ biến trên không gian mạng thì doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức hoạt động phổ biến phim có phát sinh thuế ở Việt Nam. Chúng tôi không hiểu năng lực phân loại phim có liên quan gì tới chuyện đóng thuế? Nếu như chúng ta muốn yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài phải đóng thuế thì đã có cổng thông tin để họ tự đăng ký. Cho nên, tôi nghĩ điều này nên bỏ và hoàn toàn không cần thiết".
Ông Thành cũng quan tâm tới việc phân loại phim trong khi với nền công nghiệp điện ảnh hiện nay trên thế giới, các studio lớn đều dựa trên việc phân loại từ những tổ chức độc lập và bản thân họ không hề có hội đồng phân loại phim cơ hữu.
Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng giám đốc BHD – một trong những doanh nghiệp đang cố gắng đẩy mạnh việc hỗ trợ và sản xuất phim Việt Nam có ý kiến rằng: "Hiện nay, giấy phép quay phim đang rất phức tạp, có địa điểm phải xin tới 4, 5 giấy phép rất mất thời gian. Tôi cũng có đề nghị và góp ý nhưng lần này trong Nghị định, tôi thấy vẫn chưa nhắc tới phần đó. Tôi mong muốn chúng ta có thể học tập cách làm giống như Singapore, chỉ cần có giấy thông báo cho các cơ quan chức năng. Ngoài ra, sẽ rất tốt nếu chúng tôi được hỗ trợ, giảm kinh phí hay giá vé tới các địa điểm danh lam thắng cảnh để quay phim…".
Sau khi lắng nghe thêm những ý kiến tương tự nêu trên, ông Tạ Quang Đông chốt lại: "Những phản hồi và ý kiến của các đại biểu, chúng tôi sẽ tập hợp và chốt lại một cách có hệ thống. Bên cạnh đó, có những điểm khó khi trong một thời gian ngắn mà chúng ta chưa thế đánh giá được tác động. Chúng tôi sẽ xem xét một cách kỹ lưỡng để có thêm nhiều căn cứ về mặt pháp lý và đánh giá dựa trên thực tế".