Thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung khởi đầu năm 2022 với tâm lý hết sức hưng phấn. VN-Index kết phiên 6/1 ở đỉnh lịch sử 1.528 điểm.
Tuy nhiên, bức tranh thị trường vào ngày 26/9 lại hoàn toàn khác biệt ngày đầu năm với nhiều gam màu xám xịt. VN-Index lao dốc xấp xỉ 29 điểm trong phiên đầu tuần vừa qua, tương đương mất 2,4%, và một lần nữa quay lại dưới mốc 1.200 điểm.
Chia sẻ tại tọa đàm "Thị trường chứng khoán 2023: Xu thế mới, lựa chọn mới" do VietnamBiz tổ chức sáng nay 27/9, ông Huỳnh Minh Tuấn, Nhà sáng lập Công ty cổ phần FIDT cho biết, đối diện nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, nhìn vào triển vọng vĩ mô nói chung vẫn là bức tranh xám màu.
Tuy nhiên, ở cương vị là người đầu tư và quản lý tài sản cũng như phân bổ tài sản cho khách hàng, ông Tuấn đặc biệt ưa thích thích giai đoạn này. Bởi, đây là giai đoạn lựa chọn hàng tốt, lợi thế thuộc về người mua. Đây cũng là giai đoạn có thể giúp nhà đầu tư đổi đời nếu tìm đúng "long mạch".
Song, theo vị này việc đầu tư tùy vào khẩu vị rủi ro của từng người. Nhiều khách hàng của ông Tuấn tầm tuổi về hưu sẽ ưu tiên lựa chọn tiền gửi tiết kiệm cho giai đoạn này.
Về bối cảnh vĩ mô thế giới, khi mà đồng USD trở nên mạnh hơn ông Tuấn không bất ngờ. Đơn giản là khi các chính sách của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chưa rõ ràng thì sẽ có sự trục lợi (đầu cơ, short tỷ giá…), nhưng thực tế là thời gian qua Chủ tịch Fed Jerome Powell đã vạch ra đường lối chính sách rất rõ ràng. Fed nhìn vào các dấu hiệu lạm phát để đưa ra các điều chỉnh cho phù hợp.
Về Việt Nam, ông Tuấn thừa nhận, chúng ta "khéo" trong điều hành chính sách. Bên cạnh đó, lợi thế của Việt Nam là tỷ lệ nợ công/GDP đang giảm nhiều, hiện chỉ 43% trong khi trần nợ công là 65%. Nếu so sánh với giai đoạn Trung Quốc đưa nền kinh tế qua cuộc khủng hoảng năm 2008-2011 thì cũng như vậy.
Đầu tư công cũng sẽ giúp nền kinh tế, là động lực chính cho nền kinh tế Việt Nam giai đoạn này. Bức tranh trung hạn của Việt Nam vẫn hấp dẫn, bởi duy trì một mức tăng trưởng GDP cao (dự phóng tăng trưởng trưởng GDP 7% năm 2022). Dòng vốn FDI, FII vào Việt Nam đều nhìn vào các chính sách và các chỉ số như trên.
Do đó, FIDT dự báo VN-Index có thể hồi phục lên tầm 1.300 điểm vào cuối quý IV năm nay.
NHNN sẽ nới tay hơn trong việc điều chỉnh room tín dụng
Về các nhóm ngành phòng thủ trong chu kỳ đầu tư, có thể nhắc đến một số ngành như tiện ích điện nước, bán lẻ, y tế, hạ tầng bất động sản (BĐS) - khu công nghiệp,…
Ông Tuấn cũng lưu ý, khi lãi suất tăng, giá của tiền mặt tăng lên, chúng ta sẽ suy giảm tiêu dùng và đầu tư. Tuy nhiên, xuất khẩu giao thương với thế giới cũng sụt giảm, ảnh hưởng tới các mặt hàng như thủy hải sản, đồ gỗ, dệt may,… Khi đó bài toán quay lại với việc kích thích tiêu dùng nội địa.
"Muốn kích thích thì thị trường phải có "room". Người tiêu dùng cá nhân chấp nhận một mức lãi suất dịch chuyển lên khoảng 1-1,5% nhưng phải có room tín dụng, do Ngân hàng Nhà nước sẽ nới tay hơn trong việc điều chỉnh room tín dụng để kích thích tiêu dùng nội địa", ông Tuấn dự báo.
Đánh giá thêm, Nhà sáng lập Công ty cổ phần FIDT cho rằng, nhờ lương thực thực phẩm mà chúng ta tự tin là lạm phát của Việt Nam trong tầm kiểm soát. Dư địa đầu tư công đang dồi dào. Nếu trong cuộc họp Quốc hội tới đây mà giảm được 50% thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng của xăng dầu thì giá xăng sẽ tiếp tục giảm.
Về mặt vĩ mô, việc triệt tiêu kỳ vọng lạm phát là bài toán phải giải quyết, ổn định mặt bằng giá cả, ít gây áp lực lên chính sách tỷ giá.
Chốt phiên sáng nay 27/9, VN-Index giảm 2,98 điểm (-0,25%), xuống 1.171,37 điểm với 192 mã tăng và 222 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 211,3 triệu đơn vị, giá trị 4.634,6 tỷ đồng, giảm 71% về khối lượng và 44% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 21,4 triệu đơn vị, giá trị 567,3 tỷ đồng.
Với 72 mã tăng và 65 mã giảm, HNX-Index giảm 0,45 điểm (-0,18%), xuống 255,23 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 19,1 triệu đơn vị, giá trị 404,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,72 triệu đơn vị, giá trị 20,9 tỷ đồng.