Nửa buồn nửa vui chuyện đỗ đại học
Cuối tháng 7 vừa qua, Nguyễn Thùy Lan (Ninh Bình) đã biết mình đỗ đại học theo một số phương thức tuyển sinh sớm của các trường. Lan trúng tuyển ngành Răng-Hàm-Mặt theo phương thức xét học bạ của Đại học Duy Tân và ngành Marketing của Đại học Thương mại theo diện xét tuyển điểm thi tốt nghiệp với chứng chỉ ngoại ngữ.
Tuy nhiên, dù biết đã đỗ đại học và chỉ cần thực hiện những thao tác nhập học trên hệ thống của Bộ GDĐT để chính thức xác nhận nhập học nhưng Lan nửa buồn nửa vui. Vui vì mình đã đỗ đại học theo ý thích, buồn vì bố mẹ không ủng hộ.
Cả bố và mẹ Lan đều làm trong ngành Y tư nhân. "Nhất y, nhì dược", ngành học "hot", có bố mẹ hậu thuẫn, làm bệ đỡ khi cùng ngành nghề nên luôn nghĩ rằng con gái phải theo ngành Y và có thể chu cấp học phí dù tăng nhiều, nhưng nữ sinh lại không thích.
"Em không thích học Y vì con gái theo ngành này khá vất vả", Lan cho biết. Sau nhiều lần căng thẳng, nữ sinh đã quyết định chọn nhập học vào Đại học Thương mại trong tâm trạng nặng trĩu.
Khi chọn học ngành không theo ý của bố mẹ, nữ sinh cho biết, bố mẹ không vui và cảnh cáo về "tương lai xa xôi" về việc học xong "đầu ra" sẽ như thế nào.
"Gia đình em thường xuyên mâu thuẫn về chuyện này, cuối cùng bố mẹ em tuyên bố vẫn chu cấp tiền ăn, học trong 4 năm nhưng muốn học gì hay làm gì cần tiền thì không có chuyện cho thêm", Lan nói.
Điều đáng buồn hơn với nữ sinh là trong khi các bạn cùng trang lứa tất bật được bố mẹ đưa đi tìm nhà trọ thì cô lại phải tự đi kiếm. "Khi đi Hà Nội, em với bạn cũng tự tìm phòng trọ rồi nhờ anh họ qua xem giúp chứ bố mẹ cũng không tới", Lan chia sẻ thêm.
Hoàng Hương (Phú Thọ) vừa rời quê nhập học tại Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương tuần trước trong tâm thế "không phấn khởi là mấy" bởi lẽ, Hương không thích ngành mình trúng tuyển, còn ngành thích thì lại "trượt".
"Em có bác làm trong ngành liên quan đến y tế mẹ cứ giục và hướng theo ngành để đỡ lo việc làm sau này nhưng em không thích", tuy nhiên cũng không còn sự lựa chọn nào khác vì các nguyện vọng mà em thích thì em không đậu", Hương tâm sự.
Nhờ sự giúp đỡ của người anh khóa trên và đội sinh viên tình nguyện, Hương dễ dàng tìm được nhà trọ ở Hải Dương mà không cần phải mất nhiều thời gian tìm kiếm. Hương cho biết, em sẽ học năm đầu tiên tại Hải Dương, đồng thời tiếp tục ôn luyện cho năm sau để thi vào ngành mình thích là Thương mại điện tử của Học viện Bưu chính viễn thông ở Hà Nội.
Bình tĩnh, tôn trọng quyết định lựa chọn của con
Bất đồng giữa cha mẹ về chọn ngành, chọn nghề là vấn đề mà mùa tuyển sinh nào cũng "nóng". Nhiều chuyên gia tuyển sinh khi tham gia các buổi tư hướng nghiệp đều nhận được những câu chuyện đáng buồn về việc các học sinh bị bố mẹ áp đặt định hướng ngành nghề, khóc nhiều, stress, trầm cảm… mà phía sau đó có bóng dáng của "ông bác thành đạt" như chuyện của Hoàng Hương kể trên.
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, bản thân cha mẹ hiện nay không có kiến thức về giáo dục hướng nghiệp. Cha mẹ vẫn hướng nghiệp con vào những ngành nghề liên quan đến kinh tế hay vì giá trị bề nổi của nghề, hướng con vào nghề mình quen biết, có quan hệ để bảo đảm đầu ra công việc, gây áp lực cho con bằng việc nếu không nghe lời thì tự lo, tự chịu trách nhiệm…
TS giáo dục Nguyễn Thị Thu Huyền nhận định, việc phụ huynh và con cái xung đột khi ngành nghề con chọn không như mong muốn và định hướng của bố mẹ là một "bài toán" thường gặp phải của các gia đình. Theo TS Huyền, sự cam kết, trách nhiệm của con khi lựa chọn sẽ là yếu tố nếu trẻ nhận ra được thì phụ huynh có thể yên tâm và tôn trọng quyết định của con.
"Sở thích có thể thay đổi nhưng khi đã yêu thích, dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu thì sở thích đó đã trở thành đam mê. Nếu con có đam mê với ngành nghề nào đó, đã biết những khó khăn, áp lực, mặt trái của nghề nhưng vẫn yêu thích và quyết tâm theo đuổi thì phụ huynh có thể tin tưởng. Đến lúc này, phụ huynh nên tôn trọng lựa chọn của con mình", TS Huyền đưa ra lời khuyên.
Còn theo thạc sĩ công tác xã hội Trần Minh Hải, giảng viên thỉnh giảng của Trường ĐH Hoa Sen, khi cha mẹ thấy con cái có xu hướng thích và chọn một lĩnh vực nghề nghiệp nào đó không giống với kỳ vọng của mình thì cha mẹ nên bình tĩnh, tìm hiểu và trao đổi với con để con có cơ hội trình bày nguyện vọng thay vì giận dữ trách mắng, dẫn đến mâu thuẫn, căng thẳng.