Tin từ Bệnh viện K Trung ương cho biết, các bác sĩ vừa điều trị thành công 1 ca ung thư tuyến giáp bằng kỹ thuật mới, dùng robot để mổ nội soi qua đường miệng điều trị ung thư tuyến giáp cho bệnh nhân.
Chị Bùi Thị H. 28 tuổi, đi khám định kỳ phát hiện u giáp, kết quả siêu âm tuyến giáp cho thấy chị H. có u ở thùy phải giáp trạng kích thước 4 x 5mm, chưa phá vỏ, thùy trái bình thường không có u.
Kết quả chọc tế bào u thùy phải dưới siêu âm cho thấy, chị H bị ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú ở giai đoạn sớm. Chị được chỉ định mổ nội soi bằng hệ thống robot tiếp cận qua đường miệng, đây là phương pháp hiện đại nhất hiện nay để giảm tổn thương, bảo vệ sức khỏe cho bệnh nhân.
Hơn 1 ngày sau phẫu thuật, chị H đã tỉnh táo, tiếp xúc tốt, ăn nhẹ trở lại, ổn định ra viện vào ngày thứ 5. Mới đây, chị H. tái khám lại sau mổ 2 tuần hoàn toàn ổn định, đảm bảo thẩm mỹ.
Một trường hợp khác là chị Nguyễn Thị H (40 tuổi) cũng phát hiện ung thư tuyến giáp qua khám định kỳ. Kết quả siêu âm tuyến giáp có u ở thùy phải giáp trạng kích thước 5 x 5 mm. Kết quả chọc tế bào u thùy phải dưới siêu âm là ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú giai đoạn sớm.
Chị Nguyễn Thị H. cũng được phẫu thuật bằng robot cắt thùy phải và eo giáp trạng, vét hạch cổ trung tâm qua tiền đình miệng. Sau ca phẫu thuật, chị H. có thể ăn uống, sinh hoạt trở lại và ra viện sau 4 ngày điều trị.
PGS.TS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện K Trung ương cho biết, phẫu thuật mổ mở tuyến giáp là phương pháp kinh điển được áp dụng trong ung thư tuyến giáp từ rất lâu. Tuy nhiên, phương pháp này thường để lại một sẹo dài ở vùng trước cổ gây mất thẩm mỹ cho bệnh nhân đặc biệt là những phụ nữ trẻ.
Gần đây, có cách tiếp cận mới qua đường tiền đình miệng cho phép tiếp cận cả hai thuỳ tuyến giáp mà hoàn toàn không để lại sẹo trên da.
"Phẫu thuật robot qua tiền đình miệng có nhiều ưu điểm hơn so với phẫu thuật nội soi, đó là quan sát rõ nét, độ linh hoạt cao của các cánh tay robot, phẫu tích tỉ mỉ giúp phẫu thuật viên thao tác chính xác cao hơn.
Đồng thời phẫu thuật robot có nhiều ưu điểm vượt trội mà bệnh nhân có thể cảm nhận rất rõ ràng nhất đó là: đảm bảo thẩm mỹ, sang chấn tối thiểu, không chảy máu, giảm đau tối đa và phục hồi nhanh chóng", PGS Bình nhận định.
TS, bác sĩ Ngô Xuân Quý, Trưởng khoa Ngoại đầu cổ (Bệnh viện K Trung ương) cho biết, hiện nay ung thư tuyến giáp đang có xu hướng trẻ hóa. Mặc dù ung thư tuyến giáp thể biệt hóa là bệnh có tiên lượng tốt nhưng bệnh nhân vẫn cần phát hiện và điều trị kịp thời để đạt được hiệu quả cao nhất.
"Mọi người hãy chủ động quan tâm tới sức khỏe của mình đi khám tầm soát định kỳ để kịp thời phát hiện bệnh và đưa ra phương án điều trị phù hợp, đạt hiệu quả cao nhất", TS Quý khuyến cáo.
Theo TS Quý, các dấu hiệu nhận biết ung thư tuyến giáp không được bỏ qua, bao gồm:
- Bị khàn giọng: Một trong những dấu hiệu dễ nhận biết nhưng lại hay bị nhầm lẫn của ung thư tuyến giáp là giọng nói khàn. Bởi các dây thần kinh thanh quản kiểm soát các cơ mở và đóng dây thanh âm, nằm ngay phía sau tuyến giáp.
- Khối u to, rắn, cố định trước cổ.
- Khó nuốt, nuốt vướng, do u chèn ép.
- Da vùng cổ có thể bị thâm nhiễm hoặc sùi loét chảy máu.
- Siêu âm có thể nhận biết ung thư tuyến giáp.
"Nếu nhận thấy những bất thường của cơ thể khi xuất hiện những triệu chứng trên bạn hãy đến ngay cơ sở chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời. Ngoài ra, mỗi người nên thăm khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để bảo vệ sức khỏe của mình", TS Quý khuyến cáo.
Theo các bác sĩ Bệnh viện K Trung ương, ung thư tuyến giáp là bệnh xảy ra khi có sự bất thường trong sự phát triển của các tế bào tuyến giáp, là sự xuất hiện của các tế bào ung thư tạo thành khối u ác tính ở vùng tuyến giáp.
Hiện tại, vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây ra căn bệnh này. Tuy nhiên, cần chú ý đến một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp như:
- Rối loạn hệ miễn dịch: Là nguyên nhân đầu tiên, khi hệ miễn dịch bị rối loạn, chức năng sinh sản sinh ra các kháng thể có tác dụng chống lại sự xâm nhập của các virus, vi khuẩn bị suy giảm. Điều này tạo cơ hội cho các loại vi khuẩn, virus tấn công cơ thể, trong đó có tuyến giáp bị xâm hại, gây ung thư tuyến giáp.
- Nhiễm phóng xạ: Cơ thể người có thể bị nhiễm phóng xạ qua đường tiêu hóa, qua đường hô hấp gây ảnh hưởng đến tuyến giáp.
- Yếu tố di truyền: Thực tế cho thấy khoảng 70% bệnh nhân ung thư tuyến giáp có gia đình có bố mẹ, hoặc người thân mắc bệnh.
- Yếu tố tuổi tác, thay đổi hoóc-môn: Ở độ tuổi 30- 50, ở phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2-4 lần so với nam giới. Nguyên nhân nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn là do yếu tố hoóc-môn ở phụ nữ kích thích quá trình hình thành bướu ở tuyến giáp, hạch tuyến giáp. Theo thời gian, các bướu này có thể phát triển thành ung thư.
- Mắc bệnh tuyến giáp: Người bị bệnh bướu tuyến giáp, viêm tuyến giáp, bệnh basedow hoặc hoóc-môn tuyến giáp bị suy giảm sẽ có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp cao hơn những người khác.
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc: Bệnh nhân mắc các bệnh về tuyến giáp sẽ được bác sĩ chỉ định uống i ốt phóng xạ, chính đây là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp.
- Các yếu tố nguy cơ khác: thiếu i ốt, uống rượu thường xuyên, hút thuốc lá, thừa cân, béo phì...
"Thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị ung thư tuyến giáp tại Bệnh viện K Trung ương có xu hướng tăng lên.
Hiện tại, ung thư tuyến giáp là 1 trong 10 loại ung thư phổ biến nhất Việt Nam với hơn 5.400 ca mắc mới vào năm 2020 nhưng may mắn, đây là loại ung thư có tỉ lệ chữa khỏi cao.
Ung thư tuyến giáp hoàn toàn có thể điều trị thành công nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, tiên lượng dành cho người bệnh ung thư tuyến giáp tốt hơn so với những loại ung thư khác"
(Nguồn Bệnh viện K Trung ương)