Vấn đề này đã được các chuyên gia kinh tế - chứng khoán mổ xẻ tại tọa đàm chủ đề "Xu thế mới lựa chọn mới" do trang thông tin điện tử tổng hợp VietnamBiz (vietnambiz.vn), Việt Nam Mới (vietnammoi.vn) và Công ty CP WiGroup tổ chức hôm nay (27/9), tại TP.HCM.
Các chuyên gia nhận định, trong ngắn hạn, chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ không thuận lợi cho thị trường chứng khoán nhưng đây cũng là cơ hội tốt để chọn lọc cổ phiếu đầu tư.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập Công ty CP FIDT cho rằng, đầu tư chứng khoán phụ thuộc rất lớn vào sự kỳ vọng, thị trường chứng khoán luôn biến động trước nền kinh tế. Hai quý đầu năm, tăng trưởng và xuất khẩu đều giảm nên thị trường chứng khoán phản ánh trước nửa năm. Chưa kể chi phí lãi vay đang tăng dẫn tới dòng tiền bị rút ra.
"Thị trường chứng khoán là thị trường của dòng tiền, tiền ít thì cổ phiếu không thể lên được. Xét trong ngắn hạn, thị trường biến động theo cung cầu, về dài hạn thị trường mới phản ánh nền tảng của doanh nghiệp. Do vậy nhà đầu tư không nên ngạc nhiên về điều này", ông Tuấn nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo chiến lược gia này, đây là giai đoạn lựa chọn hàng tốt, lợi thế thuộc về người mua và nhà đầu tư có thể đổi đời nếu tìm đúng… "long mạch".
Cụ thể, theo ông Tuấn, đầu tư công sẽ là động lực chính cho nền kinh tế Việt Nam giai đoạn này. Bức tranh trung hạn của chúng ta vẫn hấp dẫn, bởi duy trì một mức tăng trưởng GDP cao (dự phóng tăng trưởng trưởng GDP 7% năm 2022). Dòng vốn FDI, FII vào Việt Nam đều nhìn vào các chính sách và các chỉ số như trên.
Theo dự báo của FIDT, VN-Index có thể hồi phục lên tầm 1.300 điểm vào cuối quý IV năm nay.
Về các nhóm ngành phòng thủ trong chu kỳ đầu tư, có thể nhắc đến một số ngành như tiện ích điện nước, bán lẻ, y tế, hạ tầng bất động sản (BĐS) - khu công nghiệp …
Khi lãi suất tăng, giá của tiền mặt tăng lên, chúng ta sẽ suy giảm tiêu dùng và đầu tư. Tuy nhiên, xuất khẩu giao thương với thế giới cũng sụt giảm, ảnh hưởng tới các mặt hàng như thủy hải sản, đồ gỗ, dệt may…Khi đó bài toán quay lại với việc kích thích tiêu dùng nội địa.
"Muốn kích thích thì thị trường phải có "room". Người tiêu dùng cá nhân chấp nhận một mức lãi suất dịch chuyển lên khoảng 1-1,5% nhưng phải có room tín dụng, do đó có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ nới tay hơn trong việc điều chỉnh room tín dụng để kích thích tiêu dùng nội địa", ông Tuấn nói.
Ngoài ra, theo ông Tuấn, nếu cuộc họp Quốc hội tới đây mà giảm được 50% thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng của xăng dầu thì giá xăng sẽ tiếp tục giảm. Điều này sẽ tiếp tục có tác động tích cực lên nền kinh tế và khả năng thị trường chứng khoán sẽ tốt hơn vào cuối quý IV năm nay.
Ông Đào Minh Châu, Phó Giám đốc phân tích cổ phiếu SSI Research, cho rằng rủi ro cho nhà đầu tư chứng khoán từ nay đến cuối năm và 2023 là chính sách tiền tệ có xu hướng thắt chặt hơn, cung tiền giảm và lãi suất tăng. Đặc biệt, trong năm 2023 và 2024 có rủi ro lớn đến từ đáo hạn nợ trái phiếu, với khối lượng trái phiếu đáo hạn gần 250.000 tỷ đồng. Đây sẽ là yếu tố tác động tiêu cực tới ngành địa ốc và ngân hàng.
Theo ông Châu, xu hướng thị trường chứng khoán trong thời gian tới sẽ khó lường trong bối cảnh điều kiện vĩ mô chưa thuận lợi, không rõ ràng. Tuy nhiên trong nguy có cơ, nhà đầu tư cần cần chắt lọc, thẩm định kỹ hơn.
"Cơ hội đầu tư dài hạn sẽ tốt khi thị trường chứng khoán suy giảm nhưng cũng cần định giá kỹ, nhà đầu tư cần lưu ý giá nào, thời điểm nào cần mua, bán", chuyên gia SSI Research, nêu.
Trước vấn đề mà nhiều nhà đầu tư đặt ra về việc lỡ "đu đỉnh" thời gian qua, ông Đào Minh Châu, Phó Giám đốc phân tích cổ phiếu SSI Research, cho rằng, nếu là một nhà đầu tư ngắn hạn, phải nhìn vào xu thế thị trường. Như giai đoạn trước thị trường tăng mạnh, nhà đầu tư hoàn toàn có thể để một danh mục 100% cổ phiếu, khi xác định thị trường sideway (đi ngang) thì có thể giảm tỷ trọng cổ phiếu hoặc không đầu tư margin, nếu thị trường càng xuống thì lại càng phải giảm tỷ trọng hơn nữa.
Một điều quan trọng nữa là khi mua cổ phiếu vì lý do gì thì chúng ta phải bán vì lý do đấy. Nếu mua vì đồ thị giá đang đẹp (break cản) thì khi đồ thị giá không đúng theo xu hướng kỳ vọng (phá hỗ trợ) nữa thì chúng ta cần phải bán.
Nếu mua vì yếu tố cơ bản ví dụ như cổ phiếu được hưởng lợi nhờ ngành hoặc lợi nhuận tăng trưởng cao 20-30% thì khi không còn tăng trưởng lợi nhuận nữa hoặc yếu tố hỗ trợ không còn nữa thì chúng ta bán.
"Trong giai đoạn này công tác quản trị rủi ro cần được ưu tiên. Những khoản lỗ mà cắt càng nhanh thì càng dễ dàng hơn và càng dễ gỡ gạc lại hơn. Nếu xác định lý do mua cổ phiếu bị sai thì nên ưu tiên công tác quản trị rủi ro càng sớm càng tốt", ông Châu khuyến nghị.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập Công ty CP FIDT thì nhấn mạnh, nếu nhà đầu tư đang lỗ 60-70% thì thậm chí đợi một chu kỳ tăng giá tiếp theo cũng chưa chắc về vốn. Trường hợp nhà đầu tư đang dùng đòn bẩy thì nên hạ margin để đưa danh mục về trạng thái không bị công ty chứng khoán ép bán (force sell) nữa.
Còn theo TS. Đinh Thế Hiển thì chia sẻ kinh nghiệm, các quỹ đầu tư thường chọn danh mục dựa trên một bộ phương trình, sau đó chọn ra ví dụ 5 trên 10 cổ phiếu đáp ứng những phương trình đó và tương ứng số vốn họ có thể đầu tư.
Khi gặp vấn đề cơ cấu, các quỹ chạy lại phương trình đó để đánh giá các cổ phiếu nào không còn đạt điểm cao thì được đẩy ra và đưa cổ phiếu khác đạt điểm vào.
Về tỷ trọng tiền - chứng khoán, theo ông Hiển, khi thị trường tốt thường chúng ta giữ 10% tiền mặt. Nếu thị trường dự báo xấu có thể duy trì 30% tiền mặt phòng thủ, bởi thị trường xấu nhưng vẫn sẽ có những cổ phiếu tốt.
"Nếu nhà đầu tư 'đu đỉnh' thì hãy cứ bình tĩnh, bởi thực tế là khó có ngành nào kiếm tiền nhanh như chứng khoán. Chúng ta có thể tích lũy thêm từ thu nhập chính và chờ cơ hội tốt hơn", ông Hiển khuyên.