Chia sẻ với Phóng viên Dân Việt, ông Trần Quang Năng - Tổng cục Khí tượng-Thủy văn phân tích về những tác động do gió mạnh sóng lớn trong cơn bão số 4.
"Thời điểm sức gió của bão sẽ mạnh nhất từ khoảng 9-10 giờ tối nay kéo dài cho đến 5-6 giờ sáng mai, đây là khoảng thời gian cực kỳ nguy hiểm. Chúng tôi khuyến cáo toàn bộ người dân, trong vùng nguy hiểm, đặc biệt từ Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và phía bắc Bình Định tuyệt đối trú ẩn an toàn, không ra ngoài trong thời gian này để hạn chế thấp nhất thiệt hại do cơn bão được dự báo là lịch sử gây ra", ông Trần Quang Năng nhận định.
Khi bão cập bờ các tỉnh miền Trung cường độ ở cấp 11-12 (bão rất mạnh); vùng trọng tâm bão là khu vực tỉnh Quảng Nam, phía bắc Quảng Ngãi ở cường độ cấp 13-14...
16h chiều nay, do ảnh hưởng của bão số 4 NORU, tại địa bàn Quảng Trị đã có mưa to đến rất to. Đặc biệt, trước đó vào khoảng 15h, tại địa bàn thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh đã xảy ra một trận lốc xoáy khiến nhiều công trình nhà cửa, chợ bị tốc mái, hư hỏng, nhiều cây xanh bị quật đổ. Trận lốc xoáy không gây thiệt hại về người. Ngay sau khi cơn lốc xoáy đi qua, cơ quan chức năng tại Quảng Trị đã đến hiện trường để hỗ trợ người dân thu dọn đồ đạc, khắc phục tạm thời để tiếp tục ứng phó với bão.
Theo những người dân chứng kiến, chỉ trong vòng 10 - 15 phút, trận lốc xoáy với tốc độ gió kinh hoàng đã khiến không người nào kịp trở tay. “Như trận bom trút qua, cây cối gãy đổ, mái tôn, bảng hiệu bay hết” - ông Nguyễn Thuận, người dân qua đường chứng kiến trận lốc cho hay.
Ông Võ Đắc Hóa - Chủ tịch UBND huyện Gio Linh cho biết, theo thông tin ban đầu, trận lốc đã làm đổ sập khá nhiều căn nhà khiến 4 người bị thương. Hiện các lực lượng chức năng vẫn đang thống kê.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, lãnh đạo UBND huyện Gio Linh đã chỉ đạo UBND thị trấn Cửa Việt, các lực lượng chức năng khẩn trương ứng cứu, hỗ trợ người dân bị thiệt hại, ảnh hưởng do trận lốc xoáy. Đồng thời, tiến hành đưa người bị thương đi cấp cứu tại bệnh viện.
Tại khu vực ven biển Thừa Thiên Huế, trưa 27/9 bắt đầu có mưa xối xả kèm gió giật mạnh do ảnh hưởng của bão Noru. Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã cấm người dân ra đường từ 21h tối nay.
Trong quá trình di dân khỏi nơi dễ bị sạt lở, công an xã Lộc Tiến (huyện Phú Lộc) đã kịp thời phát hiện và sơ cứu cho ông Ngô Xí (54 tuổi, trú thôn Phú Gia). Ông Xí bị ngã từ trên mái nhà cấp 4 xuống đất trong quá trình chằng chống nhà cửa tránh bão. Hiện sức khỏe của ông Xí đã dần ổn định.
Ông Đặng Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tỉnh cũng chưa ghi nhận thiệt hại về người. Có một số nhà dân bị tốc mái (chưa thống kê được số lượng cụ thể) và gãy đổ một số cây xanh tại huyện Lý Sơn, mất điện tại 6 huyện.
Đại diện tỉnh Quảng Trị cho biết, có một số nơi gió cấp 6, giật cấp 8. Ngoài thiệt hại về lốc xoáy mà Phó Thủ tướng kiểm tra chiều qua, hiện trên địa bàn có một số cây xanh gãy đổ, chưa ghi nhận các thiệt hại khác.
Ông Nguyễn Văn Phương – Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Có mưa to đến rất to (tổng lượng mưa 3 ngày một số nơi đã vượt 300mm), có gió giật cấp 7 đến cấp 9. Có sập 1 nhà, 10 nhà tốc mái, có 1 người bị thương nhẹ.
Quảng Trị: Có mưa vừa, mưa to đến rất to. Thiệt hại do lốc xoáy tại TT Cửa Việt, huyện Gio Linh hồi 15h30/27/9: Nhiều quán ven biển và 120 nhà bị tốc mái, sập tường (trong đó 02 ngôi nhà sập hoàn toàn), đang tiếp tục cập nhật. 04 người bị thương đã được đi cấp cứu tại cơ sở y tế. Ngoài ra, chưa có báo cáo về sự cố và yêu cầu cứu hộ, cứu nạn.
Thừa Thiên Huế: Có mưa to đến rất to, gió giật cấp 7-9. Chưa có báo cáo thiệt hại, sự cố và yêu cầu cứu hộ, cứu nạn.
Đà Nẵng: Có nơi mưa to đến rất to, gió lớn. Về thiệt hại, sự cố: Tốc mái 02 nhà, 172 trạm biến áp mất điện (đã khôi phục 89), ngã đổ 75 cây xanh và một số biển hiệu. Công tác rà soát, di dân: Chưa có thông tin mới về 60 người ở dưới thuyền nổ máy tại âu thuyền Thọ Quang.
Quảng Nam: Có nơi mưa to, gió các huyện thị ven biển đã đạt cấp 8- cấp 9, Tam Kỳ đã có gió giật cấp 13. 3.997 trạm biến áp bị mất điện (chưa khôi phục). Đã ghi nhận thiệt hại về tốc mái nhà, cây đổ,… (chưa thống kê được số lượng cụ thể).
Quảng Ngãi: Có mưa vừa, gió tại Quảng Ngãi cấp 6, giật cấp 7, Ba Tơ có gió cấp 11, Lý Sơn gió giật cấp 12. Thiệt hại: Một số nhà dân bị tốc mái (chưa thống kê được số lượng cụ thể) và gãy đổ một số cây xanh tại huyện Lý Sơn, mất điện tại một số huyện. Chưa có yêu cầu cứu hộ, cứu nạn.
Bình Định: Có mưa nhỏ, gió khoảng cấp 5. Thiệt hại (tốc mái, cây đổ, bị thương...): Chưa có báo cáo thiệt hại. Mất điện tại một số khu vực; ngoài ra chưa có báo cáo thiệt hại, sự cố và yêu cầu cứu hộ, cứu nạn.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, tính đến 4h sáng 28/9, các địa phương ghi nhận những thiệt hại ban đầu do bão.
Tại Quảng Trị, trận lốc xoáy chiều 27/9 khiến nhiều quán ven biển và 120 nhà bị tốc mái, sập tường (trong đó 2 ngôi nhà sập hoàn toàn), 4 người bị thương đã được đi cấp cứu tại cơ sở y tế.
Tại Quảng Nam, nhiều nơi ở các huyện, thị xã ven biển ghi nhận sức gió mạnh cấp 8, cấp 9, Tam Kỳ đã có gió giật cấp 13. Địa phương có gần 4.000 trạm biến áp bị mất điện nhưng chưa khôi phục, đã ghi nhận thiệt hại về tốc mái nhà, cây đổ,… nhưng chưa thống kê được số lượng cụ thể.
Tại TP Tam Kỳ, Quảng Nam, thiệt hại ban đầu của cơn bão số 4 được chụp lúc 5h30 sáng nay (28/9) tại phường Hoà Hương, một ngôi nhà bị tốc toàn bộ mái; nhiều tấm tôn bay nằm trên đường.
Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cùng các các lực lượng chức năng tại địa phương khẩn truong khắc phục sau khi cơn bão làm gãy đổ cây dọc QL1A đi qua Phú Lộc và đường tránh Huế.
Công an xã Phong Hiền phối hợp các lực lượng xử lý cây gãy tại QL1A, đoạn qua Phong an, huyện Phong Điền. Ảnh: Nhân Dân
Theo dự báo, với tình hình mưa to như hiện nay khả năng cao huyện Tu Mơ Rông sẽ có điểm bị chia cắt. Ảnh: Nhân Dân
Sạt lở đất sát nhà anh A Ching, thôn Chung Tam, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Ảnh: Nhân Dân
Tại Kom Tum, cây đổ chắn ngang đường tại thôn Ba Khen, xã Văn Xuôi, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Ảnh: Nhân Dân
Ông Đặng Tấn Thành, phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết đang khảo sát tình hình thiệt hại do bão Noru gây ra. Thống kê sơ bộ, có 250 căn nhà bị tốc mái, 7 tàu cá bị chìm, 50ha hành bị thiệt hại hoàn toàn, nhiều cây cối ngã đổ...
"Nhờ chủ động ứng phó với bão Noru, nên dù bị gió mưa quần liên tục cả ngày, có thời điểm gió giật cấp 13, nhưng may mắn huyện không có thiệt hại về người. Có thể nói việc chủ động ứng phó đã cho kết quả này", ông Thành nói.
Tàu cá ngư dân Lý Sơn bị sóng lớn đánh chìm 7 chiếc - Ảnh: HỮU DANH/ Tuổi trẻ