Đề thi học sinh giỏi môn Văn lớp 12 Hà Nội
Ngày 28/9, Sở GDĐT Hà Nội tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp thành phố lớp 12 THPT năm học 2022-2023. Theo đó, môn Ngữ văn có thời gian 180 phút với 2 câu hỏi.
Câu 1 (8 điểm): Bàn về văn hóa đọc, Nguyễn Quang Thiều cho rằng: "Nhưng chắc chắn một dân tộc không coi trọng sách là một dân tộc sẽ chỉ đi lòng vòng trong bóng tối cho dù vàng bạc cất giấu đầy trong nhà". Suy nghĩ của anh/chị về nhận định trên.
Câu 2 (12 điểm): "Trong văn học, người ta không chấp nhận sự lặp lại, bằng phẳng, nhạt nhẽo; trái lại người ta đòi hỏi biến hóa, ngẫu nhiên, li kì, đa dạng, cái mới lạ". Bằng những hiểu biết và trải nghiệm văn học, anh/chị hãy bàn luận ý kiến trên.
Liên quan đến đề thi chọn học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 12 Hà Nội, TS Phạm Thị Hương Quỳnh, Viện Ngôn ngữ học cho hay: "Đề thi học sinh giỏi Văn năm nay có thể coi là có chiều sâu. Câu 1 là nghị luận xã hội, câu 2 là nghị luận văn học. Vấn đề văn hóa đọc thực sự đang rất nóng hổi, bởi vì trong xã hội hiện đại và công nghệ cao như hiện nay, việc đọc dường như đang không được đề cao. Trong khi chúng ta biết rằng nếu không đọc thì không mở rộng được hiểu biết.
Đọc ở đây không phải chỉ đề cập đến việc đọc các cuốn sách được in ra, bán trong hiệu sách mà bao gồm cả việc đọc các cuốn ebook có trên mạng. Có một thực tế là ngay cả khi có các phương tiện như điện thoại, ipad kết nối internet bên cạnh thì các bạn trẻ chỉ hào hứng với game, các thông tin hot trên mạng mà không mấy hào hứng với việc tìm đọc những cuốn sách hay, những tác phẩm văn học nổi tiếng hay những tri thức khác. Chính vì vậy bàn về văn hóa đọc là bàn về một vấn đề mang tính chất thời sự trong xã hội, đặc biệt là trong giới trẻ hiện nay.
Câu 2 là nghị luận văn học. Đề bài là một nhận định về bản chất của văn học và sáng tác văn học. Trong văn học, người ta không chấp nhận sự lặp lại, bằng phẳng, nhạt nhẽo, trái lại người ta đòi hỏi biến hóa, ngẫu nhiên, li kì, đa dạng, cái mới lạ. Đúng là văn học là nhân học, văn học cũng là nghệ thuật của ngôn từ. Chính vì vậy sẽ không thể chấp nhận sự lặp lại, cái bằng phẳng nhạt nhẽo, văn học cần gắn liền với hiện thực cuộc sống, mang hơi thở của thời đại. Cái biến hóa, ngẫu nhiên, lì kì ở đây không có nghĩa là sự kì ảo mà nó có nghĩa là văn học cần phải phản ánh được tất cả những gì thuộc về cuộc sống, cả cái tốt đẹp, cái xấu xa, cả lòng tốt và sự tráo trở… Nói tóm lại, văn học cần sự đa dạng trong cách miêu tả cuộc sống, sự miêu tả ấy phải có yếu tố mới và hấp dẫn người đọc, giúp người đọc hiểu về cái phong phú, phức tạp của đời".
Nhận xét của TS Quỳnh về đề Văn: "Đây là đề khá hay, hấp dẫn, có tính chất phân loại cao, có sự gợi mở để học sinh phát huy những hiểu biết của mình. Để làm tốt không chỉ cần khả năng diễn đạt trau chuốt ở ngôn từ mà còn cần đến vốn sống, khả năng cảm thụ, khả năng phân tích và nhận định của các em. Một học sinh giỏi văn không những cần có những rung động trước cái hay cái đẹp của ngôn từ mà còn cần có sự sắc sảo trong phân tích, đánh giá".
Còn thạc sĩ Phương pháp giảng dạy Ngữ văn Diệp Thảo bày tỏ quan điểm: "Đề 1 trong vùng an toàn, học sinh dễ tiếp cận. Theo tôi, đề chọn học sinh giỏi lớp 12 này chưa đánh thức được các em mà cần đi vào vấn đề thực tế hơn, xã hội hơn là đọc sách đối với một dân tộc.
Đề 2 thì quá hàn lâm, quá khó như dành cho sinh viên Văn học. Vấn đề đưa ra là sự sáng tạo trong văn chương nhưng dùng câu hỏi mang tính uyên bác, lý luận cao siêu như dành cho sinh viên năm 2, 3 khoa Văn viết về lý luận văn học".