Người dân phản ánh trang trại lợn gây ô nhiễm môi trường ở xã Lương Năng, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn
Bức xúc vì mùi hôi và ô nhiễm nguồn nước
Bà L.T.S.L ở thôn Pá Hà có nhà ở gần trang trại lợn của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đại Quang (Công ty Đại Quang). Bà L cho biết, bình thường có mùi hơi thum thủm bay vào nhà nhưng cứ buổi chiều, đặc biệt là từ 16 giờ trở đi mùi hôi thối bốc vào nhà không thể chịu nổi.
Còn ông H.T.T nhà cũng ở gần trang trại bức xúc: Không chỉ có mùi hôi, thối khó chịu mà từ khi trang trại lợn xây dựng và đi vào hoạt động thì ruồi, muỗi cũng về nhiều hơn trước rất nhiều.
Theo ông Hoàng Thanh Hiếu nguyên là Bí thư xã Lương Năng, thôn Bản Kình có gần 150 hộ, đa phần phải dùng nước sinh hoạt như tắm, giặt ở suối Cốc Nỉ và có khoảng 10 hộ không lấy được nước ở khe núi, vẫn phải ăn, uống nước ở suối.
"Từ đầu năm đến nay có 3 lần nước suối xuất hiện sự cố đen xì hết dòng suối. Thời điểm đó, Bí thư huyện ủy chỉ đạo rất quyết liệt, phải kiểm tra xử lý. Nhà tôi cũng ra suối tắm giặt vì nước ở khe núi lấy về chỉ đủ để uống và nấu ăn.
Lúc đầu tôi còn không tin khi bà con phản ánh, nhưng sau kiểm tra thì thấy suối bị đen hết. Đợt đó là vào mấy ngày mưa to, vào trang trại thì thấy bị tràn hết cái bể chứa nước thải ra suối" - ông Hiếu kể lại.
"Chúng tôi cũng đề nghị cơ quan chức năng phải lấy mẫu nước đi kiểm tra. Tôi được biết có lấy mẫu nước đi kiểm tra, tuy nhiên đến nay không thấy thông báo lại với người dân kết quả kiểm tra", ông Hiếu nói.
Trao đổi với Dân Việt, ông Lộc Văn Cơ – Chủ tịch UBND xã Lương Năng cũng xác nhận có phản ánh của người dân ở 2 thôn trong xã về tình trạng có mùi hôi thối, đồng thời nguồn nước của dòng suối bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, về mùi hôi thối và nước có đảm bảo hay không là do cơ quan chức năng của huyện, tỉnh kiểm tra, xử lý chứ xã không có chuyên môn.
"Việc dòng suối bị ảnh hướng là do có đợt mưa to, có sạt lở khiến nước ở trang trại tràn ra suối. Chúng tôi đã thành lập đoàn kiểm tra và yêu cầu trang trại cam kết khắc phục", ông Cơ nói.
Cũng theo ông Cơ, hiện trang trại lợn trong quá trình chạy thử, Sở TNMT và Sở NNPTNT cũng đang trong quá trình đánh giá các tác động về môi trường ở bước 1 và bước 2.
Nắn suối để làm trang trại lợn?
Theo phản ánh của người dân, do có dòng suối chảy qua nên trang trại chăn nuôi của Công ty Đại Quang đã xin cơ quan chức năng được nắn suối cho dòng chảy đi ra phía ngoài tường rào của trang trại.
Chủ tịch UBND xã Lương Năng Lộc Văn Cơ cũng xác nhận là có việc nắn suối nhưng đã có đánh giá của các cơ quan chức năng. Đại diện trang trại cũng cho biết thủ tục pháp lý của trang trại vẫn còn chưa hoàn thiện.
Trao đổi với Dân Việt, ông Đinh Xuân Nam, đại diện Công ty Đại Quang cho biết: Quy trình của trang trại xử lý nước thải là tách lấy bã phân để sản xuất phân hữu cơ.
Còn lại nước phân và nước thải sẽ đưa ra ao lắng để xử lý, đạt chất lượng nước 1B thì một phần tái sử dụng còn một phần thải ra suối.
Nước chăn nuôi ra nội đồng, trồng cây chỉ đạt 1B, còn thải ra sông thì phải đạt 1A.
Theo ông Nam, bình thường suối chảy vào Bản Kình không có nước, tháng 5, tháng 6 có nước, chính nguồn nước của trang trại ông Nam thải ra mới có nước chảy đều về khu vực của bà con?!
"Dự án xin khai thác 6 giếng ngầm, nước cho dự án chủ yếu là nước giếng khoan. Trung bình mỗi ngày trang trại bơm lên khoảng 430m3, một phần xử lý tái sử dụng còn lại là xả ra. Lưu lượng bao nhiêu đều có đồng hồ đo và có giấy phép của Sở TNMT", ông Nam nói.
Ông Nam xác nhận có sự cố nước suối bị đen đặc. Ông Nam cũng cho biết, ngày 9/5 do có mưa tràn qua hệ thống bể lắng để hở dẫn tới tràn ra ngoài suối, ngay sau đó trang trại đã khắc phục.
Đối với thông tin nắn chỉnh dòng suối, ông Nam thông tin còn "vấn đề về pháp lý", trang trại đang làm thủ tục xin chuyển đổi và nắn suối?!
Có thể thấy, trang trại lợn do Công ty Đại Quang quản lý dù chưa chính thức hoạt động nhưng đã có những dấu hiệu ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân, cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn để đảm bảo môi trường khu vực nông thôn.
Theo ông Đinh Xuân Nam, Tập đoàn Hawee đầu tư toàn bộ công nghệ, vốn cho trang trại, còn lại quản lý là do Công ty Đại Quang. Tuy nhiên, khi trao đổi với Dân Việt thì đại diện truyền thông của Tập đoàn Hawee lại cho biết, "Hawee chỉ góp một phần vốn vào trang trại này, còn lại của nhiều cổ đông khác".