Dân Việt

Thị trường khách sạn ở Hà Nội phục hồi mạnh mẽ: Giới kinh doanh trông mong gì?

Thái Nguyễn 27/09/2022 17:49 GMT+7
Thị trường khách sạn cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng đang ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực từ công suất phòng, đến giá thuê trong bối cảnh du lịch đang hồi phục mạnh mẽ.

Thị trường khách sạn ở Hà Nội "hồi sinh"

Từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường khách sạn tại các Hà Nội đã có những diễn biến sôi động. Thực tế cho thấy, nhiều khách sạn đã bắt đầu ghi nhận sự cải thiện về nguồn cung - cầu, khiến công suất thuê phòng dù chưa đạt được một nửa so với cùng kỳ năm 2019 nhưng nhìn chung đều có xu hướng tăng lên rõ rệt.

Thị trường khách sạn ở Hà Nội phục hồi mạnh mẽ cả về nguồn cung và công suất sử dụng (Video: Thái Nguyễn)

Cụ thể, trong quý I/2022 ghi nhận 3.725 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 70.000 phòng mở cửa trở lại; trong đó có 591 khách sạn 1 - 5 sao gồm 24.415 phòng, chiếm 15,9% tổng số cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố. Công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1 - 5 sao đạt khoảng 19,3%.

Anh Đức Hải, quản lý một khách sạn tại phố Bảo Khánh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết kinh doanh khách sạn sẽ cần thêm thời gian để trở lại thời hoàng kim, nhưng so với tỷ lệ lấp đầy chỉ khoảng 10 – 20% hồi đầu năm thì những thành tích hiện tại là vô cùng ấn tượng. Nhiều chuỗi khách sạn hiện đang có công suất 80 – 95%.

"Trong thời gian đại dịch, nhiều bạn bè của tôi làm trong lĩnh vực khách sạn, resort phải chuyển hướng kinh doanh. Những người trụ lại dù còn nhiều khó khăn nhưng đang dần ổn định. Trong thời gian tới khi khách du lịch phục hồi trở lại, công suất phòng sẽ tiếp tục tăng. Chưa kể tỷ lệ lấp đầy của các khách sạn có thể cao hơn khi nhân sự dần đáp ứng nhu cầu", anh Hải chia sẻ.

Thị trường khách sạn ở Hà Nội phát triển mạnh mẽ nhờ sự phục hồi của du lịch (Ảnh: Thái Nguyễn)

Thị trường khách sạn ở Hà Nội phát triển mạnh mẽ nhờ sự phục hồi của du lịch (Ảnh: Thái Nguyễn)

Giá thuê phòng khách sạn trung bình đạt 2 triệu đồng, tăng 11% theo quý và 14% theo năm. Nguồn cung hiện gồm 9.983 phòng từ 17 khách sạn 5 sao, 16 khách sạn 4 sao và 31 khách sạn 3.

Những tháng cuối năm 2022, hứa hẹn kết quả kinh doanh khách sạn sẽ khả quan hơn vì ảnh hưởng của đại dịch đã giảm và niềm tin của khách du lịch đang dần trở lại.

Nguồn cung thị trường khách sạn tăng trường làm "bàn đạp" cho giai đoạn cuối năm 2022

Đầu năm 2022, thị trường khách sạn Hà Nội đã chào đón thêm một khách sạn 5 sao mới tại khu vực trung tâm thành phố, cùng một số dự án có thương hiệu quốc tế đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và dự kiến hoàn thành vào năm 2023.

Nguồn cung phòng khách sạn tại Hà Nội đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 6,1% từ năm 2014 - 2021. Các khách sạn hạng trung chiếm 42,9% nguồn cung hiện có, tiếp theo là hạng cao cấp với 26,5% và bình dân là 22,7%. Dự kiến sẽ có thêm 8/13 dự án mới đi vào hoạt động từ nay đến năm 2023, chủ yếu ở khu vực nội thành, chiếm 54% tổng nguồn cung. Đến năm 2025, Hà Nội sẽ có thêm khoảng 2.400 phòng khách sạn được tung ra thị trường.

Nguồn cung gia tăng sẽ thúc đẩy thị trường khách sạn phát triển (Ảnh: Thái Nguyễn)

Nguồn cung gia tăng sẽ thúc đẩy thị trường khách sạn phát triển (Ảnh: Thái Nguyễn)

Theo báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội, khách du lịch nội địa đến Thủ đô đạt 2,8 triệu lượt khách, tăng 45,3% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến trong quý IV/2022, Thủ đô sẽ đón lượng khách quốc tế bật tăng cao hơn. Đây sẽ là những điều kiện tốt giúp thị trường khách sạn hồi phục mạnh mẽ.

Các chuyên gia nhận định hai quý đầu năm 2022, thị trường khách sạn mới chỉ bước vào giai đoạn phục hồi, phải đến hai quý cuối năm, lĩnh vực này mới thực sự tăng tốc mạnh mẽ để lấy lại phong độ. Theo đó, vấn đề về nhu cầu và tiến độ phục hồi sẽ tiếp tục được các chủ khách sạn, nhà điều hành và các nhà đầu tư quan tâm hàng đầu. Ngoài ra, các chủ đầu tư khách sạn cũng sẽ tìm đến những giải pháp tối ưu hóa hiệu suất và dịch vụ, các công ty quản lý tài sản.

Đánh giá triển vọng thị trường khách sạn quý IV/2022, bà Võ Thị Khánh Trang, Phó giám đốc Bộ phận nghiên cứu Savills Việt Nam cho rằng triển vọng sau đại dịch của ngành khách sạn vẫn đầy hứa hẹn, với sự tham gia của các thương hiệu vận hành quốc tế nổi tiếng.

"Thị trường khách sạn cuối năm nay sẽ có cơ hội tận dụng xu hướng khách sạn hóa bất động sản thương mại ngày càng nhiều. Các khu vực tận dụng tốt môi trường hoạt động hiện tại để chuyển đổi và nâng cao vị thế trên thị trường du lịch sẽ thu hút được lượng nhu cầu và đầu tư tăng trưởng vượt trội. Với việc ngày càng có nhiều nhà đầu tư háo hức tìm kiếm các tài sản có thể tạo ra thu nhập và đồng thời chống lạm phát đáng kể, ngành nhà nghỉ, khách sạn sẽ được hưởng lợi từ nguồn vốn dồi dào sẵn sàng triển khai", bà Trang nhận định.

Bức tranh thị trường khách sạn Việt Nam năm 2022 sẽ khởi sắc trở lại và kỳ vọng phát triển như trước khi xảy ra dịch bệnh. Đặc biệt khi Việt Nam đang nỗ lực đạt miễn dịch cộng đồng với trên 90% dân số được tiêm chủng vắc-xin vào cuối năm 2022, ngành du lịch cũng như các cơ sở lưu trú sẽ có cơ hội tốt để hồi phục mạnh mẽ trong thời gian tới.